‘Thị trường bất động sản cứ liu riu là tốt, đừng có mong bùng nổ’

Ông Nguyễn Trung Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Cen Group chia sẻ, về dài hạn, thị trường bất động sản cứ liu riu là tốt đừng có mong sôi động, bùng nổ như năm ngoái.

Chủ tịch Cen Group: ‘Thị trường bất động sản cứ liu riu là tốt đừng có mong sôi động’
Chủ tịch Cen Group: ‘Thị trường bất động sản cứ liu riu là tốt đừng có mong sôi động’

Tại diễn đàn “Triển vọng thị trường chứng khoán: Tâm điểm ngành thép và bất động sản” chiều 10/3, ông Nguyễn Trung Vũ bày tỏ, trong kinh doanh bất động sản của ông chưa bao giờ bi quan cả.

Ông Vũ cho hay, phần lớn mọi người thường nói đến các phân khúc của dự án bất động sản như trung cấp, bình dân, nhà ở xã hội… nhưng lại không nhìn thấy được bất động sản giao dịch bên ngoài hiện nay nhiều hơn cả số lượng dự án và đang rất sôi động.

Theo ông Vũ, bản chất bất động sản sôi động hay không liên quan đến vấn đề dòng tiền. Những bất động sản không có người mua là bởi nếu mua một sản phẩm 100 tỷ đồng thì không thể cho thuê được với giá 7-8 tỷ đồng/năm, vì dòng tiền phải ngang ngửa với ngân hàng.

Trở lại với các bất động sản giao dịch bên ngoài, Chủ tịch Cen Group cho biết phân khúc này thú vị ở chỗ khi chủ nhà có một khu đất 50m2 hoặc 100m2, lẽ ra người ta sẽ xây mỗi tầng 2 phòng ngủ thay vào đó họ xây mỗi tầng 4-5 phòng ngủ, sau đó cho các hộ gia đình thuê. Đặc biệt, chủ căn nhà đã có sổ đỏ, có thể cho thuê được luôn và lúc nào cũng “cháy hàng” vì không bị ảnh hưởng bởi vấn đề pháp lý.

Vị chủ tịch cho biết thêm phân khúc này đa phần của các chủ đầu tư nhỏ lẻ, không có một mã nào trên sàn chứng khoán. Trong khi đó ở nước ngoài rất nhiều mã chứng khoán của các doanh nghiệp xây, sửa, bán, mua, cho thuê bất động sản…

Một phân khúc nữa cũng không kém phần sôi động, theo ông Vũ là căn hộ. “Chúng tôi vừa mở bán một tòa nhà ở Long Biên, Hà Nội với giá 30-32 triệu đồng/m2, khoảng gần 3 tỷ đồng cho 1 căn nhưng chỉ trong vòng 20 ngày bán được 50 căn”, Chủ tịch Cen Group chia sẻ và bày tỏ về dài hạn, thị trường cứ liu diu là tốt đừng có mong sôi động như năm ngoái.

Cùng thời điểm này năm ngoái, ông Vũ nói với nhân viên rằng “thị trường bất động sản sôi động đến mức khủng khiếp như thế này nếu sau 30/4 chững lại thì môi giới thất nghiệp hết. Đúng như dự đoán, các môi giới mất việc gần như 95%”.

Theo ông Vũ, bất động sản sôi động cũng một phần do chủ đầu tư được quyền huy động vốn của khách hàng từ 70%- 95%. Ở các nước khác không cho phép huy động 1 đồng nào của khách hàng. Tất nhiên luật pháp ở Việt Nam khác và Chính phủ mong muốn như vậy để hỗ trợ cho những doanh nghiệp còn yếu và nhỏ.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu thị trường ở nước ngoài, ông Vũ cho biết doanh nghiệp dù nhỏ hay to cũng không bao giờ được phép huy động. Nếu doanh nghiệp huy động được 10% thì phải để vào một ngân hàng trung gian, người gửi tiền đó vẫn được hưởng lãi bình thường, tức là doanh nghiệp xác định dự án nếu có 1.000 căn phải bán được 500 căn, tương đương 100 triệu USD thì ngân hàng mới cho vay.

Chính vì vậy, thị trường của họ rất lành mạnh và bền vững. Ngân hàng và khách hàng đều rất an toàn, thành ra không có chuyện công ty bất động sản nào tự nhiên mới mở một năm rồi bỗng nhiên năm sau lớn như một ông “khủng long”, nghĩa là phải rất vất vả bền bỉ trong vòng nhiều năm rồi lớn dần.

Doanh nghiệp ở nước ngoài cũng không chữa cháy như Việt Nam bằng cách làm xong móng, hoàn thiện từng phần tiến độ mà cho bán thoải mái, quan trọng là có bán được cho khách hàng hay không. Ngược lại, ở Việt Nam cho huy động vốn, thậm chí chỉ cần đóng 5% ngân hàng vẫn giải ngân cho khách nên mới bị rối tung lên.

“Từ đó để thấy rằng để thúc đẩy thị trường bất động sản trong bối cảnh hiện nay không chỉ là tháo gỡ về trái phiếu, hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp mà vấn đề ở đây là pháp lý dự án được duyệt mới là mấu chốt, bởi nhiều dự án rất lâu năm không ai dám ký”, Chủ tịch Cen Group cho hay.

Lệ Chi

VietnamFinance