Thấy gì khi EVN lãi tỷ giá đột biến?

6 tháng đầu năm 2021, lợi nhuận của EVN tăng gấp gần 7 lần cùng kỳ năm ngoái, trong đó có sự đóng góp lớn của khoản lãi tỷ giá.

Báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ 2021 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ghi nhận lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm 2021 của doanh nghiệp này lên đến 10.127 tỷ đồng, gấp 6,9 lần cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh hoạt động kinh doanh chính khởi sắc với doanh thu thuần đạt 211.631 tỷ đồng, tăng 11,3% so với cùng kỳ, một nguyên nhân khác dẫn tới mức tăng đột biến về lợi nhuận của EVN là doanh thu tài chính tăng rất mạnh  từ 1.873 tỷ đồng nửa đầu năm ngoái lên 7.199 tỷ đồng nửa đầu năm nay, gấp 3,84 lần, trong khi chi phí tài chính giảm đáng kể từ 10.100 tỷ đồng xuống 7.900 tỷ đồng.

Đáng lưu ý, báo cáo của EVN ghi nhận trong 6 tháng đầu năm nay, tập đoàn có khoản lãi chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện lên tới 4.608 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ vỏn vẹn 174 tỷ đồng. Lãi chênh lệch tỷ giá đã thực hiện tăng gần gấp đôi, từ 188 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái lên hơn 373 tỷ đồng.

Lãi tiền gửi, tiền cho vay của EVN cũng tăng mạnh 53% (tương đương tăng 737 tỷ đồng). Ngoài ra, phần lãi trong công ty liên kết cũng tăng đáng kể, từ 13,8 tỷ đồng nửa đầu năm ngoái lên 198 tỷ đồng nửa đầu năm nay.

Có thể thấy khoản lãi tỷ giá của EVN trong 6 tháng đầu năm nay là đột biến. Còn nhớ báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018 của EVN ghi nhận khoản lỗ chênh lệch tỷ giá hơn 7.700 tỷ đồng. 

Trao đổi với Đất Việt, chuyên gia kinh tế - Ths Bùi Ngọc Sơn (Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới) cho biết, tỷ giá có tác động lớn đến hoạt động tài chính của EVN. Chỉ riêng các khoản vay của EVN đã có một tỷ lệ tương đối lớn là đồng ngoại tệ, chưa kể đến khoản tiền EVN dùng để nhập khẩu, cho nên khi tỷ giá biến động sẽ ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh cuối cùng của doanh nghiệp.

6 tháng đầu năm 2021, EVN ghi nhận khoản lãi tỷ giá đột biến  
6 tháng đầu năm 2021, EVN ghi nhận khoản lãi tỷ giá đột biến  

Nửa đầu năm nay, EVN ghi nhận khoản lãi tỷ giá lớn nhờ VND tăng giá so với USD. Liên tiếp hai năm trước 2019 và 2020, lợi nhuận của EVN cũng rất khả quan nhờ tỷ giá ổn định. Riêng với năm 2019, khoản lỗ tỷ giá của EVN giảm mạnh dẫn đến chi phí tài chính của doanh nghiệp giảm gần 6.600 tỷ đồng.

Nhắc lại chuyện cũ trong nhiều năm EVN vẫn thường kêu lỗ tỷ giá, muốn đề nghị tính khoản lỗ này vào giá thành điện, tăng giá điện để bù lỗ tỷ giá, Ths Bùi Ngọc Sơn tự hỏi: khi EVN lãi tỷ giá, doanh nghiệp có giảm giá điện? 

Đối với câu chuyện tỷ giá và giá điện, vị chuyên gia cho rằng cần phải công khai, minh bạch nguồn chi phí đầu vào sản xuất liên quan đến tỷ giá. Khi đó, chuyên gia kinh tế và người dân dễ dàng tính được ngay về nguyên tắc EVN thể được tăng giá điện bao nhiêu phần trăm. Còn nếu cố tình dựa cớ tăng tỷ giá để tăng giá sản phẩm nhằm bù cho những khoản lỗ khác của mình, không phải lỗ vì tỷ giá thì không được.

"Không thể có chuyện khi doanh nghiệp lỗ thì kêu xã hội phải chấp nhận trả cao để bù cho doanh nghiệp, còn lúc lãi thì báo cáo để có thành tích và không hề hạ giá điện, như vậy ai cũng kinh doanh được", ông Sơn nói.

Bàn thêm về tỷ giá, vị chuyên gia cho biết, về nguyên tắc, doanh nghiệp phải có quỹ dự phòng rủi ro, trong đó có rủi ro về tài chính như lỗ do tỷ giá. Ngoài ra, có một công cụ phòng ngừa rủi ro khác mà doanh nghiệp Việt Nam hiện nay vẫn thờ ơ, đó là bảo hiểm tỷ giá. So với việc tự lập dự phòng rủi ro tài chính, theo ông Sơn, bảo hiểm tỷ giá ổn định và có lợi hơn nhiều.

Cụ thể, nếu doanh nghiệp cứ tự mình lập dự phòng rủi ro thì khoản tiền dự phòng ấy lại thành lớn. Vì không có bảo hiểm tỷ giá nên doanh nghiệp cứ phải dự phòng, từ đó dẫn đến một sự "kỳ quặc" là: không ít doanh nghiệp năm trước có thể lỗ chỏng gọng nhưng năm sau quay ngoắt lãi to đùng, rồi năm tiếp theo lại từ lãi chuyển thành lỗ... số liệu doanh nghiệp không đáng tin cậy cũng là vì vậy.

"Làm ăn phải có bảo hiểm, đó là sự văn minh của cuộc sống hiện đại. Bởi không có bảo hiểm tỷ giá nên rất nhiều doanh nghiệp làm ăn bấp bênh. Cũng giống như sức khỏe, không ai dám chắc mình không bị bệnh tật, tai nạn, doanh nghiệp bỏ ra một khoản thu nhập để mua bảo hiểm để khi xảy ra rủi ro, biến động bất ngờ, cơ quan bảo hiểm sẽ thanh toán cho doanh nghiệp.

Như vậy, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp rất ổn định và doanh nghiệp sẽ loại trừ được những lo lắng về biến động, rủi ro. Ngược lại, nếu không có bảo hiểm để phòng ngừa, doanh nghiệp rất khó làm ăn, hoặc rất tùy tiện, nhất là đối với những doanh nghiệp nắm độc quyền. Lỗ thì đòi tăng giá sản phẩm, lãi thì báo cáo để có thành tích", ông Sơn chỉ rõ.

Từ nhiều năm nay, chuyên gia kinh tế Bùi Ngọc Sơn đã đề nghị cần có quy định pháp luật về bảo hiểm tỷ giá, trong đó doanh nghiệp bắt buộc phải mua bảo hiểm tỷ giá.

Vấn đề nằm ở chỗ, đa số doanh nghiệp Việt Nam chưa hình thành được ý thức về bảo hiểm. Đặc biệt, các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường lo ngại mua bảo hiểm sẽ làm tăng chi phí của doanh nghiệp. Để giải quyết nỗi lo ngại này, theo ông Sơn, Nhà nước có thể thông qua ngân hàng hỗ trợ một phần chi phí mua bảo hiểm của doanh nghiệp vừa và nhỏ.

"Đó là bảo hiểm ở dạng tiết kiệm, như khi cá nhân mua bảo hiểm nhân thọ - có nhiều mức độ và thời gian tham gia khác nhau, được trả lãi tức, dù có thể không bằng chỗ khác, nhưng nó không mất đi.

Đã đến lúc doanh nghiệp cần nghĩ đó là một chi phí nhất định phải có để làm ăn. Còn nếu cứ cho rằng bảo hiểm gây tốn kém, rằng chắc gì năm sau doanh nghiệp còn xuất khẩu nữa nữa mà mua... thì không ổn", ông Sơn nói.

Vị chuyên gia nhận xét, văn hóa bảo hiểm ở Việt Nam chưa cao, thậm chí vẫn coi là mới, các cách truyền bá về bảo hiểm cũng không chuẩn, từ đó hình thành nên cái nhìn thiếu thiện cảm về bảo hiểm trong một bộ phận người dân và doanh nghiệp.

Trong khi đó, ở các nước khác trên thế giới, văn hóa bảo hiểm đã hình thành hàng trăm năm nay, khi doanh nghiệp làm ăn luôn được tư vấn tài chính tư vấn hoạt động nào có rủi ro, rủi ro ở mức độ nào thì cần có bảo hiểm...

"Các kiến thức về bảo hiểm cần được dạy ngay từ trong trường phổ thông. Cũng giống như ở các nước phát triển, học sinh phổ thông đã được dạy về thuế để hiểu rõ: thuế là gì, tại sao phải đóng thuế, khi đóng thuế thì người dân được hưởng quyền lợi gì từ chính phủ... Việc trang bị những kiến thức cơ bản trong nhà trường như vậy sẽ giúp tránh được lối truyền bá kiểu truyền miệng dẫn đến hình thành hiểu biết sai lệch, theo lối mòn", chuyên gia kinh tế Bùi Ngọc Sơn nhấn mạnh.

Thành Luân

Theo Đất Việt