Đầu tư trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ: Lãi suất càng cao, rủi ro càng lớn

Thời gian qua, Bộ Tài chính đã 4 lần cảnh báo các nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp vì những rủi ro rất lớn khi mua trái phiếu có lãi suất cao bất thường. Doanh nghiệp Việt Nam đã phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong về những rủi ro khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Đầu tư trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ: Lãi suất càng cao, rủi ro càng lớn - Ảnh 1

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, từ năm 2017 trở lại đây thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát triển nhanh để đáp ứng yêu cầu huy động vốn phát triển sản xuất kinh doanh của mọi loại hình doanh nghiệp.

Trong các năm 2019, 2020 Quốc hội ban hành Luật Chứng khoán năm 2019 và Luật Doanh nghiệp năm 2020 tạo dựng khung pháp lý đồng bộ để phát triển thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Đồng thời, Chính phủ ban hành 3 Nghị định gồm: Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định về chào bán và giao dịch TPDN riêng lẻ, chào bán TPDN ra thị trường quốc tế; Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán (bao gồm nội dung về phát hành ra công chúng) và Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Theo đó, khung pháp lý mới về phát hành TPDN tiếp tục tăng cường tính công khai, minh bạch và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu và hướng tới mục tiêu phát triển thị trường TPDN ngày càng công khai, minh bạch, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư… Đặc biệt, quy định về nhà đầu tư mua TPDN phát hành riêng lẻ có nhiều vấn đề đáng chú ý. Doanh nghiệp Việt Nam đã phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong về những rủi ro khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Ngày 1/9/2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã ký công văn số 10059/BTC-VP yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Trong vòng hơn 1 năm qua Bộ Tài chính đã 4 lần ra cảnh báo với các nhà đầu tư trái phiếu riêng lẻ về những rủi ro khi đầu tư vào trái phiếu có lãi suất quá cao... Xin ông cho biết, điều gì đã khiến Bộ Tài chính liên tiếp cảnh báo như vậy? Nhà đầu tư trái phiếu riêng lẻ có nguy cơ gặp phải những rủi ro nào?

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong: Theo Điều 4, Nghị định số 163/2018/NĐ-CP, “trái phiếu doanh nghiệp” là loại chứng khoán có kỳ hạn từ 1 năm trở lên do doanh nghiệp phát hành, xác nhận nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi, và các nghĩa vụ khác (nếu có) của doanh nghiệp đối với nhà đầu tư sở hữu trái phiếu. Còn “trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ” là trái phiếu doanh nghiệp được phát hành cho dưới 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và không sử dụng phương tiện thông tin đại chúng hoặc Internet.

Trong thời gian qua, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã trở thành một kênh huy động vốn lớn và quan trọng trên thị trường. Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực đối với các doanh nghiệp (DN), việc phát hành TPDN riêng lẻ cũng bộc lộ nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và có nguy cơ gây mất an ninh, an toàn bất ổn cho thị trường trái phiếu nói riêng, thị trường tài chính nền tài chính quốc gia nói chung.

Thực tế cho thấy, việc phát hành TPDN chủ yếu thông qua hình thức phát hành riêng lẻ, tỉ lệ phát hành ra công chúng rất nhỏ. Nếu doanh nghiệp phát hành khối lượng lớn trái phiếu, lãi suất cao, nhưng sử dụng vốn không hiệu quả hoặc tình hình sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, dẫn đến không hoàn trả được gốc và lãi trái phiếu cho nhà đầu tư.

Nhà đầu tư cá nhân được xem là đối tượng yếu thế trên thị trường TPDN và đối mặt với không ít rủi ro gắn với thiếu thông tin, đặc biệt là khi họ bị hoa mắt bởi chiêu thức doanh nghiệp phát hành TPDN đưa ra mức lãi suất cao, trung bình ở mức gấp 1,5 lần, thậm chí gấp 2 lần lãi suất huy động của ngân hàng. Nhà đầu tư khi đó dễ bỏ qua hoặc không có đủ, chính xác các thông tin cần thiết, như tình hình tài chính thực tế của DN phát hành TPDN, về các tài sản thế chấp, phương thức thanh toán, điều khoản về nghĩa vụ của DN và phương thức, cơ chế, quy trình xử lý tranh chấp và bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư… Khi DN phá sản, hoặc không trả đủ lãi theo cam kết, nhà đầu tư sẽ có thể mất trắng toàn bộ tiền đầu tư.

Thưa ông, hiện nay rất nhiều doanh nghiệp chưa có tên tuổi, không có các dự án đầu tư cụ thể, liên tục gọi điện chào mời các nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu với lãi suất cao từ 15-20%/năm. Việc phát hành trái phiếu riêng lẻ thẳng cho các nhà đầu tư cá nhân thì có đúng quy định pháp luật hay không?

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong: Những hoạt động phát hành TPDN trước 1/1/2021 thì chịu sự quản lý theo Nghị định số 163/2018/NĐ-CP ngày 4/12/2018 của Chính phủ quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp và Nghị định số 81/2020/NĐ-CP ngày 9/7/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2018/NĐ-CP ngày 4/12/2018 quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Còn các hoạt động phát hành TPDN kể từ 1/1/2021 đến nay chịu sự quản lý của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP. Theo Điều 44, điều khoản chuyển tiếp của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP, đối với trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành trước khi Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ có hiệu lực thi hành thì tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 163/2018/NĐ-CP ngày 4/12/2018 của Chính phủ về phát hành trái phiếu doanh nghiệp và Nghị định số 81/2020/NĐ-CP ngày 9/7/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2018/NĐ-CP ngày 4/12/2018 quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp cho đến khi trái phiếu đáo hạn, ngoại trừ chế độ báo cáo, công bố thông tin định kỳ thì theo quy định mới của Nghị định 153/2020/NĐ-CP.

Và theo khoản Điều 15, phương thức phát hành trái phiếu Nghị định số 163/2018/NĐ-CP, TPDN được phát hành theo các phương thức sau: Đấu thầu phát hành trái phiếu; Bảo lãnh phát hành trái phiếu; Đại lý phát hành trái phiếu; Bán trực tiếp cho nhà đầu tư.

Như vậy, trước ngày 1/1/2021, việc doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ thẳng cho các nhà đầu tư cá nhân là đúng quy định pháp luật, nhưng bị hạn chế giao dịch trong phạm vi dưới 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, trong vòng 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt phát hành.

Tuy nhiên, việc này chỉ đúng trước ngày 1/1/2021.

Hai bên doanh nghiệp và nhà đầu tư riêng lẻ ký trực tiếp hợp đồng mua trái phiếu, mà không thông qua công ty chứng khoán, hay đại lý phát hành, thì có hợp pháp hay không?

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong: Luật Chứng khoán năm 2019 (Điều 31), Luật Doanh nghiệp năm 2020 (Điều 128) và Luật Chứng khoán năm 2019 (Điều 31), Luật Doanh nghiệp năm 2020 (Điều 128) và Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định về chào bán và giao dịch TPDN riêng lẻ, chào bán TPDN ra thị trường quốc tế, đã quy định rõ đối tượng mua trái phiếu: Đối với trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền: đối tượng mua trái phiếu là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo quy định của pháp luật chứng khoán. Đối với trái phiếu chuyển đổi và trái phiếu kèm chứng quyền: đối tượng mua trái phiếu là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, nhà đầu tư chiến lược, trong đó số lượng nhà đầu tư chiến lược phải đảm bảo dưới 100 nhà đầu tư.

Như vậy, từ 1/1/2021, việc doanh nghiệp và nhà đầu tư riêng lẻ ký trực tiếp hợp đồng mua trái phiếu, mà không thông qua công ty chứng khoán hay đại lý phát hành là không còn hợp pháp.

Cần lưu ý và nhấn mạnh rằng, từ đầu năm 2021, pháp luật đã có sự phân định rõ về nhà đầu tư giữa TPDN phát hành riêng lẻ và TPDN phát hành ra công chúng. Theo đó, TPDN phát hành ra công chúng được chào bán rộng rãi cho mọi loại hình nhà đầu tư và được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cấp phép chào bán. TPDN phát hành riêng lẻ chỉ được bán cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Việc phân định rõ nhà đầu tư mua và giao dịch TPDN riêng lẻ với nhà đầu tư mua và giao dịch TPDN chào bán ra công chúng nhằm bảo vệ các nhà đầu tư cá nhân nhỏ, lẻ. Nhà đầu tư cá nhân nhỏ, lẻ không được phép mua TPDN riêng lẻ, chỉ được phép mua TPDN chào bán ra công chúng, vì trái phiếu riêng lẻ rủi ro hơn so với trái phiếu chào bán ra công chúng.

Theo quan điểm của ông, các nhà đầu tư cá nhân (không phải nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp) có nên mua trực tiếp trái phiếu của doanh nghiệp hay không? Và nếu quyết định xuống tiền đầu tư thì cần lưu ý những yếu tố pháp lý nào để tránh rủi ro?

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong: Như đã nêu trên, pháp luật quy định từ 1/1/2021 chỉ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp hoặc nhà đầu tư chiến lược là đối tượng được mua và giao dịch TPDN riêng lẻ. Do đó, nhà đầu tư không thuộc hai nhóm đối tượng trên thì không nên trực tiếp mua TPDN vì không hợp pháp và do đó sẽ mất đi sự bảo hộ pháp lý cần thiết trong bảo vệ tài sản của mình.

Tuy nhiên, trên thị trường xuất hiện tình trạng nhà đầu tư “lách” các quy định của pháp luật để gắn mác nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, hoặc nhà đầu tư chiến lược với mục đích mua TPDN riêng lẻ …

Theo Điều 8, Nghị định 153/2020/NĐ-CP, nhà đầu tư mua trái phiếu có trách nhiệm: Hiểu rõ và tuân thủ quy định về đối tượng nhà đầu tư, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Tiếp cận đầy đủ nội dung công bố thông tin của doanh nghiệp phát hành; hiểu rõ điều kiện, điều khoản trái phiếu và các cam kết khác của doanh nghiệp phát hành trước khi quyết định mua và giao dịch trái phiếu. Tự đánh giá, tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình và tự chịu các rủi ro phát sinh trong việc đầu tư và giao dịch trái phiếu. Nhà nước không đảm bảo việc doanh nghiệp phát hành trái phiếu thanh toán đầy đủ, đúng hạn lãi, gốc trái phiếu khi đến hạn và các quyền khác cho nhà đầu tư mua trái phiếu.

Đồng thời, nhà đầu tư mua trái phiếu được doanh nghiệp phát hành công bố thông tin đầy đủ theo quy định tại Nghị định này; được quyền tiếp cận hồ sơ chào bán trái phiếu khi có yêu cầu; được doanh nghiệp phát hành thanh toán đầy đủ, đúng hạn lãi, gốc trái phiếu khi đến hạn, thực hiện các quyền kèm theo (nếu có) theo điều kiện, điều khoản của trái phiếu và các thỏa thuận với doanh nghiệp phát hành; được dùng trái phiếu để chuyển nhượng, cho, tặng, thừa kế, chiết khấu; được sử dụng trái phiếu làm tài sản bảo đảm trong các quan hệ dân sự và quan hệ thương mại theo quy định của pháp luật.

Các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ thường không có kinh nghiệm, khả năng phân tích, đánh giá các rủi ro khi mua TPDN phát hành riêng lẻ. Do đó, mọi hành vi “lách” các quy định của pháp luật để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với mục đích để mua TPDN riêng lẻ nhưng không đánh giá, phân tích được rủi ro, không nắm rõ điều kiện, điều khoản của trái phiếu, trái phiếu có hay không có tài sản đảm bảo, chất lượng tài sản đảm bảo, trái phiếu có được mua lại hay không... sẽ trực tiếp gây ra rủi ro cho nhà đầu tư, và nhà đầu tư có thể không thu hồi được số tiền mua trái phiếu. Nhà đầu tư sẽ vi phạm quy định của pháp luật và bị xử phạt khi cơ quan quản lý phát hiện được các hành vi “lách” quy định để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Nhà đầu tư mua trái phiếu cần phân biệt rõ phương thức phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng và phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ; chỉ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được mua và giao dịch TPDN phát hành riêng lẻ. Nhà đầu tư cần hết sức lưu ý là lãi suất cao sẽ đi kèm với rủi ro cao, do đó phải hết sức thận trọng đánh giá kỹ về các rủi ro trước khi quyết định mua trái phiếu. Nhà đầu tư cần yêu cầu doanh nghiệp phát hành trái phiếu/tổ chức môi giới cung cấp đầy đủ các thông tin bao gồm: Trái phiếu do doanh nghiệp nào phát hành, mục đích phát hành; có tài sản đảm bảo hay không có tài sản đảm bảo; cam kết của doanh nghiệp phát hành đối với trái phiếu; kỳ hạn phát hành và phương thức trả nợ gốc, lãi; tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành; quy trình, hồ sơ về xác định nhà đâu tư chứng khoán chuyên nghiệp đối với các nhà đầu tư cá nhân.

Đặc biệt, cần lưu ý khi mua TPDN của doanh nghiệp là công ty thành viên, công ty con, công ty có liên quan của các Tập đoàn/Tổng công ty lớn, nhà đầu tư phải tìm hiểu đầy đủ thông tin về các bên có liên quan và mô hình tổ chức của doanh nghiệp phát hành trong Tập đoàn/Tổng công ty; cần nắm rõ về tình hình tài chính, tình hình sản xuất kinh doanh, nghĩa vụ nợ của chính doanh nghiệp phát hành trái phiếu; không mua trái phiếu chỉ vì danh tiếng, uy tín của Tập đoàn/Tổng công ty.

Nhà đầu tư lưu ý không mua trái phiếu thông qua chào mời của các tổ chức cung cấp dịch vụ (công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại) khi chưa tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành và các điều kiện, điều khoản của trái phiếu. Nhà đầu tư trái phiếu cũng cần lưu ý việc các tổ chức cung cấp dịch vụ phân phối TPDN không có nghĩa là các tổ chức này đảm bảo an toàn cho việc đầu tư vào TPDN. Các tổ chức này chỉ là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành mà không chịu trách nhiệm về việc doanh nghiệp có hoàn trả được gốc, lãi trái phiếu khi đến hạn hay không. Rủi ro của trái phiếu vẫn là rủi ro của doanh nghiệp phát hành.

Ngay cả Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước khi tiếp nhận báo cáo tài chính có kiểm toán của doanh nghiệp công bố thông tin khi chào bán TPDN cũng không có nghĩa là cơ quan này bảo đảm những thông tin đó là chính xác, đúng sự thực.

Doanh nghiệp phát hành trái phiếu có bắt buộc phải công bố tài sản đảm bảo, báo cáo tài chính và các kết quả kinh doanh của năm trước hay không?

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong: Đầu tư vào TPDN là đầu tư dựa trên niềm tin, và niềm tin này dựa trên các thông tin do doanh nghiệp công bố. Bởi vậy, pháp luật quy định doanh nghiệp phát hành trái phiếu bắt buộc phải công bố báo cáo tài chính và các kết quả kinh doanh của năm trước. Cụ thể, theo Nghị định 163/2018/NĐ-CP, khoản c, Điều 10, điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp là doanh nghiệp phát hành phải có báo cáo tài chính năm trước liền kề của năm phát hành được kiểm toán bởi tổ chức đủ điều kiện theo quy định. Nghị định 153/2020/NĐ-CP cũng có quy định tương tự như vậy.

Tuy nhiên, luật pháp hiện hành chưa bắt buộc doanh nghiệp phát hành phải có và công bố tài sản đảm bảo cho TPDN do mình phát hành. Nói cách khác, TPDN có thể có tài sản đảm bảo hoặc không có tài sản đảm bảo. Nhưng doanh nghiệp có trách nhiệm ghi rõ các thông tin TPDN có hay không có tài sản đảm bảo trong các bản công bố thông tin liên quan đến TPDN được chào bán và cung cấp cho nhà đầu tư, để tùy nhà đầu tư quyết định có mua hay không mua TPDN không có tài sản đảm bảo…

Bởi vậy, khi đã quyết định đầu tư TPDN, nhà đầu tư cần là nhà đầu tư thông thái, hiểu biết cả về luật pháp và thị trường, cũng như thông tin của doanh nghiệp phát thành TPDN, thận trọng và tránh tâm lý đám động. Đặc biệt, cần chú ý đòi doanh nghiệp công bố các thông tin cần thiết cả trước và sau khi phát hành TPDN, thông tin định kỳ liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, phương án và giấy phép phát hành TPDN, báo cáo tài chính có kiểm toán; nắm rõ điều kiện, điều khoản quyền lợi và nghĩa vụ các bên tham gia phát hành, giao dịch trái phiếu; trái phiếu có hay không có tài sản đảm bảo, chất lượng tài sản đảm bảo, trái phiếu có được mua lại hay không...Từ đó, giám sát, tuân thủ các trách nhiệm và nghĩa vụ để bảo đảm quyền lợi của mình.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

 

Theo Bộ Tài chính, thời gian qua, khối lượng trái phiếu không có tài sản đảm bảo chiếm 51% tổng khối lượng phát hành (với 90% trái phiếu không có tài sản bảo đảm là trái phiếu do tổ chức tín dụng và công ty chứng khoán phát hành).

Theo báo cáo của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (BVMA), trong tháng 5/2021, có 46 đợt phát hành TPDN riêng lẻ trong nước với tổng giá trị phát hành đạt 28.140 tỷ đồng; trong đó, có 76% trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm (chủ yếu của các ngân hàng, công ty chứng khoán). Nhóm trái phiếu được đánh giá có rủi ro cao thuộc về lĩnh vực bất động sản (BĐS), xây dựng, với tổng giá trị phát hành trong tháng 5/2021 đạt 4.950 tỷ đồng, trong đó 26% trái phiếu phát hành không có tài sản đảm bảo hoặc bảo đảm bằng cổ phần, cổ phiếu. Lãi suất phát hành trái phiếu BĐS chủ yếu dao động trong khoảng 9,5 - 11%/năm…

Đỗ Quyên (thực hiện)

Theo Doanh nghiệp Việt Nam