Đầu vào tăng, chi phí EVN đội 16.600 tỷ:Hệ quả ăn đong?

Theo ông Trần Đình Sính, chi phí mua điện của EVN đội lên vì giá nhiên liệu đầu vào tăng là điều doanh nghiệp đã phải lường được từ  trước.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, tính từ đầu năm 2021 đến nay, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao hơn so với năm 2020, đặc biệt là giá than, đã khiến chi phí mua điện của EVN tăng thêm 16.600 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, tình hình diễn biến thủy văn của các hồ thủy điện ở phía Bắc đến nay không thuận lợi, hiện đã là cuối tháng 8 – tức là thời điểm cuối mùa lũ chính vụ nhưng vẫn chưa có dấu hiệu lũ về các hồ thủy điện. 

Bởi vậy,  EVN cho hay, tình hình tài chính của tập đoàn cả năm 2021 được nhận định sẽ có rất nhiều khó khăn.

Trước thông tin mà EVN đưa ra, trao đổi với Đất Việt, ông Trần Đình Sính, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) cho biết, chi phí sản xuất và mua điện tăng cao là điều mà phải lường trước khi nhiệt điện than vẫn là nguồn cung cấp điện chính.

Cho tới nay, EVN đang quản lý, vận hành 14 nhà máy nhiệt điện than. Dự thảo Quy hoạch Điện VIII đã giảm tỷ trọng nhiệt điện than trong cơ cấu công suất, tuy nhiên nguồn năng lượng này vẫn còn phát triển tới tận năm 2045. Điều đáng nói ở chỗ, nguồn than trong nước ngày càng cạn kiệt, trong khi nhu cầu sử dụng than của ngành điện là lớn nhất (tổng nhu cầu năm 2019 khoảng 52 triệu tấn/năm, còn khả năng cung cấp than trong nước chỉ khoảng 35 triệu tấn/năm), cho nên việc nhập khẩu than là tất yếu. Mà giá than nhập khẩu phụ thuộc hoàn toàn vào 2 yếu tố - giá than trên thị trường và chi phí logistics, khi những chi phí này tăng cao thì các nhà máy điện than của EVN phải mua than giá cao, rủi ro theo đó cũng nhiều hơn.

Nhận định của ông Sính về sự phụ thuộc vào nguồn than nhập khẩu của ngành điện có thể nhìn  thấy qua một vài con số trong “Đề án phát triển thị trường than Việt Nam gắn với sản xuất kinh doanh than theo cơ chế thị trường và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia”. Theo tính toán, mức sản lượng than trong nước có thể cấp cho sản xuất điện sẽ được duy trì là 39,5 triệu tấn/năm trong giai đoạn 2036-2045.

Giá nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là giá than, tăng cao khiến chi phí sản xuất và mua điện của EVN bị đội lên.  
Giá nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là giá than, tăng cao khiến chi phí sản xuất và mua điện của EVN bị đội lên.  
 

Sản lượng than khai thác trên chỉ có thể cấp cho khoảng 14GW nhà máy nhiệt điện than hiện có. Trong khi đến năm 2019, tổng công suất nhiệt điện than đã lên tới
hơn 20GW. Do vậy, hầu hết các nhà máy nhiệt điện than vào vận hành trong giai đoạn tới sẽ phải sử dụng than nhập khẩu từ nước ngoài. Các nhà máy đã được thiết kế sử dụng than nội ở miền Bắc chuẩn bị vào vận hành như: Thái Bình II, Hải Dương, Nam Định I đều phải xem xét sử dụng than trộn.

Cũng theo đề án nêu trên, nhu cầu than trong nước trong giai đoạn tới sẽ tăng cao chủ yếu do nhu cầu than cho sản xuất điện. Nhu cầu than dự báo đạt hơn 100 triệu tấn/năm vào 2025 và 140 triệu tấn/năm vào 2030. Trong đó nhu cầu than cho ngành điện là hơn 76 triệu tấn/năm năm 2025 và 110 triệu tấn/năm năm 2030; nhu cầu than cho các hộ ngoài điện là 24 triệu tấn/năm giai đoạn 2025-2030. Trong khi khả năng khai thác trong nước chỉ đạt 45 triệu tấn/năm vào 2025. Do vậy, ngoài việc đảm bảo tăng trưởng ổn định và giá thành hợp lý đối với sản xuất than trong nước, thị trường than trong giai đoạn tới sẽ phát triển nhập khẩu than và đầu tư khai thác than ở nước ngoài để đáp ứng nhu cầu trong nước.

"Rõ ràng đã ăn đong thì phải chịu", ông Trần Đình Sính nhận xét, đồng thời lưu ý đến việc Bộ Công thương vừa được giao tiếp tục đánh giá kỹ các chi phí đầu vào, kế hoạch cung cấp điện, chi phí dự kiến và các khoản chi phí chưa được tính vào giá điện để xây dựng phương án giá điện năm 2021 theo Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.

Từ đây, ông đặt câu hỏi về mục đích kêu chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao của EVN và cho rằng dư luận có quyền nghi ngờ việc doanh nghiệp này đang muốn rộng đường để tăng giá điện.

"Khi thị trường điện cạnh tranh, các nhà đầu tư phải chịu lời ăn lỗ chịu, họ lường được trước các rủi ro và xử lý rất tốt. Đằng này EVN ôm nhiều nhà máy điện than, lúc tăng chi phí thì kêu, còn lúc lợi thì không thấy nói gì", ông nhận xét.

Một điểm khác được Phó Giám đốc của GreenID nhấn mạnh, đó là giá điện than không còn rẻ nữa. Theo công bố, giá điện than khoảng 7-7,5 cent/kWh, tuy nhiên nếu tính đúng, tính đủ, kể cả chi phí tác động đến sức khỏe và thuế carbon thì giá điện than sẽ cao hơn nhiều. Qua nghiên cứu, ông Trần Đình Sinh cho biết, Quy hoạch Điện VII và Quy hoạch Điện VII điều chỉnh đều không tính các yếu tố trên vào nên giá điện than rẻ một cách không hợp lý.

"Nếu tính vào thì năng lượng tái tạo có cơ hội cạnh tranh. Hiện nay, giá năng lượng tái tạo đã rẻ hơn nhiều. Chẳng hạn, đối với điện mặt trời, giá các tấm pin mặt trời giảm rất nhanh trong những năm gần đây, suất vốn đầu tư đã giảm mạnh tùy theo khu vực. Thậm chí, tại Dubai, có nhà máy đã ký hợp đồng với giá bán điện khoảng 3 cent/kWh", ông Sính cho biết.

Phó Giám đốc GreenID cho biết, những năm gần đây, năng lượng tái tạo được quan tâm nhưng điều đáng tiếc là Việt Nam hầu như chưa có sự chuẩn bị, dẫn đến chính sách đưa ra chỉ mang tính ngắn hạn. Bằng chứng là khi cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam ra đời, đưa ra mức giá mua bán điện khuyến khích đối với điện mặt trời (FIT), các nhà đầu tư đổ xô vào làm điện mặt trời. Tình trạng tương tự cũng lặp lại với điện gió. Hệ quả là đường truyền bị quá tải, Bộ Công thương phải cắt giảm công suất các nhà máy năng lượng tái tạo.

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong tháng 7/2021 và 20 ngày đầu tháng 8/2021, giá nhiên liệu đầu vào mà EVN thực hiện đang cao hơn rất nhiều so với thông số giá bình quân đã thực hiện 6 tháng đầu năm 2021, đặc biệt là giá than.

Cụ thể, giá than nhập khẩu bình quân tháng 7 tăng 17,5% so với số liệu bình quân tháng 6/2021, tăng 51,8% so với số liệu bình quân thực hiện 6 tháng đầu năm 2021 và tăng 250% so với số liệu bình quân thực hiện năm 2020 (tăng từ 98,8 USD/tấn bình quân 6 tháng đầu năm lên đến 150 USD/tấn bình quân tháng 7/2021 và 159,7 USD/tấn trong 10 ngày đầu tháng 8/2021).

Giá dầu HFSO bình quân tháng 7 tăng 23% so với số liệu bình quân thực hiện 6 tháng đầu năm 2021 và tăng 68,3% so với số liệu thực hiện bình quân năm 2020.

Theo số liệu vận hành hệ thống điện quốc gia, sản lượng phát của nhiệt điện than và dầu chiếm tỷ lệ 51% trên tổng số của tất cả các loại hình nguồn phát. Các thông số giá than nhập khẩu và giá dầu thế giới đã và đang tác động rất lớn đến chi phí mua điện của EVN đối với các nhà máy nhiệt điện than sử dụng than nhập khẩu và các nhà máy nhiệt điện khí có giá khí theo giá thị trường. Nếu so với cùng kỳ năm 2020 thì chi phí mua điện của EVN năm 2021 tăng tới 16.600 tỷ đồng.

Đến thời điểm hiện nay, diễn biến giá nhiên liệu thế giới cho thấy xu hướng tăng trong các tháng đầu năm, tăng cao trong tháng 7-8/2021 và khó dự báo diễn biến giá nhiên liệu trong các tháng cuối năm 2021.

Thành Luân

Theo Đất Việt