Tin bất động sản nổi bật tuần qua: Hàng loạt ‘ông lớn’ địa ốc họp khẩn cùng Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn

Hàng loạt ‘ông lớn’ bất động sản họp khẩn cùng Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn; Đề xuất đầu tư thêm 6 tuyến Metro hơn 200.000 tỷ đồng tại TP HCM; Chuyển động mới tại "siêu" dự án Khu du lịch Kênh Gà - Vân Trình gần 2.000 ha tại Ninh Bình; Tuyên Quang huỷ bỏ quy hoạch Khu đô thị Thành Hưng City 2 rộng 80ha; Khách sạn ven biển Đà Nẵng lại được ồ ạt rao bán; Quảng Nam yêu cầu rà soát hồ sơ pháp lý liên quan dự án Khu đô thị số 6; Nam Định sẽ có khu công nghiệp Trung Thành 200ha;…là những thông tin bất động sản nổi bật tuần qua.

Hàng loạt ‘ông lớn’ bất động sản họp khẩn cùng Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn

Sáng ngày 8/11 vừa qua đã diễn ra cuộc họp khẩn tại TP. HCM do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chủ trì cùng với Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, đại diện Văn phòng Chính phủ, Chủ tịch HoREA và 19 chủ tịch, tổng giám đốc tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản của TP. HCM và các tỉnh Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Các doanh nghiệp được mời họp tại TP. HCM bao gồm nhiều ‘ông lớn’ địa ốc như: Novaland, Tập đoàn Phú Mỹ Hưng, Tổng công ty đầu tư và phát triển công nghiệp Becamex, Tập đoàn Hưng Thịnh, Công ty Cổ phần Đầu tư IMG, Công ty địa ốc Hoàng Quân, Tập đoàn Him Lam, Công ty Cổ phần Đại An, Tập đoàn Phú Cường, Tập đoàn Sơn Kim Land, Tổng công ty Cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng (DIC), Tập đoàn Khang Điền và Hiệp hội bất động sản TP. HCM (HoREA).

Chính phủ và Bộ Xây dựng đang họp khẩn với các doanh nghiệp bất động sản lớn để gỡ khó.  
Chính phủ và Bộ Xây dựng đang họp khẩn với các doanh nghiệp bất động sản lớn để gỡ khó.  

Cùng thời điểm, cuộc họp tại Hà Nội do Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì cùng với Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị với sự tham dự của khoảng 15 chủ tịch, tổng giám đốc tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản.

Trước đó, Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA) đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo về thực trạng thị trường bất động sản đang rất khó khăn và đứng trước khả năng có thể rơi vào suy thoái.

Theo HoREA, một số Tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đang thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh (dừng, trì hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án; dừng triển khai các dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn; dừng IPO). Nhiều doanh nghiệp BĐS phải bán bớt tài sản, dự án hoặc bán sản phẩm BĐS với chiết khấu sâu lên tới 40% tạo cơ hội cho người trẻ mua nhà nhưng có rủi ro là sản phẩm hình thành trong tương lai.

Cũng theo HoREA, một số Tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản phải tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động (thậm chí có Tập đoàn giảm đến 50% lực lượng lao động) tác động đến vấn đề an sinh xã hội, hoặc phải giảm lương tác động đến cuộc sống người lao động.

Đề xuất đầu tư thêm 6 tuyến Metro hơn 200.000 tỷ đồng tại TP HCM

Sở Giao thông Vận tải TP.HCM (GTVT) vừa đề xuất 7 dự án đường sắt đô thị cần ưu tiên, đầu tư giai đoạn 2021-2025 với tổng mức đầu tư hơn 210.000 tỷ đồng.

Theo quy hoạch, TP.HCM có 8 tuyến metro và 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường một ray với tổng chiều dài 220 km, tổng mức đầu tư gần 25 tỷ USD. Tuy nhiên đến nay, thành phố mới triển khai 2 dự án là tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) hơn 43.700 tỷ đồng và metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) gần 47.900 tỷ đồng.

Theo đó, Sở GTVT TPHCM đề xuất ưu tiên đầu tư thêm 6 tuyến metro giai đoạn từ nay đến 2035 với tổng nhu cầu vốn hơn 200.000 tỷ đồng.

Cụ thể, tuyến metro số 5 (giai đoạn 1 dài 8,9 km từ ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn) với tổng vốn hơn 38.700 tỷ đồng, trong đó vốn ODA hơn 28.000 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của TP.HCM.

Sơ đồ tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương.  
Sơ đồ tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương.  

Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đã được UBND TP trình Thủ tướng 2 lần vào năm 2017 và 2020 nhưng chưa được thông qua. Dự án dự kiến được trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư trong năm 2023.

5 tuyến còn lại gồm: số 3a (giai đoạn 1 từ Bến Thành - Bến xe Miền Tây) dài gần 10 km với tổng vốn 41.800 tỷ đồng; số 4 (giai đoạn 1 từ Thạnh Xuân - Nguyễn Văn Linh) dài gần 21 km, tổng vốn 58.185 tỷ đồng; số 2 (giai đoạn 2 đoạn Bến Thành - Thủ Thiêm và Tham Lương - Bến xe Tây Ninh) dài 9,1 km, tổng vốn 32.604 tỷ đồng; số 3b (Ngã 6 Cộng Hòa - Hiệp Bình Phước) dài 12,1 km, tổng vốn 41.140 tỷ đồng và số 4b (công viên Gia Định - Lăng Cha Cả) dài 5,2 km, tổng vốn 24.200 tỷ đồng.

Chuyển động mới tại "siêu" dự án Khu du lịch Kênh Gà - Vân Trình gần 2.000 ha

Sở xây dựng tỉnh Ninh Bình mới đây có văn bản đề nghị tạm dừng triển khai lập Quy hoạch phân khu xây dựng khu du lịch Kênh Gà - Vân Trình do các Quy hoạch chung, Quy hoạch phân khu xây dựng khu du lịch Kênh Gà - Vân Trình có đề xuất nhiều nội dung liên quan đến hệ thống đê khu vực sông Hoàng Long.

Sau khi xem xét, UBND tỉnh Ninh Bình cho biết, Quy hoạch rà soát phương án phòng, chống lũ chi tiết cho các tuyến sông có đê lưu vực sông Hoàng Long có xem xét đến quy hoạch khu du lịch Kênh Gà, Vân Trình đến năm 2030 tầm nhìn 2050 đã được UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu gói thầu tư vấn tại Quyết định số 941/QĐ-UBND ngày 27/10/2022.

Do đó, UBND tỉnh Ninh Bình yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương triển khai thực hiện thủ tục lựa chọn nhà thầu và đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch theo quy định.

Trước đó, hồi tháng 2/2021, UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Kênh Gà - Vân Trình đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, Khu vực nghiên cứu lập quy hoạch thuộc địa bàn các xã Gia Lạc, Gia Minh, Gia Thịnh của huyện Gia Viễn và các xã  Lạc Vân, xã Đức Long, xã Thượng Hòa, xã Gia Tường thuộc huyện Nho Quan và xã Gia Minh, huyện Gia Viễn. Phạm vi nghiên cứu lập quy họach cụ thể như sau:

+ Phía Bắc: Giáp đất nông nghiệp, dân cư hiện trạng xã Gia Tường và đường ĐT 477.

+ Phía Nam: Giáp đê hữu sông Hoàng Long, đất nông nghiệp, dân cư hiện trạng thuộc các xã Gia Lạc, Gia Minh và xã Thượng Hòa.

+ Phía Đông: Giáp sông Hoàng Long, sông Bôi và xã Gia Thịnh.

+ Phía Tây: Giáp sông Hoàng Long, dân cư hiện trạng và đất nông nghiệp thuộc xã Lạc Vân.

Theo đồ án, quy mô quy hoạch khoảng 1.984ha, tổng mức đầu tư khoảng 1 - 1,5 tỷ USD, chia làm 4 giai đoạn. Đồng thời, Công ty CP Bán đảo Kênh Gà được tỉnh Ninh Bình giao làm chủ đầu tư lập quy hoạch chung dự án này.

Tuyên Quang huỷ bỏ quy hoạch Khu đô thị Thành Hưng City 2 rộng 80ha

UBND tỉnh Tuyên Quang vừa có quyết định về việc huỷ bỏ đồ án quy hoạch chi tiết Khu đô thị Thành Hưng City 2.

Lý do huỷ bỏ là do các dự án đầu tư theo hình thức BT đã dừng không thực hiện theo Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư số 64/2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2021 và các quy định khác của pháp luật. Đảm bảo sự phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn hiện nay.

Ảnh minh họa.  
Ảnh minh họa.  

Được biết, Đồ án quy hoạch chi tiết Khu đô thị Thành Hưng City 2 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 404 ngày 22.11.2019. Theo quy hoạch, dự án được xây dựng tại phường Ỷ La, thành phố Tuyên Quang. Tổng diện tích đất trong phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch là 80,43ha, có các phía tiếp giáp như sau: Phía Bắc giáp với khu dân cư và đường Trường Chinh; phía Nam giáp với quy hoạch Khu đô thị Thành Hưng City1; phía Đông giáp với khu dân cư trục đường Quang Trung; phía Tây giáp với khu dân cư.

Khách sạn ven biển Đà Nẵng lại được ồ ạt rao bán

Theo khảo sát trên các trang mua bán nhà đất, mỗi ngày có hàng chục bản tin rao bán khách sạn tại Đà Nẵng. Các khách sạn này chủ yếu tập trung ở khu vực ven biển quận Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà. Không chỉ các khách sạn nhỏ, ngay cả các khách sạn 4-5 sao cũng được rao bán.

Tình trạng rao bán khách sạn từng diễn ra rầm rộ ở Đà Nẵng trước đó, khi dịch Covid-19 bùng phát và kéo dài.

Nhiều nhân viên môi giới bất động sản cho hay, nguyên nhân khiến các ông chủ phải rao bán hàng loạt khách sạn là do nguồn khách ít, chi phí vận hành bỏ ra nhiều, không đảm bảo trang trải các khoản vay; cùng với đó, thời điểm này lãi vay ngân hàng tăng cao.

Nói về nguyên nhân các khách sạn ồ ạt rao bán, Nguyễn Đức Lập - Viện trưởng Viện nghiên cứu và đào tạo bất động sản Đà Nẵng cho rằng du lịch ở Đà Nẵng hiện vẫn chưa phục hồi hoàn toàn, lượng khách đến thành phố vẫn còn khiêm tốn so với thời điểm 2019.

Thành phố đang vào mùa thấp điểm du lịch trong năm nên tình hình sẽ không có nhiều cải thiện cho đến hết năm. Chưa kể, triển vọng thu hút khách du lịch quốc tế đến Đà Nẵng ít khả quan khi thị trường chính là Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu mở cửa. Do đó, doanh thu của các khách sạn đang quá thấp so với công suất thiết kế.

Ngoài ra, trong bối cảnh thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn, lãi suất cho vay tăng cao nên áp lực tài chính với các khoản vay rất lớn.

“Việc thiếu hụt dòng tiền thanh toán chi phí lãi vay do doanh thu bấp bênh và thiếu triển vọng cải thiện trong tương lai gần, thị trường bất động sản đang bước vào chu kỳ suy giảm nên quyết định rao bán là phù hợp với bối cảnh khó khăn hiện nay. Sẽ thêm 1 năm khó khăn nữa cho dòng sản phẩm này", ông Lập nhận định.

Quảng Nam yêu cầu rà soát hồ sơ pháp lý liên quan dự án Khu đô thị số 6

Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ông Nguyễn Hồng Quang đã ký văn bản liên quan đến phương án giá đất đối với phần diện tích khu đất Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị Dana Home Land nhận chuyển giao từ Dự án Khu đô thị số 6, Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc.

Theo đó, sau khi xem xét đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường về phương án xác định giá đất cụ thể đối với phần diện tích khu đất Công ty Dana Home Land nhận chuyển giao từ Dự án Khu đô thị số 6. Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam giao Sở Xây dựng chủ trì làm việc với Công ty Dana Home Land để rà soát, xem xét lại việc thực hiện các hồ sơ pháp lý mua bán nợ, việc bàn giao tiếp nhận trên thực địa, tình hình triển khai đầu tư hạ tầng để báo cáo UBND tỉnh.

Khu thị mới Điện Nam - Điện Ngọc.  
Khu thị mới Điện Nam - Điện Ngọc.  

Tỉnh Quảng Nam cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, xem xét các thủ tục pháp lý về đất đai đối với phần diện tích khu đất Công ty Dana Home Land nhận chuyển giao từ dự án Khu đô thị số 6, Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc để tham mưu giao đất, cho thuê đất hoặc điều chỉnh diện tích đất giao, cho thuê từ Công ty TNHH Chí Thành sang Công ty Dana Home Land.

Ngoài ra, đối với phương án giá đất, văn bản của UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu, việc xác định các khoản chi phí liên quan đến dự án khu đất Công ty Dana Home Land nhận chuyển giao từ dự án Khu đô thị số 6, theo hướng, chi phí đầu tư trước khi mua bán nợ phải bóc bỏ, không tính chi phí đầu tư hạ tầng do đã điều chỉnh quy hoạch chi tiết không còn sử dụng hạ tầng cũ. Chỉ tính chi phí san lấp mặt bằng theo khối lượng và giá trị tại thời điểm Công ty TNHH Chí Thành đã đầu tư.

Tỉnh Quảng Nam yêu cầu Công ty Dana Home Land cung cấp các hồ sơ liên quan do Công ty TNHH Chí Thành đã san lấp mặt bằng cho Sở Xây dựng kiểm tra, xác định chi phí. Nếu Công ty không cung cấp được các hồ sơ liên quan thì việc xác định chi phí san lấp mặt bằng tại thời điểm được cấp thẩm quyền giao đất, cho thuê đất cho Công ty TNHH Chí Thành.

Về chi phí đầu tư sau khi mua bán nợ thì việc xác định chi phí đầu tư tại thời điểm điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng vào tháng 11/2019. Công ty Dana Home Land khẩn trương cung cấp đầy đủ các hồ sơ liên quan đến chi phí đầu tư dự án, gửi Sở Xây dựng chủ trì kiểm tra. Trường hợp Công ty không cung cấp các hồ sơ liên quan đến chi phí đầu tư san lấp mặt bằng theo yêu cầu thì xác định chi phí tại thời điểm được cấp thẩm quyền giao đất, cho thuê đất cho Công ty TNHH Chí Thành.

Đối với chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, tỉnh Quảng Nam giao Công ty Dana Home Land cung cấp các hồ sơ liên quan đến công tác bồi thường giải phóng mặt bằng khu đất Công ty nhận chuyển giao; kể cả chi phí bồi thường do Công ty TNHH Chí Thành trước đây đã thực hiện theo các phương án được đã được cấp thẩm quyền phê duyệt …

Chuyển động mới tại loạt dự án của Tập đoàn Xuân Thiện ở Nam Định

Theo thông tin từ Báo Đại đoàn kết, ông Trần Anh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định cho biết, cùng ngày Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Vũ Văn Hưng đã ký giấy phép xây dựng (loại sử dụng cấp theo giai đoạn của công trình không theo tuyến) cho Công ty CP bê tông Ngĩa Hưng, thuộc Tập đoàn Xuân Thiện để san nền (hồ điều hòa) thuộc dự án Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn Nam Định (1 trong 3 dự án lớn Tập đoàn Xuân Thiện được chấp thuận đầu tư tại Nam Định).

Vị trí xây dựng thuộc khu đất diện tích gần 285.000 m2 đất tại Khu trong Cồn Xanh, thuộc địa bàn các xã Nghĩa Hải, Nam Điền, huyện Nghĩa Hưng.

Trước đó, ông Trần Anh Dũng cũng đã ký quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất và cho Công ty CP bê tông Nghĩa Hưng thuê hơn 568.000 m2 đất (đã được UBND tỉnh ra quyết định thu hồi) tại xã Nghĩa Hải và xã Nam Điền, huyện Nghĩa Hưng để thực hiện dự án đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn Xuân Thiện Nam Định.

Được biết, thời gian qua, chính quyền tỉnh Nam Định và Tập đoàn Xuân Thiện (Ninh Bình) đã xúc tiến nhiều bước trong quy trình triển khai 3 dự án vốn đầu tư lớn, bao gồm: dự án Nhà máy thép Xanh Xuân Thiện Nghĩa Hưng (xây dựng trên diện tích 83,93ha, tổng vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng, công suất 2 triệu tấn/năm); dự án Nhà máy Thép Xanh số 1 Xuân Thiện Nam Định (xây dựng trên diện tích 284,97ha, tổng vốn đầu tư, công suất 7,5 triệu tấn/năm, tổng vốn đầu tư 88.000 tỷ đồng) và dự án Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn Xuân Thiện Nam Định, tổng vốn đầu tư 900 tỷ đồng.

Cả 3 dự án trên đều được triển khai tại khu vực bãi bồi ven biển thuộc địa bàn huyện Nghĩa Hưng. Trước đó, để triển khai các dự án trên của nhà đầu tư Tập đoàn Xuân Thiện, UBND tỉnh Nam Định đã ra quyết định thu hồi hơn 431 ha đất tại một số xã của huyện Nghĩa Hưng.

Hà Nội tạm dừng điều chỉnh pháp lý tại Khu đô thị Thanh Hà – Cienco 5

UBND TP Hà Nội vừa mới ban hành Quyết định 4301/QĐ-UBND tạm dừng thực hiện Quyết định 5269/QĐ-UBND của UBND TP về việc điều chỉnh một số nội dung tại Quyết định 3128/2008/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hà Tây (cũ) đối với Khu đô thị (KĐT) Thanh Hà – Cienco 5.

UBND TP Hà Nội tạm dừng điều chỉnh một số vấn đề pháp ý tại dự án Khu đô thị Thanh Hà.  
UBND TP Hà Nội tạm dừng điều chỉnh một số vấn đề pháp ý tại dự án Khu đô thị Thanh Hà.  

Cụ thể, hiện tại Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội vẫn đang tiếp tục rà soát lại dự án theo kiến nghị của Thanh tra TP, sau khi Thanh tra TP tổ chức kiểm tra, rà soát tổng thể dự án BT (Xây dựng - Chuyển giao) đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ) và các dự án khác để hoàn vốn dự án BT. Vì vậy, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định 4301/QĐ-UBND tạm dừng thực hiện Quyết định 5269/QĐ-UBND của UBND TP về việc điều chỉnh một số nội dung tại Quyết định 3128/2008/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hà Tây (cũ) đối với Khu đô thị (KĐT) Thanh Hà – Cienco 5.

Trước đó, qua kiểm tra, rà soát tổng thể dự án BT đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây và các dự án khác để hoàn vốn dự án BT, Thanh tra TP Hà Nội đã kiến nghị UBND TP chờ ý kiến của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an; Ý kiến chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội và Thủ tướng Chính phủ để giải quyết những vướng mắc tại dự án này. Đồng thời cũng kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND TP ra văn bản tạm dừng thực hiện Quyết định 3128, 3129, 3130 ngày 30/7/2008 của UBND tỉnh Hà Tây (cũ) và Quyết định 5269 ngày 25/11/2020 của UBND TP Hà Nội.

Theo tìm hiểu, dự án KĐT Thanh Hà – Cienco 5 nằm trên địa bàn quận Hà Đông và huyện Thanh Oai, được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 tại các Quyết định số 479, 480 ngày 4/3/2008 giao cho Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5) làm chủ đầu tư, theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng (hợp đồng BT – PV), quy mô lập diện tích quy hoạch trên 582ha; và được UBND TP Hà Nội phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 tại Quyết định 3229/QĐ-UBND ngày 13/7/2015 gồm 3 khu: KĐT Thanh Hà A – Cienco 5; KĐT Thanh Hà B – Cienco 5 và KĐT Mỹ Hưng. Đồng thời, UBND TP Hà Nội cũng cho phép đầu tư dự án căn cứ theo các quyết định số 961 và 964 ngày 17/4/2008.

Tại Quyết định 5269/QĐ-UBND, ngày 25/11/2020, UBND TP Hà Nội đã cho phép điều chỉnh một số nội dung ghi tại quyết định số 3128 ngày 30/7/2008 của UBND tỉnh Hà Tây (cũ) về một số nội dung, như: Tên người sử dụng đất; Chuyển mục đích sử dụng thành đất phi nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Mỹ Hưng - Cienco 5 từ Công ty CP phát triển địa ốc Cienco 5 thành Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 - CTCP.

Bảo Châu (t/h)

Theo Chất lượng và Cuộc sống