Thị trường nguội lạnh, nhiều ông lớn địa ốc cắt giảm hơn 50% nhân sự

Lượng lớn nhân sự ngành bất động sản đang đứng trước nguy cơ thất nghiệp vì tình hình các doanh nghiệp không thể chống trụ vững vàng như trước đây. Thu hẹp dần quy mô, thoát sản phẩm để nhanh chóng thoát lỗ là hiện trạng gần đây của không ít doanh nghiệp địa ốc.

Thị trường nguội lạnh, nhiều ông lớn địa ốc cắt giảm hơn 50% nhân sự - Ảnh 1

Hơn 50% nhân sự bị thất nghiệp

Đây là một trong những vấn đề khó khăn mà rất nhiều doanh nghiệp bất động sản đang phải đối mặt. Được biết, có tập đoàn phải ra quyết định cắt giảm đến 50% lực lượng lao động. Đi đôi với hoạt động này, thu hẹp quy mô kinh doanh để hạn chế phát sinh chi phí cũng là điều bắt buộc.

Từng là doanh nghiệp địa ốc quy mô lớn tại thị trường phía Nam, phúc lợi đãi ngộ nhân viên rất tốt. Thế nhưng, doanh nghiệp (giấu tên) cũng phải “bấm bụng” cắt giảm lương của nhân viên, bao gồm cả các khoản trợ cấp như xăng xe, cơm trưa, hỗ trợ nhà ở… Mức lương điều chỉnh giảm toàn bộ công ty của doanh nghiệp này là khoảng 20- 25% (tuỳ cấp bậc, chức vụ). Mặc dù doanh nghiệp không sa thải nhân sự, nhưng mức lương nhân viên bị điều chỉnh rõ nét.

Tình cảnh cũng diễn ra tương tự tại một doanh nghiệp BĐS quy mô vừa tại Tp.HCM khi ban lãnh đạo doanh nghiệp này đã họp và quyết định điều chỉnh nhân sự và mức lương. Như vậy, doanh nghiệp cắt giảm 15% nhân sự, giảm lương từ 20-50% tuỳ cấp bậc, chức vụ, đồng thời nhân viên đi làm luân phiên nhau. Tuần làm tuần nghỉ để cắt giảm chi phí tối đa.

Được biết, văn hoá coi trọng con người của doanh nghiệp này luôn được đặt lên hàng đầu từ trước đến nay; chưa bao giờ trễ lương hay nợ lương nhân viên. Thế nhưng, “cực chẳng đã”, doanh nghiệp đành cắt nhân sự, cắt các chi phí như teambuilding, tất niên, quà tết….để cố gồng gánh bộ máy đi qua thời điểm khó khăn này.

Chưa kể, lúc này, không bán được hàng nghĩa là nhân viên không có việc làm. Dòng tiền cạn, tiếp cận vốn vay khó hoặc có vay cũng rất nặng lãi khiến nhiều doanh nghiệp lao đao, đành cho nhân viên đi làm luân phiên để tối đa chi phí phát sinh trong vận hành bộ máy. Điều này càng cho thấy, đoanh nghiệp địa ốc thực sự đang gặp khó, thậm chí “kiệt sức” để trụ được với thị trường.

Một nhân sự có kinh nghiệm 8 năm đi làm cho doanh nghiệp cũng đang “nơm nớp lo sợ” vì có thể bị nghỉ việc. Nhân sự này bày tỏ, chưa bao giờ thấy tình hình công ty khó khăn đến vậy, thậm chí khó hơn cả thời kì 2 năm Covid-19 hành hoành.

“Việc cắt nhân sự, giảm lương có lẽ chỉ là phương án “đối phó” tạm thời của doanh nghiệp lúc này. Sợ nhất là công ty không thể trụ nỗi, bao nhiêu con người nhân lực phải nghỉ việc…”, chị này cho hay.

Liên tục họp ban điều hành về tình hình khủng hoảng chung của thị trường và phương án công ty đối phó, một doanh nghiệp địa ốc có trụ sở tại Q.Phú Nhuận, Tp.HCM vừa ra quyết định cắt giảm 50% nhân sự, giảm 40% thu nhập của toàn bộ nhân viên. Bên cạnh đó, các khoản thưởng Tết năm nay sẽ phải tính toán hết lại.

“Khó khăn đang bủa vây, dòng tiền không có đã khiến doanh nghiệp kiệt kệ tài chính. Tôi chỉ biết nói là rất căng”, đại diện doanh nghiệp này chia sẻ.

Lối ra để không đi vào hẻm cụt

Bàn về giải pháp để không khiến tình trang này trở nên xấu hơn, bà N.T.H - lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản tại TPHCM nói trên - kiến nghị Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ kịp thời để thị trường phát triển ổn định, lành mạnh.

Trong đó, vấn đề đảm bảo dòng tiền luân chuyển, lưu thông trên thị trường được doanh nghiệp nhấn mạnh. "Hiện việc tung dự án bán mới rất khó, ngay cả khách hàng đang trong giai đoạn nhận nhà cũng bị ảnh hưởng khi nguồn vốn thắt chặt lại", bà H nói.

Để tháo gỡ thị trường hiện nay, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA - kiến nghị Chính phủ và nhiều bộ ngành thực hiện đồng bộ giải pháp. Trong đó, giải pháp lớn nhất là hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai 2013 và một số luật liên quan, đảm bảo tính thống nhất để phát triển thị trường bất động sản an toàn, bền vững.

Ngoài ra cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà được tiếp cận nguồn vốn tín dụng đối với các dự án nhà ở giá vừa túi tiền, nhà ở xã hội, nhất là các doanh nghiệp thực hiện tốt các nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước, có dự án đảm bảo yếu tố pháp lý.

Ông cũng đề nghị Bộ Xây dựng trình Chính phủ xem xét lựa chọn khoảng 10 tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản lớn có nhiều dự án bị "vướng mắc" pháp lý phải dừng thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng, dừng thực hiện thi công, dừng các thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà cho khách hàng để tập trung tháo gỡ, tạo niềm tin và "cú huých" cho thị trường bất động sản.

Theo Chất lượng và Cuộc sống