Thêm 2 công ty BĐS Trung Quốc rơi vào khủng hoảng Evergrande

Hai công ty bất động sản của Trung Quốc đứng trước cơn khủng hoảng của bom nợ như Evergrande.

Sau cuộc khủng hoảng nợ của China Evergrande - tập đoàn bất động sản lớn thứ 2 Trung Quốc, thị trường bất động sản ở Trung Quốc tiếp tục đón những cơn bão mới.

Fantasia Holdings đứng trước nguy cơ vỡ nợ sau quả bom Evergrande.  
Fantasia Holdings đứng trước nguy cơ vỡ nợ sau quả bom Evergrande.  

Hôm 5/10, hai công ty bất động sản của Trung Quốc là Sinic Holdings và Fantasia Holdings đang gặp rắc rối về tài chính sau khi không thể trả các khoản tiền lãi.

Sinic Holdings trở thành công ty bất động sản mới nhất của Trung Quốc bị cơ quan xếp hạng toàn cầu Fitch Ratings hạ cấp.

Trước đó, Sinic Holdings thông báo họ không thể trả các khoản tiền lãi cũng như không chắc chắn về khoản hoàn trả trái phiếu trị giá 246 triệu USD vào cuối tháng này.

Ông chủ Zhang Yuanlin của nhà phát triển bất động sản đặt trụ sở tại TP Thượng Hải này hồi tháng trước bị mất hơn 1 tỉ USD do những lo ngại về tập đoàn Evergrande - đang được ví như "bom nợ" với khoản nợ hơn 300 tỉ USD.

Trong khi đó, Fantasia đã không thể trả lại một trái phiếu đáo hạn hôm 4/10. Cổ phiếu của công ty bị dừng giao dịch kể từ ngày 9/9. Tính đến thời điểm hiện tại, giá cổ phiếu giảm mạnh gần 60%.

Theo báo cáo tài chính nửa đầu năm, khoản nợ phải trả của Fantasia hiện là 82,9 tỷ NDT (12,8 tỷ USD).

Hôm 4/10, Fitch Ratings đã hạ xếp hạng tín nhiệm của Fantasia từ B (có rủi ro vỡ nợ, nhưng vẫn còn mức an toàn giới hạn) xuống CCC- (rủi ro tín dụng đáng kể và có khả năng vỡ nợ). Cơ quan này cho biết tình hình dòng tiền của Fantasia "có thể thắt chặt hơn chúng tôi dự đoán".

Fitch cho biết Fantasia phát hành một trái phiếu mà không tiết lộ trong báo cáo tài chính. Theo cơ quan xếp hạng tín dụng, công ty đã thanh toán chậm 100 triệu USD cho trái phiếu này.

Mối lo ngại về khả năng trả nợ của Sinic Holdings và Fantasia Holdings được chú ý giữa thời điểm tập đoàn Evergrande phải vật lộn để thanh toán các khoản tiền lãi trong những tuần gần đây.

Cho đến nay, Bắc Kinh không nhận xét trực tiếp về các vấn đề tài chính của Evergrande.

Ngân hàng trung ương Trung Quốc và cơ quan quản lý ngân hàng nước này cuối tháng 9 đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hệ thống quản lý tài chính bất động sản thận trọng nhằm đạt được mục tiêu ổn định giá nhà trong bối cảnh khủng hoảng nợ Evergrande.

Các cơ quan quản lý kêu gọi các tổ chức tài chính hợp tác với các cơ quan có thẩm quyền và chính quyền địa phương theo cách thức hợp pháp và định hướng thị trường để đảm bảo sự phát triển ổn định và lành mạnh của thị trường nhà ở cũng như đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng được bảo vệ đầy đủ. 

Cuộc họp cũng kêu gọi tiếp tục nỗ lực thực hiện cơ chế dài hạn trong việc ổn định lĩnh vực bất động sản và đẩy nhanh các chính sách tài chính cho thuê nhà.

Các vấn đề của tập đoàn Evergrande đã ảnh hưởng tới nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và gây tác động đến thị trường tài chính toàn cầu. Theo ước tính của các nhà phân tích, lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc chiếm tới 15% GDP.

Global Times cho biết, nhà phát triển bất động sản Hopson Development Holding Co được cho là đã mua lại khoảng 51% cổ phần của đơn vị quản lý bất động sản của tập đoàn Evergrande mắc nợ và thương vụ này có thể trị giá hơn 5,14 tỷ USD.

Kim Hoa

Theo Đất Việt