Thành phố trẻ nhất Việt Nam có hệ thống giao thông đồ sộ, tuyến đường 18.000 tỷ tiếp sức 'cất cánh' cho địa phương
Từ đầu tháng 5/2023, thị xã này sẽ chính thức 'cất cánh' lên thành phố.
Từ ngày 1/5/2024, thị xã Bến Cát sẽ là thành phố thứ 5 của tỉnh Bình Dương, đưa Bình Dương trở thành tỉnh có nhiều thành phố nhất cả nước. Theo đó, thành phố Bến Cát được thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích 234,35km2 của thị xã Bến Cát và được phân chia thành 8 đơn vị hành chính cấp xã với 7 phường.
Bến Cát có vị trí đắc địa khi tọa lạc ngay vùng tứ giác kinh tế trọng điểm phía Nam, liền kề thành phố mới Binh Dương, kết nối dễ dàng đến trung tâm TP. HCM chỉ khoảng 50km và cách thành phố loại I – Thủ Dầu Một khoảng 20km.
Hiện nay, Bến Cát sở hữu hệ thống giao thông phát triển mạnh và được đầu tư bài bản, giúp kết nối thông suốt, đồng bộ với các tuyến đường trọng điểm như: Đại lộ Bình Dương, ĐT.741, ĐT.744, đường Mỹ Phước - Tân Vạn, hệ thống các tuyến đường nội ô thị xã... Những tuyến đường trọng điểm này góp phần nâng cao vai trò của địa phương cũng như thúc đẩy quá trình trao đổi, đi lại giữa Bến Cát với các vùng, gia tăng kết nối các khu công nghiệp, đô thị của tỉnh.
Cùng với hệ thống giao thông đã hoàn thiện, đi vào hoạt động và đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cho địa phương, trên địa bàn thị xã Bến Cát còn đang triển khai nhiều dự án trọng điểm của tỉnh cũng như của vùng như: Công trình nâng cấp, mở rộng đường ĐT.748 đoạn từ giáp giao lộ ngã tư Phú Thứ đến vành đai Bắc thị trấn Mỹ Phước; công trình nâng cấp, mở rộng tuyến đường từ ĐH606 đến giáp đường Vành đai Bắc Mỹ Phước; công trình nâng cấp mở rộng đường ĐT.744 đoạn qua thị xã Bến Cát.
Đặc biệt, dự án Vành đai 4 TP. HCM, đoạn qua tỉnh Bình Dương dài gần 48km với tổng vốn đầu tư 18.000 tỷ đồng có đi qua địa phận thị xã Bến Cát. Đây là dự án kết nối tỉnh với TP. HCM, Long An, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, dự kiến sẽ khởi công trong năm 2025. Công trình này có ý nghĩa quan trọng với cả thị xã Bến Cát và tỉnh Bình Dương khi gia tăng kết nối với các địa phương đang phát triển, tạo điều kiện phát triển mọi mặt hơn nữa cho Bến Cát nói riêng và cho tỉnh Bình Dương nói chung.
Theo Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Bến Cát, định hướng đến năm 2030, Bến Cát sẽ là đô thị công nghiệp - dịch vụ, đến năm 2040 là trung tâm đô thị có chức năng đô thị công nghiệp - dịch vụ - đầu mối giao thông.
Định hướng đến năm 2040, đô thị Bến Cát phát triển mô hình theo dạng tuyến gồm 2 hướng chính: Phát triển hành lang thương mại - dịch vụ dọc Quốc lộ 13 theo hướng Bắc - Nam và phát triển các khu đô thị, thương mại - dịch vụ dọc theo đường Vành đai 4 là tuyến vận tải theo hướng Đông - Tây.
Về đầu mối giao thông, đối với đường bộ sẽ được bố trí cảng cạn IDC An Điền quy mô 30ha ở khu vực phía đông KCN Việt Hương 2; nâng cấp bến xe hiện hữu ở phường Mỹ Phước lên bến loại 2 và phát triển một bến xe mới quy mô 3ha tại xã An Tây.
Đối với đường sông, phát triển cảng An Tây quy mô 100ha, cảng An Điền quy mô 8ha và cảng ICD Rạch Bắp quy mô 10ha tại xã An Tây (khu vực ven sông Sài Gòn).
Phát triển khu công trình cung cấp năng lượng đô thị khoảng 30-35ha ở xã An Tây. Đối với đường sắt, ngoài ga Chánh Lưu quy mô 6,6ha, địa phương sẽ phát triển khu vực sử dụng hỗn hợp xung quanh nhà ga, trong đó ưu tiên cho dịch vụ logistics.