Thời cơ 10 năm có một để phát triển phân khúc nhà ở vừa túi tiền
Cả doanh nghiệp và người dân đều đang kỳ vọng sẽ có sự đột phá về chính sách để gia tăng nguồn cung nhà ở vừa túi tiền.
Thị trường đang chờ đợi quy định tại các luật mới gồm Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản sẽ tạo "hiệu ứng domino", giải quyết những vướng mắc của các dự án địa ốc, trong đó có nhà ở xã hội.
Bên cạnh việc chờ đợi sự tác động tích cực của các bộ luật mới, theo chuyên gia, để tăng nguồn cung phân khúc nhà ở bình dân, cần nhiều giải pháp đồng bộ khác. Trước hết là chữa bệnh “có tiền mà không tiêu được”, tăng tốc tiến độ giải ngân, đồng thời hạ lãi suất tại gói hỗ trợ 120 nghìn tỷ đồng.
Kết quả khảo sát thực tế từ Savill Việt Nam cho biết, nguồn cầu nhà ở dài hạn vẫn duy trì ở mức cao. Riêng Hà Nội, dự báo đến năm 2025, thành phố có thêm khoảng 157.000 hộ gia đình. Tuy nhiên, nguồn cung tương lai chỉ bao gồm 59.000 căn hộ các hạng, 9.000 nhà ở thấp tầng và 18.700 nhà ở xã hội dự kiến mở bán. Do đó, sẽ thiếu hụt 70.300 nhà ở.
Còn tại thị trường TP.HCM, báo cáo quý 1/2024 của CBRE đã chỉ ra, nguồn cung căn hộ đạt khoảng 500 căn, giảm 82% so với cùng kỳ, trong đó, nguồn cung chủ yếu từ các giai đoạn tiếp theo của các dự án đã mở bán vào năm 2023 và tiếp tục tập trung ở khu vực phía Đông thành phố và phân khúc trung cấp và cao cấp. Tuy nguồn cung giảm đáng kể so với cùng kỳ, tuy nhiên, tỷ lệ hấp thụ vẫn đạt mức 122,2%, cao hơn so với tỷ lệ hấp thụ trung bình trong vòng 3 năm là 116,9%, cho thấy nhu cầu nhà ở vẫn còn rất lớn.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA đề nghị Bộ Xây dựng khôi phục gói tín dụng 110.000 tỷ đồng (từng được Bộ Xây dựng đề xuất trước đó) để đạt mục tiêu xây tối thiểu một triệu căn nhà xã hội đến 2030. Ở gói này, lãi suất vay ưu đãi nhà ở xã hội là 4,8-5% một năm, thời hạn vay tối đa 25 năm, tương tự gói tín dụng 30.000 tỷ đồng áp dụng hơn 10 năm trước.
Đồng thời, để tăng sức hút với doanh nghiệp, ông Châu đề nghị dự thảo nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội tăng thêm lợi nhuận định mức lên 15%, thay vì 10% như trước, áp dụng cho doanh nghiệp tự tạo lập quỹ đất. Việc "cởi trói" cho doanh nghiệp là điều kiện tiên quyết để cải thiện nguồn cung sản phẩm, mở ra cơ hội mua nhà cho người dân.
Về phía doanh nghiệp, ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Địa ốc Hoàng Quân, cũng từng nhận định các chính sách tốt đang mang lại cho phân khúc này thời cơ "10 năm có một". “Có người muốn rót đến 1.000 tỷ vào Hoàng Quân để làm nhà ở xã hội, có người muốn rót 200 tỷ… Tôi tin rằng với sự ủng hộ này, cùng những chính sách mới thì nhà ở xã hội sẽ phát triển”, ông Tuấn nói.
Sự chạy đua của các doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ giúp nguồn cung phân khúc nhà ở vừa túi tiền có thể bùng nổ ở các thị trường vùng ven TP.HCM, Hà Nội trong 1-2 năm tới, giải tỏa "cơn khát" sở hữu nhà cho người dân có nhu cầu ở thực vốn đang lên tới đỉnh điểm trong thời gian qua.
Có thể thấy, phân khúc nhà ở vừa túi tiền đang ở trong thời điểm “thiên thời, địa lợi”, cùng sự quan tâm đặc biệt từ Chính phủ với đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội. Nếu có thêm các chính sách hỗ trợ tốt, khả năng tăng nguồn cung nhà ở bình dân từ đó giải “cơn khát” của người dân là hoàn toàn khả thi.