Thị xã 10 tuổi cách TP. HCM 90km sắp 'lên chức', tiếp thêm 'sức' cho khát vọng của tỉnh nhà

Thị xã đã triển khai quyết liệt các dự án, kiểm soát được tình hình kinh tế - xã hội ở địa phương và có lộ trình cụ thể hướng đến mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc tỉnh đến năm 2030.

Ngày 10/4, UBND tỉnh Tiền Giang làm việc với UBND thị xã Cai Lậy về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. 

Năm 2023, thị xã Cai Lậy thực hiện đạt và vượt 19/22 chỉ tiêu thị xã đề ra. Trong 2 tháng đầu năm 2024, thị xã Cai Lậy thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 119,910 tỷ đồng. Trong đó, thu ngân sách từ kinh tế địa phương đạt 36,121 tỷ đồng, đạt 19,42% kế hoạch, tăng 158,45% so với cùng kỳ. Thị xã Cai Lậy có 90 công trình đầu tư công, tổng mức đầu tư hơn 888 tỷ đồng, kế hoạch vốn giao hơn 196,6 tỷ đồng, đã giải ngân hơn 14,8 tỷ đồng, đạt 7,54% kế hoạch vốn giao.

Thị xã Cai Lậy hướng đến trở thành thành phố trực thuộc tỉnh. Ảnh: Văn Thuận
Thị xã Cai Lậy hướng đến trở thành thành phố trực thuộc tỉnh. Ảnh: Văn Thuận

Thị xã cũng đã xây dựng kế hoạch, lộ trình để các xã Mỹ Hạnh Trung và Tân Hội đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2024.

Với cụm công nghiệp Mỹ Phước Tây, UBND thị xã Cai Lậy đã chấm dứt hoạt động cụm công nghiệp Mỹ Phước Tây và đang phối hợp hợp với các cơ quan liên quan để trình thẩm định và phê duyệt theo quy định, tổ chức lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án.

Để hướng tới mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc tỉnh đến năm 2030, thị xã Cai Lậy kiến nghị UBND tỉnh và các sở, ngành để thị xã hoàn thành các tiêu chuẩn của đô thị loại III chưa đạt và xây dựng đô thị Cai Lậy là đô thị trung tâm vùng phía Tây của tỉnh. Bên cạnh đó, thị xã đề nghị UBND tỉnh xem xét bổ sung vốn kế hoạch đầu tư công năm 2024 đối với 2 dự án Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Phú Quý, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Thanh Hòa. Đồng thời, thị xã đề nghị UBND tỉnh bổ sung xã Tân Hội và xã Mỹ Hạnh Trung vào kế hoạch hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao năm 2024. 

Một số dự án giao thông cũng đã được thị xã Cai Lậy đề nghị bổ sung như: Đường huyện 58B (Võ Việt Tân nối dài), đường Tây Mỹ Long - Bà Kỳ (đoạn từ cầu Kênh Ban Chón đến đường huyện 49), đường 30-4 (từ cầu ấp Bờ 5 đến cầu Thanh Niên), đường Bà Thửa - xã Tân Bình, mở rộng đường huyện 59, nâng cấp trải nhựa đường huyện 54B (Đông Ba Rài), đường huyện 61.

Thị xã Cai Lậy kiến nghị các sở, ngành tạo điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ảnh minh họa
Thị xã Cai Lậy kiến nghị các sở, ngành tạo điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ảnh minh họa

Theo quy hoạch tỉnh Tiền Giang, đến năm 2030, tỉnh có thêm 2 thành phố là Gò Công và Cai Lậy, huyện Châu Thành định hướng lên thị xã.

Với thị xã Cai Lậy, trong tầm nhìn phát triển chung của tỉnh, khi tiến lên thành phố, nới đây sẽ là đô thị có vị trí trung chuyển trong giao thương khu vực phía Tây của tỉnh Tiền Giang và tác động đến phía Tây Nam vùng Đồng Tháp Mười. Bên cạnh đó, địa phương cũng sở hữu các tiềm năng phát triển về thương mại - dịch vụ có tính đầu mối trung chuyển, công nghiệp chế biến - kho vận nông sản, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, phát triển xây dựng đô thị, phát triển kinh tế vườn. Từ đó, thị xã đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao chất lượng phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương cũng như toàn tỉnh. Với sự quan tâm và đầu tư của tỉnh Tiền Giang, thị xã Cai Lậy sẽ “cất cánh” phát triển thành một đô thị công nghiệp và du lịch, góp phần vào hành trình hiện thực hóa khát vọng phát triển của tỉnh nhà.

Thị xã Cai Lậy thành lập ngày 26/12/2013, nằm ở phía Tây tỉnh Tiền Giang, cách thành phố Mỹ Tho khoảng 30km, cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 90km, có phía Đông giáp huyện Châu Thành, phía Tây và phía Nam giáp huyện Cai Lậy, phía Bắc giáp huyện Tân Phước.

Chi Chi

Theo Chất lượng và cuộc sống