Trong lúc EVN cắt giảm điện từ năng lượng tái tạo, ông lớn xây dựng lại 'đổ bộ làm' điện gió

Trong bối cảnh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cắt giảm phát nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) trong năm 2021, Trung Nam Group đã nhanh chóng thực hiện 2 thương vụ bán điện cho đối tác. Ngược lại, nhiều ông lớn xây dựng lại dồn lực chuyển sang làm điện gió.

EVN sẽ cắt giảm điện từ năng lượng tái tạo 

Theo báo cáo về tình hình sản xuất kinh doanh quý 1/2021 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong 3 tháng đầu năm 2021, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 59,65 tỷ kWh, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Đáng chú ý, sản lượng huy động từ nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) đạt 7,79 tỷ kWh, tăng 180,6% so với cùng kỳ năm 2020 (riêng điện mặt trời lên tới 7,13 tỷ kWh).

Trong lúc EVN cắt giảm điện từ năng lượng tái tạo, ông lớn xây dựng lại 'đổ bộ làm' điện gió - Ảnh 1

Tính đến thời điểm hiện nay, hệ thống điện quốc gia đã có hơn 69.300MW công suất nguồn điện các loại, trong đó có 20.512MWp điện NLTT, bao gồm: 10.317MWp điện mặt trời trang trại, 9.583MWp điện mặt trời áp mái và 612MW điện gió. Đã có thời điểm tỷ trọng NLTT đóng góp tới 60% phụ tải đỉnh của hệ thống điện quốc gia.

Trước bối cảnh nguồn cung NLTT lớn, trong khi nhu cầu tiêu dùng điện thấp, trong 4 tháng đầu năm, Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia đã buộc phải cắt giảm gần 470 triệu kWh điện NLTT (trong đó, đã cắt giảm 447,5 triệu kWh điện mặt trời trang trại, chiếm 13,3% khả năng phát của các nhà máy ĐMT và cắt giảm 19,7 triệu kWh điện gió, chiếm khoảng 4,8% khả năng phát của các NMĐ gió).

Dự kiến trong năm 2021 sẽ cắt giảm khoảng 1,68 tỷ kWh điện NLTT (trong đó, sẽ cắt giảm 1,25 tỷ kWh điện mặt trời trang trại, chiếm khoảng 9% khả năng phát của các nhà máy ĐMT và cắt giảm khoảng 430 triệu kWh điện gió, chiếm khoảng 7% khả năng phát của các NMĐ gió).

'Ông lớn' Trung Nam Group dồn dập bán điện giữa lúc nguồn năng lượng tái tạo cắt giảm

Trung Nam Group được biết đến trong lĩnh vực bất động sản với ba siêu dự án lớn đó là dự án khu công viên văn hóa đô thị Đà Lạt có vốn đầu tư 150 triệu USD tại Đà Lạt, Dự án Golden Hills có tổng vốn đầu tư 1,67 tỷ USD và Dự án tháp đôi cao nhất Miền Trung 180 triệu USD tại Đà Nẵng. Tuy nhiên, dường như Trung Nam không có duyên với lĩnh vực BĐS khi những dự án được giới thiệu hoành tráng một thời thường rơi vào cảnh “lận đận”.

Đáng chú ý, Trung Nam Group đang là chủ đầu tư dự án "Giải quyết ngập do triều cường khu vực TP.HCM giai đoạn 1" có tổng đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng được thực hiện theo hình thức BT. Tuy nhiên, dự án này cũng "long đong lận đận" không kém những dự án BĐS khác.

Có lẽ không có “duyên” với BĐS, xây dựng, hạ tầng nên những năm gần đây Trung Nam Group đang đầu tư mạnh vào lĩnh vực năng lượng với các dự án xây dựng nhà máy thủy điện, điện gió và điện mặt trời.

Cụ thể, Trung Nam Group được biết đến với nhà máy thủy điện Đồng Nai 2 (70MW) với tổng vốn đầu tư 3.665 tỷ đồng, nhà máy thủy điện Krông Nô 2 (30MW), nhà máy thủy điện Krông Nô 3 (18MW), nhà máy điện gió Trung Nam (151,95MW) tại Ninh Thuận có tổng vốn đầu tư 3.780 tỷ đồng, nhà máy điện mặt trời Trung Nam – Trà Vinh (165MWp).

Đặc biệt, năm 2018, Trung Nam Group đầu tư “siêu dự án” Nhà máy điện mặt trời Trung Nam (204MW) tại Ninh Thuận với diện tích 264ha, tổng mức đầu tư 5.000 tỷ đồng.

Tháng 3/2019, Trung Nam Group được lựa chọn là nhà đầu tư dự án trạm biến áp và đường dây 500kV kết hợp nhà máy điện mặt trời Trung Nam. Tháng 4/2019, thành lập tổ hợp trang trại năng lượng tái tạo điện mặt trời và điện gió Trung Nam giai đoạn 1 tại Ninh Thuận với tổng vốn đầu tư 6.000 tỷ đồng, quy mô lắp đặt 705.000 pin mặt trời.

Thế nhưng, thời gian gần đây, Trung Nam Group lại gây bất ngờ khi liên tiếp thực hiện những thương vụ bán điện, nhất là trong bối cảnh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) dự kiến cắt giảm phát nguồn năng lượng tái tạo trong năm 2021.

Cụ thể, tháng 4/2021, CTCP Kỹ thuật công nghiệp Á Châu (ACIT) đã mua thành công 49% cổ phần của Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam Thuận Bắc 204 MW từ CTCP Đầu tư xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group).

Ngay sau khi chuyển nhượng thành công, phía Trung Nam Group đã chuyển giao chức vụ Giám đốc CTCP Điện mặt trời Trung Nam cho ông Nguyễn Đăng Khoa, Phó Tổng Giám đốc ACIT.

Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam Thuận Bắc 204 MWac.     
Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam Thuận Bắc 204 MWac.     
Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam Thuận Bắc được khởi công vào tháng 7/2018, vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng, nằm ở xã Lợi Hải và xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận do CTCP Điện mặt trời Trung Nam thuộc Trung Nam Group làm chủ đầu tư.

Sau gần 12 tháng thi công, nhà máy đi vào hoạt động, được đấu nối trực tiếp với hệ thống lưới điện quốc gia thông qua Trạm biến áp 220 kV Tháp Chàm, công suất 204 MWac, sản lượng điện tối đa khoảng 450 triệu kWh/năm với hơn 700.000 tấm pin cùng hệ thống giá đỡ xoay 120 độ, tự động xoay chiều và điều chỉnh hướng đón bức xạ mặt trời.

Theo thoả thuận ban đầu, EVN sẽ mua điện tại điểm giao nhận của Trung Nam Group với giá là 2.086 đồng/kWh.

Mới đây nhất, CTCP Điện gió Trung Nam, thành viên Trung Nam Group đã thực hiện ký kết hợp tác chiến lược với Công ty Hitachi Sustainable Energy (Hitachi SE), thuộc Tập đoàn Hitachi Capital.

Theo đó, Hitachi SE sẽ sở hữu 35,1% cổ phần Nhà máy điện gió Trung Nam và trở thành đối tác chiến lược quan trọng trong quá trình phát triển của cả hai bên.

Chi tiết các giai đoạn thực hiện dự án nhà máy điện gió Trung Nam. (Nguồn: Trung Nam Group).  
Chi tiết các giai đoạn thực hiện dự án nhà máy điện gió Trung Nam. (Nguồn: Trung Nam Group).  
Hiện Điện gió Trung Nam đang đầu tư thực hiện dự án Nhà máy Điện gió Trung Nam, tổng số vốn đầu tư tương đương 4.000 tỷ đồng, công suất 151,95 MW, thời gian khai thác 2.785 giờ/năm, sản lượng dự kiến 432 triệu kWh/năm.

Nhà máy Điện gió Trung Nam được đấu nối trực tiếp với hệ thống lưới điện quốc gia thông qua Trạm Biến áp 220 kV Tháp Chàm. Dự án được chia làm ba giai đoạn.

... vẫn có loạt ông lớn xây dựng muốn làm điện gió

Trong bối cảnh EVN cắt giảm điện phát nguồn năng lượng tái tạo trong năm 2021, Trung Nam Group đã nhanh chóng thực hiện 2 thương vụ bán điện cho đối tác, ngược lại nhiều ông lớn xây dựng lại 'đổ xô' làm điện gió.

Trong lúc EVN cắt giảm điện từ năng lượng tái tạo, ông lớn xây dựng lại 'đổ bộ làm' điện gió - Ảnh 2

Cụ thể, tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2021, ông Bolat Duisenov, Chủ tịch HĐQT Coteccons (HoSE: CTD) khẳng định trong 5 năm tiếp theo, công ty sẽ chuyển đổi mô hình hoạt động, mở rộng ra nhiều mảng kinh doanh khác như hạ tầng, năng lượng, tổng thầu (EPC), thiết kế thi công....

Theo đó, mảng năng lượng điện gió, Coteccons đang cố gắng dấn thân, có 55.000 MW đang được đề xuất xây dựng, mỗi MW giá 20 tỷ đồng, thực tế mới 377 MW được đưa vào khai thác, còn nhiều việc cần làm.

Phó Tổng giám đốc Coteccons Phan Hữu Duy Quốc chia sẻ: “Chúng tôi đang liên kết với một doanh nghiệp tư vấn lớn trong ngành điện để tham gia đấu thầu như một tổng thầu EPC của các dự án điện gió. Cũng không loại trừ việc liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài, khi chúng tôi đang đàm phán và trao đổi thông tin với một vài đối tác. Tùy theo tình hình, trong tương lai có thể chúng tôi sẽ cân nhắc đến chuyện đầu tư”.

Tại Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (HOSE: PDR) cũng đang nghiên cứu lĩnh vực năng lượng sạch.

Ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt.    
Ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt.    
Ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT Phát Đạt cho biết, chỉ tập trung vào điện mặt trời và điện gió. Hiện, Nhà nước có chủ trương là bán điện trực tiếp. Phát Đạt đang quan tâm và làm các bước cơ bản đầu tiên.

"Thực tế, hiện nay có nhiều thông tin cho rằng mảng năng lượng tái tạo đã hết công suất, đã đóng pin… tuy nhiên Phát Đạt có kế hoạch cẩn thận để gia tăng lợi nhuận dựa trên năng lực cốt lõi là phát triển dự án. Hiện, Công ty đang nghiên cứu, chuẩn bị và sẽ sẵn sàng triển khai hoạt động trên lĩnh vực này khi đáp ứng đầy đủ tất cả tiêu chí về kinh tế, xã hội, môi trường", Ông Nguyễn Văn Đạt chia sẻ.

Tương tự, Licogi 16 (HoSE: LCG) cũng đang triển khai một số dự án điện gió sau thành công của mảng điện mặt trời. Công ty đang phát triển 4 dự án điện gió gồm Thăng Hưng tại Gia Lai công suất 100 MWp, 2 dự án tại Quảng Trị công suất 96 MWp và một dự án khác tại Gia Lai công suất 100 MWp.

Hiện tại, cả 4 dự án đều đang chờ thông tin mới từ Chính phủ nhưng Licogi 16 vẫn làm việc với đối tác Nhật Bản và Đức để có phương án hợp tác, triển khai các bước chuẩn bị trước. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng lên danh sách các dự án điện mặt trời nổi và điện gió ngoài khơi để đề xuất đầu tư.

Trong lúc EVN cắt giảm điện từ năng lượng tái tạo, ông lớn xây dựng lại 'đổ bộ làm' điện gió - Ảnh 3

Ngoài ra, Công ty Cổ phần Xây dựng 47 cũng khẳng định sẽ mở rộng vào lĩnh vực mới như thi công điện gió trong thời gian tới. Bởi doanh nghiệp này vốn có lợi thế từ xây dựng các công trình thủy điện và thủy lợi lớn.

Công ty Cổ phần SCI E&C (HNX: SCI) cũng tham gia góp vốn 20% vào CTCP Điện gió Hướng Linh 8; dự án nhà máy điện gió Gelex 1, 2, 3;...

Đến cuối năm 2020, SCI E&C đã ghi nhận hơn 1.200 tỷ đồng người mua trả tiền trước ngắn hạn để thực hiện các dự án năng lượng đáng kể như của Điện gió Hướng Phùng, Năng lượng Gelex Quảng Trị, Điện gió Hướng Linh 7, Điện gió Hướng Linh 8…

 

Hà Phương

Theo Sở hữu trí tuệ