Thị xã duy nhất lên thành phố rồi trở thành quận: Có ngôi làng là cái nôi lụa gấm của Việt Nam, được ví như tấm áo giáp vững chắc trực tiếp bảo vệ Thủ đô

Hiện đây là một trong những địa phương có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội nhanh nhất Thủ đô.

Có lẽ không ít người đã biết tới danh tiếng lụa Hà Đông qua thơ Nguyên Sa được nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên phổ nhạc:

Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát

Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông…

Hà Đông là vùng đất địa linh nhân kiệt trải từ sông Đáy đến sông Nhuệ. Xưa, làng Cầu Đơ thuộc huyện Thanh Oai, phủ Ứng Hòa nổi tiếng với cây cầu Đơ sơn trắng toát, mái ngói đỏ tươi bắc qua dòng sông Nhuệ xanh trong. Năm 1831, vua Minh Mạng chọn vùng đất bao bọc bởi sông Đáy, sông Tô Lịch và sông Hồng để lập ra tỉnh Hà Nội, lấy thành Thăng Long làm tỉnh lỵ.

Cảnh chợ Cầu Đơ. Ảnh tư liệu Trung tâm Lưu trữ quốc gia
Cảnh chợ Cầu Đơ. Ảnh tư liệu Trung tâm Lưu trữ quốc gia

Năm 1884, Pháp lập ra TP. Hà Nội, gồm thành Thăng Long và các phố cổ bao quanh, đến năm 1888 chiếm luôn làm nhượng địa. Năm 1896, vua Thành Thái gom phần đất phía Tây Nam TP. Hà Nội lập ra tỉnh Cầu Đơ, tỉnh lỵ đóng tại làng Cầu Đơ.

Năm 1902, Pháp lấy thêm những vùng đất cao ráo xung quanh TP. Hà Nội, lập ra tỉnh Hà Nội mới. Năm 1904, Toàn quyền Đông Dương chủ trương thay các địa danh quê kệch bằng những cái tên văn vẻ mỹ miều. Có vài đề xuất đưa lên và đề xuất của Đốc học Cầu Đơ là Vũ Phạm Hàm được chọn. Ngày 6/12/1904, Toàn quyền Đông Dương đã ra nghị định đổi tên Cầu Đơ thành Hà Đông. 

Vì đổi tên tỉnh nên trị sở Cầu Đơ cũng đổi thành trị sở Hà Đông, từ đó trong các văn bản hành chính không còn tên Cầu Đơ và cho đến nay tên này chỉ còn trong sử sách. Năm 1940, tỉnh lỵ Hà Đông đổi thành thị xã với hai khu phố là Hà Văn và Hà Cầu đặt dưới sự quản lý của cơ quan hành chính gọi là Hội đồng thị xã. Ngày 21/4/1965, tỉnh Sơn Tây sáp nhập vào Hà Đông gọi là tỉnh Hà Tây, lấy thị xã Hà Đông làm thủ phủ.

Quận Hà Đông khi về đêm
Quận Hà Đông khi về đêm

Ngày 27/12/2006, Hà Đông được phê duyệt từ thị xã lên thành phố trực thuộc Hà Tây. Chưa đầy 3 năm sau, từ ngày 8/5/2009, Hà Đông lại trở thành một quận của Hà Nội sau khi Hà Tây nhập về Thủ đô. Hơn 1 thế kỷ qua, Hà Đông được xem như tấm áo giáp vững chắc, cửa ngõ đặc biệt quan trọng, vành đai trực tiếp bảo vệ Thủ đô. 

Hiện nay, Hà Đông là một quận nội thành của thủ đô Hà Nội. Quận nằm giữa sông Nhuệ và sông Đáy, cách trung tâm Hà Nội 12km về phía Tây Nam. Đây vốn là một vùng đất giàu truyền thống lịch sử - văn hóa và nay là một trong những địa phương có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội nhanh của Hà Nội.

Quận Hà Đông có hệ thống giao thông phong phú, có nhiều tuyến quốc lộ đi qua bao gồm quốc lộ 6, quốc lộ 21B, quốc lộ 21C. Đây là đầu mối giao thông quan trọng đi các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên.

Hà Đông là nơi các tuyến đường sắt đô thị Hà Nội đi qua như Cát Linh - Hà Đông, Nội Bài - Ngọc Hồi, Mê Linh - Ngọc Hồi. Trong đó, tuyến Cát Linh - Hà Đông đã chính thức hoạt động từ tháng 11/2021
Hà Đông là nơi các tuyến đường sắt đô thị Hà Nội đi qua như Cát Linh - Hà Đông, Nội Bài - Ngọc Hồi, Mê Linh - Ngọc Hồi. Trong đó, tuyến Cát Linh - Hà Đông đã chính thức hoạt động từ tháng 11/2021

Quận hiện đang tiếp tục xây dựng nhiều tuyến đường mới. Điển hình là dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội có mức đầu tư lên đến 86.000 tỷ đồng. Trong đó, phần đi qua quận Hà Đông có chiều dài khoảng 5,5km. Sau nhiều tháng thi công, khung tuyến đã được cơ bản hình thành.

Hiện Hà Đông là địa bàn đặt trụ sở của nhiều cơ quan trung ương, các sở ban ngành TP. Hà Nội như Trụ sở Tiếp công dân Trung ương, Viện Nghiên cứu Thống kê, Văn phòng Thành ủy Hà Nội, Sở Tư pháp Hà Nội, Trung tâm Văn hóa TP. Hà Nội…

Với truyền thống văn hóa được bồi đắp qua nhiều thế hệ cùng với sự phát triển nhanh chóng, Hà Đông đã trở thành điểm đến vừa truyền thống vừa hiện đại thu hút du khách.

Làng lụa Vạn Phúc

Làng lụa Vạn Phúc nay thuộc phường Vạn Phúc, là một trong những làng nghề lâu đời bậc nhất Việt Nam
Làng lụa Vạn Phúc nay thuộc phường Vạn Phúc, là một trong những làng nghề lâu đời bậc nhất Việt Nam

Làng Vạn Phúc xưa là làng Việt cổ (nhất thôn, nhất xã) có nghề dệt lụa nổi tiếng từ lâu đời (hơn 1.000 năm). Lụa ở đây có đặc điểm mềm, mỏng, nhẹ, thoáng mát nhưng không rạn, nhăn; qua thời gian màu không phai, hoa văn vẫn sắc nét, sợi lụa không bị xê dịch. Bởi vậy, lụa Vạn Phúc xưa kia chỉ dành để may y phục cho vua chúa và các gia đình quan lại quyền quý.

Khoảng 20 năm đổ về trước, lụa Vạn Phúc là điểm đến ưa thích của cả người Hà Nội lẫn khách phương xa đến Hà Nội. Ngôi làng nhỏ yên bình nằm cách trung tâm Hà Nội hơn 10km, được trang trí bằng những tấm lụa dệt đủ màu sắc, những chiếc áo, chiếc khăn, chiếc túi đẹp đẽ, tinh xảo. Người ta có thể dễ dàng lựa chọn một sản phẩm nơi này như một món quà tặng sang trọng khi trở về.

Làng rèn Đa Sỹ

Cái tên Đa Sỹ được dùng cho tới ngày nay mang ý nghĩa là vùng đất khoa bảng với nhiều tiến sĩ. Làng Đa Sỹ là nơi sản sinh ra 11 tiến sĩ, 1 Lưỡng quốc Trạng nguyên được lưu danh trên văn bia Quốc Tử Giám.

Với trí tuệ, tài năng, người Đa Sỹ tạo nên những sản phẩm rèn nổi tiếng phục vụ đời sống nhân dân. Các sản phẩm rèn Đa Sỹ từ con dao, cái kéo đến những sản phẩm nông cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp có mặt khắp mọi miền.

Năm 2001, làng rèn Đa Sỹ đã được cấp bằng công nhận làng nghề truyền thống, đền đáp cho những nỗ lực bền bỉ giữ lửa cho nghề suốt hàng trăm năm qua
Năm 2001, làng rèn Đa Sỹ đã được cấp bằng công nhận làng nghề truyền thống, đền đáp cho những nỗ lực bền bỉ giữ lửa cho nghề suốt hàng trăm năm qua

Aeon Mall Hà Đông

Aeon Mall Hà Đông là một trong những điểm đến ở quận Hà Đông rất được giới trẻ yêu thích. Trung tâm thương mại này thuộc phường Dương Nội, quận Hà Đông, có quy mô gần 10ha. 

Nơi đây quy tụ 220 gian hàng của đủ các thương hiệu, thỏa mãn nhu cầu mua sắm của du khách
Nơi đây quy tụ 220 gian hàng của đủ các thương hiệu, thỏa mãn nhu cầu mua sắm của du khách

Aeon Mall Hà Đông không chỉ là nơi để mua sắm, ăn uống mà còn là tụ điểm giải trí cực hot. Với 6 khu vui chơi, bạn có thể thỏa thích cùng hội bạn thân hoặc gia đình bung xõa thả ga...

Chùa Mậu Lương

Chùa Mậu Lương hay còn gọi là chùa Đại Bi
Chùa Mậu Lương hay còn gọi là chùa Đại Bi

Chùa Mậu Lương tọa lạc trong khuôn viên có diện tích hơn 2.000m2, tổng thể mặt bằng kiến trúc bao gồm tam quan, chùa chính, đền thờ, nhà tế, nhà khách và nhà hậu, được phân bố theo hình chữ Chi.

Chùa có hệ thống tượng Phật bằng đất sơn son thếp vàng, niên đại sớm nhất là thế kỷ XVII. Chùa còn lưu giữ một số hoa văn điển hình và đặc trưng như phù điêu bia đời Cảnh Hưng với tên Đại Bi tự bi lục.

Trán bia phía trước chạm rồng, kiểu nghệ thuật thời nhà Mạc, điểm xuyết quanh rồng là hạt tròn nổi cùng những cụm mây. Trán bia phía sau chạm phượng chầu mặt trăng, hình thức chạm phóng khoáng mang nét dân gian, cánh phượng như cánh chim, cánh gà bình thường, tượng trưng cho sự phồn thực, dân dã.

Quỳnh Như

Theo Chất lượng và cuộc sống