‘Thâu tóm’ xong tòa nhà hơn 750 triệu USD của CapitaLand tại Hà Nội, Viva Land là ai, năng lực thế nào?
Mới đây, Tòa nhà văn phòng Capital Place trên đường Liễu Giai (quận Ba Đình) của nhóm CapitaLand đã chính thức về tay Công ty CP Đầu tư & Phát triển Viva Land. Vậy Viva Land là ai, năng lực thế nào?
Capital Palace chính thức có ‘chủ mới’
Theo thông tin được công bố trên trang chủ Capitaland.com, CapitaLand Development (CLD) – chi nhánh phát triển của Tập đoàn CapitaLand đã thông báo thoái vốn của Capital Place (tòa nhà văn phòng hạng A quốc tế tại Hà Nội) với giá 751 triệu đô la Singapore (550 triệu đô la Mỹ) cho một bên thứ ba không liên quan.
Đến ngày 24/1, CTCP Đầu tư và Phát triển Viva Land (Viva Land) đã thông qua các đơn vị liên kết và công bố chính thức sở hữu tòa nhà Capital Place. Được biết, đây cũng là dự án văn phòng và thương mại đầu tiên của Viva Land tại khu vực phía Bắc.
Tòa Capital Place được sở hữu bởi Quỹ Giá trị Gia tăng Thương mại CapitaLand Việt Nam (CVCVF). Trong đó CLD nắm giữ 50% cổ phần của CVCVF và 50% còn lại do MEA Commercial Holdings Pte nắm giữ. Ltd.
CVCVF được thành lập vào năm 2017 với quy mô quỹ là 177 triệu USD Singapore (tương đương 130 triệu USD). Quỹ được quản lý bởi CapitaLand Investment Limited (CLI), doanh nghiệp quản lý đầu tư bất động sản của Tập đoàn CapitaLand.
Thông tin được công bố cho thấy, CVCVF sẽ được thoái vốn hoàn toàn và đóng cửa, cung cấp cho các nhà đầu tư vào quỹ tỷ lệ hoàn vốn nội bộ, tính phí ròng là 34% sau khi hoàn tất chuyển nhượng. Với khoản tiền thu được, CVCVF sẽ dùng để cơ cấu nguồn vốn và xử lý nợ. Từ đó, lợi nhuận dự kiến của quỹ sẽ được cải thiện. Đồng thời sẽ tạo ra khoản lãi khoảng 23 triệu đô la Singapore (17 triệu đô la Mỹ) cho CLI.
Chia sẻ về thương vụ chuyển nhượng này, ông Ronald Tay – Giám đốc điều hành của CLD (Việt Nam) cho biết thêm: “Việc thoái vốn tại Capital Place là một phần trong chiến lược rút lui của CVCVF, phù hợp với nỗ lực tái chế vốn đang thực hiện của CLD nhằm khai thác giá trị cơ bản mạnh mẽ tài sản của chúng tôi. Khai thác sức mạnh tổng hợp của hệ sinh thái ONE CapitaLand và hợp tác chặt chẽ với CLI, chúng tôi đã tạo ra giá trị thành công cho đối tác vốn của mình thông qua khả năng phát triển bất động sản và quản lý tài sản của mình, bán tài sản chính ở mức cao hơn giá trị sổ sách. CLD sẽ phân bổ lại số tiền thu được từ việc thoái vốn này thành các tài sản có năng suất cao hơn và làm vốn gốc cho các quỹ trong tương lai sẽ được phát triển cùng với CLI tại Việt Nam. ”
Nói qua một chút về Capital Place, đây là dự án được CVCVF mua lại vào năm 2018 và khai trương vào năm 2020, có vị trí tại nút giao Liễu Giai – Kim Mã, trung tâm quận Ba Đình. Dự án có diện tích sàn cho thuê 100.000 m2 với hai tòa tháp văn phòng cao 37 tầng.
Đối với danh mục đầu tư của CapitaLand Development tại Việt Nam thì ngoài Capital Place, CLD hiện đang sở hữu một dự án văn phòng khác tại Hà Nội, có diện tích sàn cho thuê 20.000 m2, dự kiến hoàn thành vào quý II/2024.
Trước đó, vào tháng 12/2021, CLD đã thông báo mua lại một khu đất 18,9 ha tại Thành phố mới Bình Dương với tổng vốn 1,12 tỷ USD Singapore. Tại đây, CLD sẽ phát triển dự án khu dân cư với 3.700 đơn vị ở cho 13.000 cư dân.
Vào tháng 11/2021, CLD cũng đã công bố thiết kế hai dự án khu dân cư tại khu vực hồ Tây (Hà Nội) và TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh). Trong đó, dự án tại TP Thủ Đức đã được mở bán vào ngày 4/12/2021. Còn dự án Heritage ở hồ Tây, dự kiến sẽ được mở bán trong nửa đầu năm 2022.
Tháng 6/2021, CapitaLand còn ký kết thỏa thuận mua lại hai dự án bất động sản tại Paris (Pháp) và Hà Nội (Việt Nam) với tổng giá trị 210 triệu SGD. Trong đó, dự án nhóm CapitaLand muốn mua lại tại Hà Nội là tổ hợp 364 căn hộ Somerset Metropolitan West Hanoi. Dự án này dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2024.
Chủ mới của Capital Place – Viva Land là ai?
Theo giới thiệu trên trang chủ của Viva Land, doanh nghiệp được thành lập vào năm 2020, có tiền thân là CTCP Cirius Power, trụ sở đặt tại số 2 Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, quận 1, TP Hồ Chí Minh.
Viva Land có vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng, do 3 cổ đông sáng lập là cá nhân đăng ký góp 75% vốn. Trong đó, bà Nguyễn Thị Kim Khánh sở hữu 30% vốn điều lệ là Tổng Giám đốc, đồng thời cũng là người đại diện pháp luật của Viva Land. Hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực Bất động sản.
Mặc dù mới được thành lập nhưng với tiềm lực và nền tảng tài chính ổn định, Viva Land đã những động thái nhất định thị trường bất động sản trong và ngoài nước.
Trên Website của mình, Viva Land cũng tự giới thiệu “đang sở hữu hơn 800ha đất sắp triển khai với hơn 17.000 căn hộ. Cùng với đội ngũ lãnh đạo có hơn 30 năm kinh nghiệm trên thị trường bất động sản trong nước và khu vực, quản lý giá trị tài sản hơn 5 tỷ USD”.
Với việc trở thành chủ sở hữu mới của Capital Place, Viva Land đã nhận được sự chú ý nhiều hơn từ dư luận. Tuy nhiên, với ‘tuổi đời’ còn khá trẻ, không ít người quan tâm đang đặt dấu hỏi về tầm vóc và tiềm lực của công ty này. Như đã đề cập ở trên, Capital Place là dự án văn phòng và thương mại đầu tiên của Viva Land tại khu vực phía Bắc.
Cũng theo giới thiệu của Viva Land, doanh nghiệp hiện đang phát triển và quản lý 5 dự án bất động sản, bao gồm: Dự án Project GP nằm tại đường Nguyễn Trãi, quận 5, TP Hồ Chí Minh. Tổng diện tích đất của dự án đạt 6.004 m2, diện tích sàn 78.545 m2 với 35 tầng, bao gồm TTTM, 328 căn hộ và tầng hầm.
Thứ 2 là dự án IFC One, Saigon, hay còn được gọi là Saigon One Tower; Dự án thứ 3 là Waterfront Saigon toạ lạc tại đường Tôn Đức Thắng, quận 1, TP Hồ Chí Minh với tổng diện tích đất là 1.995 m2, diện tích sàn 38.820m2.
Thứ 4 là dự án Saigon Peninsula nằm tại phường Phú Thuận, quận 7, TP Hồ Chí Minh với tổng diện tích đất 117,8ha. Đây là dự án phức hợp gồm khu căn hộ cao cấp, khu phức hợp thương mại, hội nghị & triển lãm, công viên và cả tiện ích bến du thuyền. Cuối cùng là dự án Robison Point tại Singapore, thuộc thể loại toà nhà thương mại cao tầng với diện tích sàn là 15.723m2.
Đáng chú ý trong danh sách trên là dự án cao ốc triệu đô “Saigon One Tower” tại đường Tôn Đức Thắng (quận 1, TP Hồ Chí Minh). Viva Land mới đây đã chính thức trở thành đơn vị quản lý và phát triển dự án.
Saigon One Tower do CTCP Sài Gòn One Tower làm chủ đầu tư và từng được thế chấp cho khoản vay tín dụng tính cả gốc và lãi đến năm 2017 lên đến hơn 7.000 tỷ đồng tại Ngân hàng Hàng hải và Ngân hàng Đông Á. Sau đó, tòa nhà được bán đấu giá với giá khởi điểm 6.110 tỷ đồng nhưng không có nhà đầu tư tham gia. Cũng có một số doanh nghiệp địa ốc từng bày tỏ sự quan tâm đến dự án này nhưng đều không đi đến đâu. Đến nay, đã gần 1 thập kỷ đã trôi qua, tòa nhà vẫn chưa thể hoàn thành.