Thị trường chứng khoán 1/6: HOSE chủ động dừng giao dịch chiều, thị trường hạ nhiệt vẫn giữ nhịp tăng
VN-Index đã khép lại phiên giao dịch với mức tăng 9,73 điểm (0,73%) lên 1.337,78 điểm. Một số cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán tăng
Được sự chấp thuận của Uỷ ban chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM đã thông báo ngừng giao dịch ngày 1/6/2021. Giá đóng cửa chứng khoán ngày 1/6 là giá khớp lệnh cuối cùng trong buổi sáng. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử HOSE chủ động tạm ngừng giao dịch để bảo vệ an toàn hệ thống.
Giá trị giao dịch tại HOSE phiên sáng ngày 1/6 đã vượt mức 21,7 nghìn tỷ đồng dẫn tới tình trạng báo động đối với an toàn của hệ thống.
Sáng nay không chỉ bảng điện tử mà hầu hết các app đặt lệnh trực tuyến, webtrading và mobile trading của các CTCK đều tắc nghẽn và gặp sự cố, nhà đầu tư muốn đặt lệnh phải đặt qua môi giới. Ghi nhận hiện lượng lag không thể đăng nhập được, lý do là lượng truy cập quá đông.
Thị trường chứng khoán các phiên giao dịch trong 2 tuần trở lại đây rất sôi động, giá trị giao dịch khớp lệnh tính riêng sàn HoSE tăng 5 phiên liên tiếp, từ mức 19.000 tỷ đồng vọt lên hơn 23.000 tỷ đồng trong phiên giao dịch 31/5, gây tình trạng tắc nghẽn lệnh.
VN-Index đã khép lại phiên giao dịch với mức tăng 9,73 điểm (0,73%) lên 1.337,78 điểm. Một số cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán tăng "nóng" thời gian qua đã có dấu hiệu hạ nhiệt khi đóng cửa giảm điểm như BAB, LPB, KLB, TCB, CTG, EIB, NVB, VCI, HCM, SHS, SSI
Điểm nhấn vẫn thuộc về HPG, khi đã leo nhanh lên mức giá trần +6,8% lên 56.300 đồng, chỉ một ngày sau ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức. Hiện HPG khớp lệnh hơn 24 triệu đơn vị và chỉ đứng sau hai mã ngân hàng là STB và VPB trên sàn HOSE.
Ngoài HPG, nâng đỡ chỉ số đáng kể còn có, FPT, GAS và nhóm ngân hàng VCB, HDB, TPB. Cổ phiếu lớn nhất dòng bank là VCB đột ngột leo cao tăng 5,2% lên 103.700 đồng. Tiếp theo là VRE tăng 4,4% lên 30.700 đồng, FPT tăng 3,3% lên 87.100 đồng, POW tăng 3% lên 12.100 đồng, VIC tăng 2,1% lên 120.000 đồng, HDB tăng 1,5% lên 34.300 đồng, VHM tăng 1,4% lên 104.000 đồng, GAS tăng 1,3% lên 83.700 đồng.
Nhóm cổ phiếu nóng là các công ty chứng khoán phân hóa, với các mã top đầu bị chốt lời và giảm, ngoài SSI nêu trên thì HCM -2,2% xuống 38.400 đồng, khớp 4,43 triệu đơn vị, VCI -2,4% xuống 77.600 đồng, khớp 1,5 triệu đơn vị, FTS -1,3% xuống 27.500 đồng. Các cổ phiếu khác trong nhóm như VIX, AGR, AAS, APS, VIG cũng không còn duy trì được sắc tím.
Giao dịch khối ngoại là điểm trừ khi họ bán ròng gần 600 tỷ đồng trên toàn thị trường. Lực bán tập trung vào các Bluechips như HPG (-549 tỷ đồng), STB (-78 tỷ đồng), VCB (-69 tỷ đồng), VIC (-58 tỷ đồng).
Phiên ngày mai trở nên rất khó đoán định xu hướng khi nhà đầu tư lo ngại vì tình trạng đóng cửa đột ngột của HOSE, khiến phiên sáng có thể trở nên loạn nhịp, giá cổ phiếu cũng vì thế mà bị bóp méo. Tình trạng này khiến nhiều nhà đầu tư bị "bịt mắt dò đường" khi giao dịch và nhiều người đã bị "rơi hàng" do lo ngại rủi ro khi hệ thống không nhận lệnh lúc muốn bán, muốn mua và ngược lại. Vấn đề được nhà đầu tư e ngại hơn khi tình trạng nghẽn lệnh trầm trọng tái diễn là khả năng các chỉ số chứng khoán, cũng như thị giá nhiều mã chứng khoán bị bóp méo thô thiển. Khi HOSE đơ bảng, lệnh ở các công ty chứng khoán lớn đa phần không được đẩy vào hệ thống, chỉ có một số công ty chứng khoán nhỏ chạy lệnh, chỉ cần 100 cổ phiếu khớp phiên ATC giá trần hoặc giá sàn, đây cũng là giá chốt của cả phiên giao dịch. Thực tế này không phản ánh đúng thị trường trong phiên. Tương tự, giá chốt cuối ngày của các mã chứng khoán được tính toán để ra chỉ số VN-Index, vì thế chỉ số cũng có thể rơi vào tình trạng bị bóp méo và phi thị trường.
Việc nâng tải của HOSE trong thời gian qua để thị trường khớp được giá trị trên 20.000 tỷ đồng/phiên, trong khi trước đây chỉ cần đạt đến 14.000 tỷ đồng/phiên đã bị nghẽn lệnh, khiến các nhà đầu tư đặt câu hỏi: Vậy hệ thống hiện hành có tiếp tục được tối ưu hóa và mở tải nữa hay không? Nhà đầu tư cũng muốn biết, tiến độ dự án mà HOSE và FPT đang triển khai nhằm xây dựng hệ thống giao dịch dự phòng.