Thấy gì khi Nga thực hiện chính sách lãi suất nửa vời?
Nga thực hiện chính sách tài chính đảm bảo cho đồng Ruble ngày một độc lập với đồng USD và cơ chế tài chính Mỹ, yêu cầu phải thay đổi mục tiêu...
Ngân hàng Trung ương Nga tiếp tục tăng lãi suất cơ bản
Ngày 10/9, Ngân hàng Trung ương Nga đã một lần nữa tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản, lên 6,75%. Thậm chí, cơ quan quản lý tài chính này còn lưu ý sẽ giữ triển vọng tăng lãi suất cơ bản hơn nữa trong các cuộc họp sắp tới, theo TASS.
"Ngày 10/9/2021, Hội đồng quản trị Ngân hàng Trung ương Nga đã quyết định tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản, lên 6,75%/năm. Sự tác động từ các yếu tố căn bản đối với lạm phát vẫn đáng kể do nhu cầu tăng nhanh hơn so với việc mở rộng sản xuất.
Với lạm phát cao, rủi ro từ lạm phát sẽ tăng lên. Điều này sẽ khiến khả năng tình hình lạm phát chệch mục tiêu tiếp tục kéo dài. Lập trường chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Nga là nhằm hạn chế rủi ro này và đưa lạm phát trở lại 4%".
Theo thông cáo báo chí của Ngân hàng Trung ương Nga: "Trong tháng 8, chỉ số giá tiêu dùng được điều chỉnh theo mùa đã tăng trở lại, sau khi có sự chững lại vào tháng 7. Lạm phát tháng 8 tăng lên 6,68%, so với 6,46% trong tháng 7.
Theo ước tính đến ngày 6/9 là chỉ số giá tiêu dùng tăng ở mức 6,74%. Dựa trên ước tính của Ngân hàng Trung ương Nga, tất các các chỉ số cơ bản phản ánh biến động giá bền vững nhất luôn tồn tại ở mức trên 4% /năm.
Theo kịch bản cơ bản của Ngân hàng Trung ương Nga, lạm phát ở Nga có thể tăng chậm lại vào quý 4 năm 2021. Dự báo lạm phát ở Nga sẽ giảm xuống 4-4,5% vào năm 2022 và tiếp tục tiệm cận ngày một gần hơn mục tiêu 4% ".
Chuyên gia phân tích tài chính Mikhail Vasiliev tại VTB Capital cho biết: “Quyết định của Ngân hàng Trung ương Nga thật bất ngờ với cả sự đồng thuận Bloomberg và thị trường. Thực ra, chúng tôi chờ đợi sự gia tăng chỉ số này lên thêm 50 điểm cơ bản”.
Giám đốc Văn phòng Nghiên cứu Thị trường và Chiến lược của Rosbank, Evgeny Koshelev, thì bình luận: "Tăng thêm 25 điểm cơ bản đã giúp lãi suất cơ bản đạt mức tối ưu để kiềm chế quá trình lạm phát. Vì vậy, rủi ro còn lại là không đáng kể".
Theo các chuyên gia tài chính, Ngân hàng Trung ương Nga hoàn toàn có thể tăng lãi suất cơ bản lên 7% vào cuối năm 2021, thậm chí không loại trừ khả năng mức tăng có thể lên tới 7,25-7,5%.
Xi nhắc lại, ngày 23/7, Ngân hàng Trung ương Nga đã công bố đợt tăng lãi suất lớn nhất trong 7 năm với biên độ 100 điểm cơ bản, từ 5,5% lên 6,5%, được xem là sự quyết đoán của Thống đốc Elvira Nabiullina trong nỗ lực kéo giảm lạm phát.
Đồng nội tệ Nga đã mạnh sau việc tăng lãi suất lần này, vốn được thị trường kỳ vọng sau những nhận định hồi đầu tháng 7 của các quan chức ngân hàng chủ chốt về khả năng tăng sức mua của đồng ruble trong nỗ lực chặn đà lạm phát đang gia tăng.
Tuy nhiên, sau khi tăng lãi suất thêm 100 điểm cơ bản thì lạm phát cũng tăng theo, dù chỉ là 24 điểm cơ bản, từ 6,5% lên mức 6,74%. Vì vậy, Ngân hàng Trung ương Nga tiếp tục tăng lãi suất cơ bản một lần nữa.
Thấy gì từ việc Nga thực hiện chính sách lãi suất nửa vời?
Có một điều đáng chú ý là, nếu trong đợt tăng hồi tháng 7/2021 là 100 điểm cơ bản thì kỳ này, tháng 9/2021, Ngân hàng Trung ương Nga chỉ tăng 25 điểm cơ bản, khác xa so với tính toán của giới chuyên gia, vốn dự báo mức tăng sẽ là 50 điểm cơ bản.
Xét về bản chất công cụ lãi suất và mối liên hệ giữa lãi suất với lạm phát, có thể thấy dường như lần tăng lãi suất "mang tính nửa vời" này của Ngân hàng Trung ương Nga không hẳn chỉ là nhằm kiểm chế và điều chỉnh lạm phát.
Đơn giản là lãi suất cơ bản sau đợt tăng tháng 9/2021 đang ở mức so kè với tỷ lệ lạm phát, trong khi động lực tốt nhất từ chính sách lãi suất cho một nền kinh tế là mức lãi suất luôn ở mức trên tỷ lệ lạm phát.
Vậy Ngân hàng Trung ương Nga thực chính sách lãi suất nửa vời này hướng tới điều gì, hay nói chính xác hơn là có thể nhận diện điều gì từ việc Ngân hàng Trung ương Nga tăng lãi suất thấp hơn kỳ vọng lần này?
Theo giới phân tích, có thể nhận diện 2 "điều ẩn giấu" từ việc Ngân hàng Trung ương Nga thực hiện chính sách lãi suất nửa vời này. (1) Đảm bảo dư địa cho hoạch định chính sách, và (2) Thực hiện phép thử và sai cho chức năng mới của công cụ lãi suất.
Thứ nhất, đảm bảo dư địa cho hoạch định chính sách
Có thể thấy, tăng với biên độ 100 điểm trong đợt tăng lãi suất cơ bản hồi tháng 7 vừa qua, Ngân hàng Trung ương Nga đã dùng lãi suất để tạo bước đột phá, khi chọn một động thái mạnh mẽ làm rung chuyển thị trường.
Quyết định làm rung chuyển thị trường tài chính của Ngân hàng Trung ương Nga đã tạo điều kiện tốt cho chính phủ Nga thực hiện các chính sách điều hành vĩ mô khác, trong đó có cả việc kích thích đầu tư trong nước.
Với nguồn nội lực mạnh mẽ, chính phủ Nga và Ngân hàng Trung ương Nga dễ dàng tiến hành song song 2 biện pháp tạo hiệu ứng ngược chiều : Kích thích đầu tư cùng lúc với tăng lãi suất cơ bản.
Điều đó thể hiện rõ qua việc chính phủ Nga công bố và cho triển khai những dự án chiến lược đầu tư vào hạ tầng giao thông - lĩnh vực luôn thu hút nguồn vốn đầu tư khổng lồ trong một nước Nga có diện tích rộng lớn trải dài từ Á sang Âu.
Đặc biệt là tất cả các dự án trong chiến lược khổng lồ này đều có thời gian thực hiện dưới 10 năm. Nghĩa là việc tập trung nguồn lực để hoàn thành mục tiêu luôn phải đối mặt với áp lực cực lớn là: ngắn về thời gian - lớn về quy mô.
Nếu Ngân hàng Trung ương Nga tăng lãi suất đột biến để tạo ra sự rung chuyển trên thị trường tài chính một lần nữa, chắc chắn sẽ tạo ra vòng xoáy hướng tâm vào lợi ích từ lãi suất tiền gửi ngắn hạn.
Mục tiêu đầu tư phải hoàn thành trong ngắn hạn trong khi nguồn lực lại bị xoáy vào lợi ích tiền gửi trong ngắn hạn khiến mục tiêu kinh tế xã hội bị ảnh hưởng tiêu cực bởi lợi ích tài chính. Điều này sẽ thu hẹp dư địa cho hoạch định chính sách.
Để giải quyết nguồn vốn đầu tư, lúc đó, chính phủ Nga sẽ buộc phải thực hiện những chính sách chưa thực sự cần thiết, trong đó cho chương trình tư nhân hóa hàng loạt. Thực tế đó sẽ làm tăng chi phí các dự án vì phải cõng thất thoát của tư nhân hóa.
Thứ hai, phép thử và sai cho chức năng mới của công cụ lãi suất
Theo kinh tế học, chức năng của công cụ lãi suất được hình thành từ chức năng của tiền tệ. Tiền tệ có thể thực hiện đầy đủ chức năng thì chức năng của công cụ lãi suất mới thể hiện được và có tác động tích cực tới nền kinh tế.
Một điểm lưu ý nữa là hiện nay cơ chế vận hành hệ thống tài chính Nga cũng như hệ thống tài chính của hầu hết các quốc gia trên thế giới vẫn chưa thoát khỏi ảnh hưởng của đồng USD và cơ chế tài chính Mỹ xoay quanh đồng bạc xanh.
Trong khi đó, đồng đô la Mỹ ngày càng xa rời nền tảng giá trị - hàng hóa, đồng thời cũng rời xa nền tảng giá trị quy đổi - bản vị vàng. Bởi từ sau "Cú sốc Nixon", giá trị của đồng USD chủ yếu được xác lập bởi niềm tin trên thị trường tài chính.
Việc xác lập giá trị bởi niềm tin thị trường đã khiến cho đồng USD ngày càng xa rời chức năng tiền tệ. Thậm chí trong nhiều trường hợp đồng bạc xanh đã trở thành công cụ chính trị, hay bị khai thác cho các mục đích chính trị.
Từ những thay đổi của đồng USD trong việc thực hiện chức năng tiền tệ, chính sách tài chính xoay quanh đồng tiền này sẽ phải thay đổi chức năng, trong đó có lãi suất. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có nước nào làm thay đổi chức năng chính sách này.
Khi chính phủ Nga thực hiện chính sách tài chính đảm bảo cho đồng Ruble ngày một độc lập với đồng USD và cơ chế tài chính Mỹ, yêu cầu phải thay đổi mục tiêu trong việc thực hiện các chính sách tài chính của mình trở nên cần thiết và tất yếu.
Trong bối cảnh dư địa chính sách rộng mở, cơ hội cho phép thử và sai nhằm thay đổi chức năng cho chính sách lãi suất là rất khả dĩ. Có lẽ vì vậy mà Ngân hàng Trung ương Nga đã thực hiện tăng lãi suất dưới kỳ vọng lần này.
Để nền tài chính Nga độc lập với đồng USD và cơ chế tài chính Mỹ thì đảm bảo tính độc lập trong cả hoạch định chính sách lẫn trong cơ chế vận hành các công cụ hiện thực hóa chính sách, là tiên quyết. Theo giới phân tích, có thể nhận diện điều đó qua chính sách lãi suất nửa vời.