Thị trường bất động sản khó khăn, cơ hội cho nhà đầu tư ngoại

Thị trường bất động sản khó khăn, doanh nghiệp trong nước thiếu nguồn vốn, kẹt thanh khoản, … điều này tạo nhiều cơ hội tốt cho nhà đầu tư nước ngoài. Chuyên gia dự báo, nhà đầu tư nước ngoài sẽ góp mặt nhiều hơn trong các thương vụ mua bán – sáp nhập lĩnh vực bất động sản.

Giá trị các thương vụ M&A 2022

Trong bối cảnh chung của kinh tế toàn cầu, thị trường M&A của Việt Nam năm nay cũng có sự trầm lắng hơn so với sự sôi động của 2 năm trước. Theo dữ liệu từ KPMG, 10 tháng đầu năm nay, tổng giá trị M&A đạt 5,7 tỷ USD, giảm gần 34% so với cùng kỳ năm trước.

Dẫn đầu các giao dịch đến từ Singapore, Mỹ và Hàn Quốc. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục dẫn dắt các giao dịch với giá trị hơn 1,3 tỷ USD. Các lĩnh vực chính thu hút đầu tư là: tiêu dùng, bất động sản, công nghiệp và năng lượng.

Nhiều chuyên gia dự báo, thị trường sẽ sớm sôi động trở lại. Và đây được cho là thời điểm để cho các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính thực hiện mua các dự án hấp dẫn, với định giá tài sản hợp lý hơn!

Cơ hội mới thì nhiều, tuy nhiên cũng kèm theo đó là những thách thức. Thị trường M&A có sự chậm lại trong 2 năm qua do nhà đầu tư thận trọng hơn và mất nhiều thời gian hơn để thực hiện trước những biến động kinh tế toàn cầu.

Cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam

Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Công ty Cushman & Wakefield Việt Nam cho hay, khi nói đến những cơ hội trong hoạt động M&A mảng bất động sản hiện nay, thị trường bất động sản Việt Nam ở thời điểm hiện tại vẫn còn non trẻ, có nhiều điểm cần điều chỉnh. Tuy nhiên, các quỹ đầu tư nước ngoài vẫn quan tâm đến thị trường.

Bà cho biết, trong danh sách các thị trường khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thị trường Việt Nam có những yếu tố nền tảng hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Khi được hỏi có muốn đầu tư vào thị trường bất động sản Việt Nam hay không, thì câu trả lời của các nhà đầu tư ngoại là “yes” (có).

Thị trường tại Việt Nam đang có nhiều cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài
Thị trường tại Việt Nam đang có nhiều cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài

Đồng quan điểm, ông Neil MacGregor, Tổng giám đốc Điều hành Savills Việt Nam cho hay, kinh tế Việt Nam so với nhiều quốc gia trên thế giới vẫn đang có các tín hiệu tích cực, giúp thu hút sự quan tâm của dòng vốn ngoại. Đầu tư trực tiếp nước ngoài là nguồn vốn đáng tin cậy đối với các doanh nghiệp bất động sản trong nước.

Chỉ trong 6 tháng qua, Savills Việt Nam đã đón tiếp nhiều lãnh đạo doanh nghiệp, chuyên gia cấp cao tại các thị trường lớn trên thế giới và hơn 50 đại diện của dịch vụ tư vấn khách thuê bất động sản thương mại xuyên biên giới ở Mỹ, Anh, Trung Đông, Ấn Độ, Hàn Quốc, Đông Nam Á…, tất cả đều bày tỏ sự quan tâm đến thị trường Việt Nam ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất, bán lẻ, logistics, văn phòng và nhà ở.

“Việc Việt Nam liên tục được chọn là điểm đến của các tập đoàn đa quốc gia cho thấy sức hút mạnh mẽ của thị trường Việt Nam đối với các nhà đầu tư, bất chấp bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động”, ông Neil MacGregor nói.

Dự báo về hoạt động M&A trong thời gian tới, ông Peter Chi Lok Woo, Chủ tịch MAA Capital, một đơn vị tư vấn tài chính và M&A nhận định, năm 2023, có rất nhiều cơ hội M&A hấp dẫn ở Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản, cho cả bên bán và bên mua. Theo đó, hoạt động M&A lĩnh vực bất động sản sẽ duy trì đà tăng trưởng cao.

Dưới góc độ là nhà đầu tư đã tham gia thị trường bất động sản Việt Nam từ giai đoạn khó khăn 2008 - 2012, bà Khanh Nguyễn, Giám đốc Khối Phát triển kinh doanh, Công ty Gamuda Land cho hay, Tập đoàn Gamuda Land vào Việt Nam từ năm 2010, vì coi đây là thị trường nhiều tiềm năng.

“Thời điểm đó, những khu vực chúng tôi chọn không quá cạnh tranh, nhưng chúng tôi đã chứng minh và thành công với hướng đi đó. Giá trị chúng tôi mang lại phát triển nhiều mảng xanh và môi trường bền vững tại các dự án. Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, chúng tôi vẫn cam kết đầu tư mạnh mẽ vào thị trường Việt Nam.

Những giai đoạn khó khăn nhất của thị trường bất động sản Việt Nam trước đây, chúng tôi vẫn quyết định đầu tư và đã vượt qua. Hiện tại, chúng tôi coi là một giai đoạn điều chỉnh tiếp theo của thị trường. Chúng tôi đang mong đợi sự điều chỉnh về hành lang pháp lý vào năm 2023 để thị trường phát triển bền vững hơn”, bà Khanh Nguyễn chia sẻ.

Từ góc nhìn đầu tư, ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam nhận định, hoạt động M&A sẽ đóng vai trò then chốt để “giải cứu” các nhà phát triển bất động sản trong nước, cũng như phù hợp với tâm lý đầu tư của các nhà giao dịch tin tưởng vào tiềm năng của thị trường bất động sản Việt Nam.

Đối với nhà giao dịch là các quỹ đầu tư trong và ngoài nước, hoặc các nhà phát triển lớn, M&A là chiến lược tăng trưởng nhanh, hiệu quả để tối ưu hóa danh mục đầu tư, tăng cường năng lực tài chính.

M&A đang được kỳ vọng là chiếc chìa khóa để giải bài toán cùng thắng (win-win) cho thị trường bất động sản, đồng thời trở thành động lực giúp thị trường thoát khỏi tình trạng trầm lắng, dần trở nên sôi động hơn trong thời gian tới.

Hà Thu

Theo Chất lượng và Cuộc sống