"Quả bom nợ" Evergrande chờ phát nổ gợi nhớ "thảm họa" Lehman Brothers

Sau nhiều năm nhanh chóng mở rộng và gom mua tài sản, song song với quá trình phát triển mạnh mẽ của kinh tế Trung Quốc, Evergrande giờ đây đang gánh lượng nghĩa vụ nợ khoảng 300 tỷ USD. Với số nợ này, Evergrande là công ty bất động sản nặng nợ nhất thế giới và phải xoay sở đủ cách để thanh toán cho nhà cung cấp và các chủ nợ.

Trong hai tuần gần đây, công ty này đã hai lần cảnh báo về nguy cơ vỡ nợ. Điều này đã khiến giới tài chính nhớ tới sự sụp đổ của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers vào năm 2008 đã châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng từng “hạ gục” thị trường nhà đất Mỹ và nhấn chìm nền kinh tế số 1 thế giới vào suy thoái.

Một tòa nhà của Evergrande.  
Một tòa nhà của Evergrande.  

“Gã khổng lồ” ngành địa ốc của Trung Quốc

Được thành lập cách đây gần 25 năm bởi Chủ tịch Hui Ka Yan, Evergrande là một trong những công ty hưởng lợi lớn nhất từ chính sách cải tổ mà chính phủ Trung Quốc thực hiện vào thập niên 80, mở đường cho sự phát triển của sở hữu nhà tư nhân. Bất động sản nhà ở đóng góp phần lớn doanh thu của Evergrande.

Hãng cũng đem lại lợi nhuận ấn tượng cho các cổ đông trong nhiều năm sau khi IPO tại Hong Kong năm 2009. Mã này đã tăng hơn gấp 8 lần khi đạt đỉnh cuối năm 2017, vượt xa mức tăng 30% của Hang Seng Index. Năm 2017, làn sóng di cư đến các thành thị của Trung Quốc và nhu cầu nhà ở kéo theo đã biến Hui thành người giàu nhất Trung Quốc với tài sản ước tính 42,5 tỷ USD.

Bệ đỡ cho thành công của Evergrande là khối nợ lớn hơn tất cả các hãng bất động sản khác. Tập đoàn Evergrande hoạt động trong nhiều lĩnh vực, chứ không chỉ là phát triển bất động sản. Các hoạt động kinh doanh của đơn vị này bao gồm quản lý tài sản, sản xuất ô tô điện, sản xuất thực phẩm và đồ uống. Evergrande thậm chí còn sở hữu một trong những đội bóng lớn nhất của Trung Quốc – Guangzhou FC.

Evergrande có sự hiện diện rộng trong nền kinh tế Trung Quốc. Thông tin trên website của Evergrande cho biết công ty có 200.000 nhân viên và gián tiếp tạo hơn 3,8 triệu việc làm mỗi năm. Cổ phiếu và trái phiếu Evergrande đã được đưa vào nhiều chỉ số tại các thị trường ở châu Á.

Tại sao Evergrande đứng trước nguy cơ sụp đổ?

Nguy cơ vỡ nợ của Evergrande đã được phản ánh rõ rệt trên thị trường trái phiếu, khi một trái phiếu của công ty này hiện đang được giao dịch với mức giá chỉ bằng 30% so với mệnh giá.

Các tổ chức đánh giá tín nhiệm gần đây cũng liên tục hạ điểm tín nhiệm của Evergrande trên cơ sở những vấn đề về thanh khoản của công ty này. Tình hình tài chính của Evergrande xấu đi nhanh chóng từ năm ngoái, sau khi Trung Quốc đưa ra những quy định mới liên quan đến hoạt động vay nợ của các công ty phát triển bất động sản. Những biện pháp này đặt ra một trần nợ tương ứng với dòng tiền, tài sản và mức vốn của mỗi một công ty địa ốc.

Các biện pháp mới này đã khiến Evergrande phải bán các sản phẩm của mình với mức chiết khấu lớn, để đảm bảo tiền duy trì hoạt động kinh doanh.

Giờ đây, công ty đang phải vật lộn để trả lãi cho các khoản nợ khổng lồ. Bê bối đã khiến giá cổ phiếu của Evergrande giảm khoảng 85% trong năm nay. Trái phiếu của tập đoàn này cũng đã bị hạ cấp thảm hại bởi các cơ quan xếp hạng tín dụng toàn cầu.

Tình hình càng trở nên nghiêm trọng hơn với các vấn đề phát sinh từ chính tập đoàn này.

Trên thực tế, Evergrande lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán từ năm 2020. Họ đã gửi thông báo tới chính quyền tỉnh Quảng Đông về nguy cơ xảy ra khủng hoảng khi đến hạn trả nợ hồi đầu năm nay. Từ đó tới nay, số nợ đáo hạn tăng chạm ngưỡng 300 tỉ USD.

Trung Quốc đã thông báo đến các chủ nợ của Evergrande rằng tập đoàn này không thể trả được nợ đáo hạn ngày 21-9. Họ đang phải trả mỗi ngày khoảng 180 triệu nhân dân tệ (27 triệu USD) tiền lãi, trong khi chỉ còn 23 tỉ USD tiền mặt.

Một số nguồn tin cho biết Evergrande đang thảo luận phương án tái cấu trúc nợ với các ngân hàng, lên kế hoạch bán tài sản và cổ phiếu để giảm bớt 50 tỉ USD tiền nợ vào giữa năm 2023.

Khủng hoảng hôm nay với Evergrande có nguyên nhân từ các món nợ dưới chuẩn. Nợ dưới chuẩn được hiểu là các khoản cho vay các đối tượng có mức tín nhiệm thấp. Nợ dưới chuẩn có độ rủi ro tín dụng rất cao song bù lại có mức lãi suất rất hấp dẫn.

“Bóng ma” Lehman Brothers hiện về

Điều đáng sợ nhất là sự thất bại của Evergrande có thể dẫn đến những thiệt hại lớn cho các bên cho vay và các trái chủ. Sự đổ vỡ có thể khiến các quân cờ domino tài chính rơi vào thị trường bất động sản rộng lớn của Trung Quốc – cũng giống như sự sụp đổ của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers vào năm 2008 đã châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng từng “hạ gục” thị trường nhà đất Mỹ và nhấn chìm nền kinh tế số 1 thế giới vào suy thoái.

Hiện tại, hầu hết các nhà phân tích vẫn đang đặt cược rằng, chính phủ Trung Quốc sẽ can thiệp để hỗ trợ nền kinh tế, nếu thất bại của Evergrande gây ra tình trạng hỗn loạn tài chính. Tuy nhiên, đó chỉ là những gì Bắc Kinh đã làm cách đây vài tuần, khi họ đứng ra bảo lãnh cho Huarong, một công ty quản lý tài sản lớn do nhà nước kiểm soát.

Còn Evergrande lại thuộc sở hữu tư nhân, vì vậy vẫn chưa rõ Bắc Kinh đang “chuẩn bị” cho nó tồn tại ở mức độ nào.

Trong trường hợp Evergrande sụp đổ, những đối tượng bị ảnh hưởng sẽ bao gồm: các ngân hàng, nhà cung cấp, người mua nhà, và nhà đầu tư. Tuần trước, Evergrande nói rằng những vấn đề ngày càng căng thẳng đang dẫn tới nguy cơ vỡ nợ ngày càng lớn. Cảnh báo này khiến giới đầu tư như “ngồi trên đống lửa”, và Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã phải bơm gấp 14 tỷ USD vốn ngắn hạn vào hệ thống tài chính vào hôm thứ Sáu nhằm trấn an thị trường.

Evergrande nói rằng nếu công ty này mất khả năng trả nợ, sẽ xảy ra một tình huống gọi là “vỡ nợ chéo” – trong đó việc vỡ nợ đối với một nghĩa vụ nợ sẽ loang sang các nghĩa vụ nợ khác, dẫn tới ảnh hưởng lan rộng.

Một dự án dở dang của Evergrande.  
Một dự án dở dang của Evergrande.  

Ngân hàng sẽ là một trong những đối tượng chịu ảnh hưởng đầu tiên và nặng nề nhất nếu ảnh hưởng của vụ Evergrande loang rộng trong ngành bất động sản của Trung Quốc, theo chuyên gia Williams của Capital Economics.

“Kinh tế Trung Quốc sẽ hạ cánh cứng nếu xảy ra kịch bản mà ở đó hệ thống ngân hàng chao đảo vì sự sụp đổ của một công ty bất động sản lớn. Hiện tại, thị trường tài chính chưa cảnh báo về rủi ro này, nhưng điều đó không có nghĩa là thị trường không lo sợ về một kịch bản như vậy”, ông Williams nói.

Tiếp bước ngân hàng sẽ là người mua nhà và nhà đầu tư trái phiếu. Nỗi lo về Evergrande đã đẩy lợi suất trái phiếu doanh nghiệp châu Á tăng cao. Lợi suất trái phiếu doanh nghiệp châu Á phát hành ở nước ngoài, chủ yếu là doanh nghiệp bất động sản, đã tăng vọt lên ngưỡng bình quân 13%, theo công ty nghiên cứu TS Lombard. Điều này cũng có nghĩa là nhà đầu tư nắm trái phiếu của những công ty này đang “nắm đằng lưỡi”.

Các nhà cung cấp cũng chịu chung số phận nếu ảnh hưởng lan rộng. Theo tổ chức đánh giá tín nhiệm S&P Global Ratings, Evergrande có thể đang “tìm cách thuyết phục” nhà cung cấp và nhà thầu chấp nhận được trả bằng bất động sản, nhằm dành nguồn tiền mặt để thanh toán lãi vay ngân hàng.

Trong một báo cáo ra tháng 8, S&P ước tính rằng trong 12 tháng tới, Evergrande sẽ có số hoá đơn và các khoản phải trả trị giá tổng cộng 240 tỷ Nhân dân tệ (37,16 tỷ USD) cần thanh toán cho các nhà thầu, trong đó 100 tỷ Nhân dân tệ sẽ đến hạn thanh toán trong năm nay.

Skshu Paint, một nhà cung cấp sơn cho Evergrande, cho biết: Evergrande đã dùng bất động sản chưa hoàn thiện để trả một phần nợ cho công ty.

Tổ chức đánh giá tín nhiệm Fitch nói rằng nhiều ngân hàng cũng có sự ràng buộc gián tiếp với các nhà cung cấp của Evergrande, vì các khoản phải trả của Evergrande có trị giá lên tới 667 tỷ Nhân dân tệ.

Các nhà chức trách được cho là đang hành động. Bloomberg trích dẫn các nguồn giấu tên cho biết các nhà quản lý đã mời công ty luật quốc tế King & Wood Mallesons, cùng các cố vấn khác, để kiểm tra tài chính của tập đoàn. King & Wood Mallesons từ chối bình luận.

Theo báo cáo, các quan chức ở tỉnh Quảng Đông, quê hương của Evergrande đã từ chối yêu cầu cứu trợ từ người sáng lập. Chính quyền Quảng Đông và Evergrande đã không trả lời về vấn đề này.

Nhưng một số ý kiến ​​cho rằng có thể đã quá muộn để cứu công ty. Các vấn đề tài chính của Evergrande đã được truyền thông Trung Quốc gọi là “hố đen khổng lồ”, ngụ ý rằng không có số tiền nào có thể giải quyết được vấn đề.

Ông Bekink nói: “Cuối cùng, chúng tôi kỳ vọng rằng chính phủ sẽ can thiệp vào trường hợp của Evergrande, vì nó sẽ không cho phép các khoản nợ mặc định của công ty lây lan vào hệ thống ngân hàng. Tác động từ một vụ vỡ nợ lớn của Evergrande sẽ rất đáng chú ý”.

ĐỨC ANH (T/h)

Theo Kinh doanh và phát triển