Thị trường căn hộ tiếp tục chu kỳ tăng giá là điều khó tránh khỏi

Ông Trần Hiếu, Phó tổng giám đốc DKRA Group nhấn mạnh, khó có thể trông đợi thị trường căn hộ TP.HCM giảm giá, khi mà các chi phí đầu vào phát triển dự án như chí phí nguyên vật liệu xây dựng, tiền đất… đều tăng cao, chưa kể thủ tục triển khai dự án kéo dài cũng khiến chi phí bị “đội” lên.

Ông Hiếu cho biết, để làm được dự án hiện quá khó khăn. Chúng tôi thời gian qua không ngừng tìm kiếm quỹ đất để phát triển dự án, nhưng quả thực rất khó. Doanh nghiệp có một dự án ở Long An lúc đầu dự kiến triển khai với quy mô 20 ha, nhưng do gặp khó khăn trong việc đền bù nên rút lại còn 11 ha, thế nhưng nhiều năm qua vẫn chưa xong, lý do bởi doanh nghiệp phải tự thỏa thuận đền bù với người có đất nên rất nhiêu khê.

Chưa kể thời điểm mới triển khai dự án, giá đất thỏa thuận đền bù chỉ khoảng 350.000 đồng/m2, nhưng nay tăng gấp 10 lần mà người có đất vẫn không chịu, nên không thể hoàn thành dự án.

Theo ông Hiếu, đây mới là khâu đền bù để tạo quỹ đất sạch, còn từ đất sạch chuyển sang dự án đầy đủ pháp lý cũng là cả một quá trình và chi phí tăng gấp 3 lần. Thủ tục dự án càng kéo dài, chi phí đầu tư càng tăng cao là điều tất yếu. Thực tế này với TP.HCM càng rõ nét, do vậy, khả năng trong thời gian tới, thị trường căn hộ và nhà phố tại đây bước vào một chu kỳ tăng giá tiếp theo là điều khó tránh khỏi.

Thị trường căn hộ tiếp tục chu kỳ tăng giá là điều khó tránh khỏi - Ảnh 1

Với tổng thu nhập khoảng 18-20 triệu đồng/tháng, vợ chồng anh Trung sống tại TP.HCM hiện vẫn đang trông chờ giá nhà giảm để có thể mua được ngôi nhà riêng. Anh Trung cho biết, dù công việc ổn định và có ít vốn tích luỹ, nhưng vì tâm lý sợ mang nợ và trông chờ giá nhà giảm mới mua nên đánh mất hàng loạt cơ hội. Muốn chờ giá nhà giảm, thế nhưng giá không những không giảm mà còn liên tục tăng, tiền kiếm được không theo kịp đà tăng giá nhà.

Ông Ngô Quang Phúc - Tổng giám đốc Phú Đông Group cho hay, hơn ai hết chính bản thân các doanh nghiệp cũng muốn bán giá thấp để thúc đẩy thanh khoản, nhưng không thể làm được. Ngay trong lúc thị trường khó khăn nhất, mặt bằng giá nhà vẫn tăng bởi các chi phí đầu vào như tiền mua đất, tiền xây dựng, chi phí tài chính… đều tăng cao.

Theo ông Phúc, để tìm một quỹ đất phù hợp phát triển dự án hiện vô cùng khó. Ở các khu vực lân cận TP.HCM không còn quỹ đất, mà ngày càng phải đi xa, thủ tục hoàn thiện một dự án kéo dài nhiều năm với hàng loạt chi phí phát sinh. Chỉ tính riêng tiền sử dụng đất, cách đây vài năm, một dự án có tiền sử dụng đất phải đóng chưa đến 20 tỷ đồng, nhưng nay tăng lên 80 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần, đó là chưa kể hàng loạt chi phí khác.

Ông Phúc cho rằng để giảm giá nhà, chỉ còn một cách là doanh nghiệp buộc phải giảm kỳ vọng lợi nhuận. Nếu như trước đây chủ đầu tư thường kỳ vọng lợi nhuận cho một dự án khoảng 30-40%, thì nay phải tính toán lại.

Giải pháp nào cho người thu nhập thấp?

Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, nếu mỗi năm tích lũy đủ 100 triệu đồng, người mua sẽ mất tới 25 năm để có thể sở hữu một căn hộ bình dân tại thành phố. Trước thực trạng trên, các giải pháp tài chính từ phía chủ đầu tư sẽ là chìa khóa quan trọng để các hộ gia đình tìm được nơi an cư. Tuy nhiên, bản thân các giải pháp này cũng đang tồn tại nhiều vấn đề.

Theo nhiều nghiên cứu, giá nhà ở tại Việt Nam hiện đang tăng nhanh hơn nhiều so với mức tăng thu nhập bình quân của người dân. Điều này khiến người dân có thu nhập trung bình đang ngày càng khó khăn hơn khi muốn sở hữu nhà ở, đặt ra yêu cầu cần có nhiều giải pháp để kéo giảm giá nhà ở trong thời gian tới.

Theo ông Lê Hoàng Châu, trước hết, các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục tập trung tháo gỡ các vướng mắc pháp lý cho các dự án để tăng nguồn cung nhà ở trên thị trường.

Ông Châu nhận định: “Theo thống kê của Bộ Xây dựng, với tốc độ tăng dân số và nhu cầu nhà ở như hiện tại, mỗi năm, cả nước cần thêm khoảng 70 triệu m2 nhà ở đô thị. Song với tình hình phát triển nguồn cung hiện tại, mỗi năm Việt Nam thiếu hụt khoảng 300.000 đơn vị nhà ở. Giải quyết cải thiện nguồn cung, giảm sự thiếu hụt nguồn cung nhà ở sẽ tác động làm bình ổn giá nhà theo quy luật cung - cầu của thị trường”.

Thanh Xuân

Theo Chất lượng và cuộc sống