Thị trường ngoại hối có thể biến động biên độ lớn nếu căng thẳng Nga-Ukraine không dịu đi
Chia sẻ với phóng viên Doanh nghiệp Việt Nam, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia dự báo thị trường ngoại hối có thể biến động biên độ lớn nếu căng thẳng Nga-Ukraine không dịu đi.
TS Cấn Văn Lực cho biết, thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế đang rơi vào trạng thái bất ổn trước tác động từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga và ngược lại.
Thị trường chứng khoán tại hầu hết các nước giảm mạnh ngay trong ngày chiến sự Nga - Ukraine bắt đầu xảy ra và tiếp tục giảm, dù có lúc phục hồi khi các nhà đầu tư trấn tĩnh trở lại.
Thị trường ngoại hối có thể biến động biên độ lớn nếu căng thẳng Nga-Ukraine không dịu đi.
“Trên thị trường ngoại hối, giá trị nhiều đồng tiền đã giảm 1,2%-1,5% so với đồng USD tại thời điểm đầu năm. Đặc biệt, đồng rúp của Nga giảm rất mạnh, đến hết ngày 7/3 đã mất giá 85,13% so với đồng USD nếu tính từ đầu năm 2022. Thị trường ngoại hối dự báo vẫn có thể biến động với biên độ lớn trong thời gian tới nếu căng thẳng không dịu đi”, ông Lực nhận định.
Cũng theo chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, đà phục hồi, tăng trưởng kinh tế toàn cầu bị giảm đi khiến nhu cầu hàng hóa, dịch vụ, đầu tư giảm tương ứng. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến xuất khẩu và thu hút đầu tư của Việt Nam.
Hiện quan hệ thương mại giữa Việt Nam với Nga và Ukraine còn khiêm tốn so với tổng kim ngạch thương mại quốc tế của Việt Nam. Nga đang chiếm khoảng 1% và Ukraine chiếm 0,1% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2021, nên những tác động tới ngoại thương của Việt Nam là không lớn trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, những mặt hàng xuất khẩu chịu tác động hiện nay là điện thoại và linh kiện, điện tử và linh kiện, may mặc, nông - thủy sản.
“Về trung và dài hạn, các biện pháp trừng phạt Nga của phương Tây và bất ổn tại Nga sẽ làm ảnh hưởng tới những nỗ lực thúc đẩy quan hệ thương mại - đầu tư của Việt Nam với Nga và Liên minh hải quan Nga - Belarus - Kazakhstan.
Các hoạt động xuất nhập khẩu, đầu tư, tài chính, du lịch… giữa Việt Nam với Nga và Ukraine sẽ bị ảnh hưởng đáng kể, đặc biệt khi phương Tây loại Nga ra khỏi Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu SWIFT”, ông Lực nói.
Đánh giá về tác động từ chiến sự Nga – Ukraine tới kiểm soát lạm phát tại Việt Nam, ông Lực cho biết các biện pháp trừng phạt được dự báo làm suy giảm tăng trưởng kinh tế và gia tăng lạm phát toàn cầu sẽ tạo sức ép cho các việc điều chỉnh các biện pháp điều hành kinh tế của Việt Nam hiện nay.
Nếu tính theo giá dầu trong năm 2022 có thể tăng bình quân 30-40% so với bình quân giá dầu năm 2021 thì CPI bình quân cả năm tăng thêm 0,8-1 điểm %, lên mức 3,8-4,2%. Điều này đặt ra thách thức cho mục tiêu kiểm soát lạm phát khoảng 4% năm nay mà Quốc hội thông qua.