Thí điểm cơ chế ưu đãi để xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế TP. HCM

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản lấy ý kiến dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30/12/2022 của Bộ Chính trị về phát triển TP. HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thí điểm cơ chế ưu đãi để xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế TP. HCM - Ảnh 1

Về định hướng chung cho TP. HCM, dự thảo Chương trình đặt ra mục tiêu tập trung xây dựng thành phố trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực với các ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại; hình thành trung tâm hội chợ triển lãm quốc tế; có cơ chế, chính sách, hạ tầng kỹ thuật phù hợp để sớm xây dựng thành công Trung tâm Tài chính quốc tế TP. HCM.

Cùng với đó, hỗ trợ thành phố phát triển đồng bộ các thị trường; thúc đẩy kinh tế tri thức, công nghệ số trong các ngành dịch vụ như tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, thương mại điện tử, du lịch, văn hoá, thể thao, giáo dục, y tế chất lượng cao.

Theo đó, để TP. HCM thành Trung tâm tài chính quốc tế, cần hoàn thiện 3 trụ cột cốt lõi, thứ nhất là trụ cột thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng. Thứ hai, với trụ cột thị trường vốn hiện còn manh nha, sơ khai và mới hình thành dạng trái phiếu ở một số lĩnh vực nhất định nên cần hoàn thiện hệ thống pháp lý để thị trường này hoạt động đầy đủ cho tất cả ngành nghề. Thứ ba là trụ cột về thị trường hàng hóa phái sinh, nay hoàn toàn chưa có, thậm chí sàn giao dịch điện tử hàng hoá sơ cấp nhất cũng chưa hình thành.

Để vận hành được các trụ cột trên, phải xây dựng hệ thống pháp luật và thể chế hoàn chỉnh, đồng bộ, bao quát được các lĩnh vực mà dòng chảy tài chính sẽ hướng đến. Trong đó, đặc biệt chú trọng chính sách thu hút nhà đầu tư tiên phong, có tính chất khai phá, dẫn dắt hình thành thị trường, tạo tiền đề hình thành chuỗi nhà đầu tư thứ cấp tham gia.

Trong đó, Chính phủ đề xuất ban hành chính sách thúc đẩy hình thành và phát triển Trung tâm Tài chính quốc tế TP. HCM; cho thí điểm cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đối với công nghệ trong lĩnh vực tài chính và chính sách ưu đãi thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào trung tâm tài chính quốc tế.

Một trong những hành động khác được Chính phủ đưa ra là tiến hành sơ kết việc thực hiện mô hình chính quyền đô thị, tiếp tục hoàn thiện tổ chức, bộ máy chính quyền thành phố tinh gọn, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả.

Với TP. Thủ Đức, dự thảo đưa ra định hướng cho phép Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định việc giao một số nhiệm vụ theo quy định pháp luật, thuộc chức năng của các sở, ngành chuyên môn cho UBND TP. Thủ Đức, Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức trong phạm vi địa bàn TP. Thủ Đức; quyết định tổ chức bộ máy trực thuộc TP. Thủ Đức, vị trí việc làm, cơ cấu số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách tại các phường, xã, thị trấn dựa trên hoạt động kinh tế, quy mô dân số và đặc điểm địa bàn.

Dự thảo yêu cầu TP.HCM thực hiện Đề án "Phát triển TP. Thủ Đức trở thành cực tăng trưởng mới, là đô thị sáng tạo, tương tác cao, hạt nhân thúc đẩy kinh tế - xã hội của TP. HCM".

Trần Lê

VietnamFinance