Đã đến lúc nhà đầu tư “sẵn tiền” mua vào với phân khúc đất nền?
Trong quý III/2023, tại một số tỉnh thành đã bắt đầu xuất hiện giao dịch đối với phân khúc đất nền. Đáng chú ý, các giao dịch chủ yếu đến từ việc các nhà đầu tư cắt lỗ mạnh từ 30 – 50%. Liệu đây có phải thời điểm thích hợp để nhà đầu tư sẵn tiền mua vào?
Nhiều nhà đầu tư chấp nhận cắt lỗ
Báo cáo thị trường bất động sản quý III/2023 của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, tại khu vực Hà Nội, đất nền có sổ, nhà ở kinh doanh dưới 2 tỷ đồng có lượng giao dịch tăng rõ rệt, nhất là ở những vùng được đầu tư hạ tầng hay khu vực liền kề các khu công nghiệp với giá bán tăng 5% - 7% so với quý trước.
Các quận huyện cũng bắt đầu rục rịch tổ chức đấu giá đất. Theo đó, cùng với quyết định lên quận, đất đấu giá tại Đông Anh ghi nhận mức trúng lên tới 100 triệu đồng/m2, gần gấp đôi giá khởi điểm, dẫn dắt tăng giá cả khu vực.
Tại Khánh Hoà, cụ thể là khu vực trung tâm thành phố Nha Trang, đất nền các khu đô thị ghi nhận giao dịch mua bán ở các lô đất giá trị dưới 2,5 tỷ đồng/lô, giảm 20-30% so với đỉnh sốt bởi nhà đầu tư cắt lỗ do gặp áp lực tài chính
Trong khi đó, giá đất nền tại các tỉnh, thành từng xảy ra sốt ảo như Hòa Bình, Thái Nguyên có xu hướng đi ngang sau khi trải qua những đợt điều chỉnh giảm tương xứng với giá trị mang lại trong các quý trước.
Tại Hải Phòng, giao dịch đất nền vùng ven, nhà ở kinh doanh dưới 3 tỷ đồng sôi động, đặc biệt tại các quận trung tâm hay sát lõi trung tâm. Giá tăng khoảng 5% so với quý 1. Trong khi đó, đất nền đấu giá tại các huyện sát lõi trung tâm ghi nhận mức đấu trúng cao hơn 3-5 triệu đồng/m2, tỷ lệ hấp thụ 40-60%.
Tại Quảng Ninh, đất nền, đất thổ cư đã bắt đầu ghi nhận giao dịch. Tuy nhiên, mặt bằng gia đi ngang so với quý 2, giảm khoảng 30% so với đỉnh sốt. Đáng chú ý, một số dự án xa hẳn trung tâm, từng xảy ra sốt đất, mức giá giảm mạnh khoảng 50% tiếp tục được quan tâm với lượng giao dịch được cải thiện rõ rệt. Đối với khu vực Trung du miền núi phía Bắc, thống kê của VARS cho biết, trong quý 3.2023, khu vực này ghi nhận 5 dự án đất nền mở bán, cung cấp ra thị trường 230, giảm 25% so với quý 2.2023. Tỷ lệ tiêu thụ trên nguồn cung mới đạt 10%, tương đương với 23 nền được giao dịch thành công.
Các dự án mở bán chỉ có tại Bắc Giang, Hòa Bình, Phú Thọ. Trong đó, Phú Thọ đứng đầu về nguồn cung đất nền mở bán toàn khu vực với 100 sản phẩm, tiếp theo sau là Hòa Bình với 90 sản phẩm. Mặt bằng giá sơ cấp toàn khu vực duy trì ở mức ổn định so với quý 2.2023, trung bình 25,6 triệu đồng/m2.
Còn tại khu vực Trung Trung Bộ, những sản phẩm đất nền phân lô nhỏ lẻ, thổ cư, đất đấu giá có giá bán từ 500-600 triệu/nền cũng ghi nhận mức thanh khoản tương đối ổn định. Mặt bằng giá phân khúc đất nền sơ cấp toàn khu vực duy trì ở mức ổn định so với quý 2.2023. Các giao dịch tập trung ở nhóm dự án đã hoàn thiện pháp lý và có mức giá dao động khoảng 14 triệu đồng/m2 (đối với Quảng Nam) và khoảng 42 triệu đồng/m2 (đối với Đà Nẵng).
Tại Đắk Lắk, đất thổ cư, đất nền trong dân ghi nhận giao dịch với giá bán giảm. Mức giá trung bình từ 400-600 triệu/nền. Còn tại Lâm Đồng, VARS cho biết, lượng giao dịch đã quay trở lại nhưng vẫn giảm hơn 70% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là giao dịch cắt lỗ, khoảng 30% so với đỉnh sốt.
Cơ hội dành cho nhà đầu tư “sẵn tiền”?
Cũng theo đánh giá của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), thanh khoản trên thị trường bất động sản đang dần được cải thiện, đặc biệt so với giai đoạn khó khăn cuối năm trước và những tháng đầu năm nay. Thị trường bắt đầu ghi nhận nhiều điểm sáng hơn. Đó là những địa phương có kinh tế phát triển, được quan tâm, chú trọng thúc đẩy đầu tư hạ tầng, giao thông, có nhiều nguồn cung phù hợp với nhu cầu như Hà Nội, Hải Phòng, Lào Cai, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh…
Lượng giao dịch trên toàn thị trường tăng dần theo thời gian với nhiều hơn các sản phẩm phù hợp với nhu cầu của người dân được đưa vào thị trường. Theo đó, quý II/2023 thị trường ghi nhận 3.700 giao dịch, tăng 37% so với mức 2.700 ở quý đầu năm. Đến quý III, thị trường đã ghi nhận gần 6.000 giao dịch, gấp 1,5 lần quý 2 và hơn 2 lần so với quý I/2023. Tuy nhiên, tính chung 9 tháng năm 2023, lượng giao dịch mới chỉ bằng khoảng 50% so với cùng kỳ năm trước và bằng khoảng 20% so với giai đoạn sốt đất.
Theo các chuyên gia VARS, kết quả trên là nhờ có sự có sự nỗ lực, liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp. Nhờ những động thái quyết liệt của Chính phủ cùng các cơ quan, bộ ngành nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phát triển thị trường BĐS an toàn, lành mạnh, bền vững. Trong đó có gần 20 văn bản dưới luật liên quan được phát đi từ phía Chính phủ một cách liên tục và dồn dập, với nội dung ngày càng sát hơn với nhu cầu thực tế của thị trường và doanh nghiệp.
Các chuyên gia nhận định, thị trường đã vượt qua những khó khăn và đây là thời điểm tốt nhất để nhà đầu tư có thể mua vào.
Hơn nữa, ở thời điểm hiện tại, giá bất động sản đã giảm tương đối sâu, đặc biệt là phân khúc đất nền, tâm lý nhà đầu tư cũng dần phục hồi tích cực,... Do đó , đây chính là thời điểm tương đối tốt để “xuống tiền” dành cho những nhà đầu tư đang sẵn tiền.
Theo TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia: “Có lẽ đây là thời điểm xuống tiền tốt”. Chuyên gia kinh tế này cho rằng, giá BĐS khó tiếp tục giảm sâu, giảm mạnh, trường hợp giảm 3 đến 5% thì cũng coi như giảm khuyến mại. Bởi lẽ nguồn cung của chúng ta rất thiếu và nhu cầu thực đối với phân khúc nhà ở vẫn còn.
“Ai đã đầu tư vào nhà ở, đất nền, kể cả biệt thự là những người có tiền. Và bây giờ họ sẵn sàng chờ giá lên tiếp hoặc quay trở lại mới bán. Ngoại trừ những người dùng đòn bẩy tài chính quá nhiều, bây giờ bức bối quá buộc phải bán, nhưng không nhiều”, TS Cấn Văn Lực nêu thực trạng.