Thủ tướng: Cần có cơ chế để huy động nguồn lực tư nhân làm nhà ở xã hội
Tại phiên họp Chính phủ chuyên đề pháp luật tháng 2/2023 về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Thủ tướng yêu cầu cần có cơ chế hữu hiệu để huy động nguồn lực của khu vực tư nhân cho phát triển nhà ở xã hội, áp dụng linh hoạt cơ chế hợp tác công tư, phát triển dịch vụ hạ tầng để góp phần thực hiện hiệu quả hơn, nhanh hơn đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội tới năm 2030.
Chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề pháp luật tháng 2/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu đã cho ý kiến 3 đề nghị xây dựng luật, 4 dự án luật với nhiều nội dung quan trọng, khó, phức tạp, có tác động sâu rộng.
Đáng chú ý trong đó có dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), các đại biểu tập trung thảo luận về một số nội dung liên quan tới sở hữu, sử dụng nhà chung cư và phát triển xã hội.
Thủ tướng và các đại biểu nhấn mạnh yêu cầu cần đánh giá tác động thật kỹ lưỡng vì luật có tác động rất lớn đến xã hội và toàn dân, liên quan đến quyền hiến định của người dân về quyền sở hữu nhà ở; chính sách phát triển nhà ở; hướng tới tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc trong thực tế đang tồn tại;
Cùng với đó, cần bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật, đặc biệt là Luật Đất đai đang được sửa đổi; cải cách tối đa thủ tục hành chính, bảo đảm thuận lợi cho người dân tiếp cận, sở hữu, mua bán, chuyển nhượng nhà ở và tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong việc xây dựng, triển khai các dự án, chuyển nhượng dự án cho phù hợp với thực tiễn.
Đặc biệt, Thủ tướng và các đại biểu yêu cầu cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước về nhà ở, tăng cường vai trò của chính quyền địa phương trong việc chăm lo nhà ở cho người dân, nhất là nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, nhu cầu của từng địa phương, với tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau.
Theo Thủ tướng và các đại biểu, cần có cơ chế hữu hiệu để huy động nguồn lực của khu vực tư nhân cho phát triển nhà ở xã hội, nhất là áp dụng linh hoạt cơ chế hợp tác công tư, phát triển dịch vụ hạ tầng để góp phần thực hiện hiệu quả hơn, nhanh hơn đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội tới năm 2030.
Các chính sách ưu đãi nhà ở xã hội cần bảo đảm hài hòa lợi ích người dân, nhà nước và nhà đầu tư, công khai, thống nhất với quy định của Luật Đất đai đang sửa đổi, cần tính đúng, tính đủ các chi phí hợp lý, hợp lệ của doanh nghiệp, bảo đảm công khai, minh bạch để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư.
Đối với dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Thủ tướng và các đại biểu nhấn mạnh cần thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về quản lý và phát triển thị trường bất động sản; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người dân và doanh nghiệp, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể liên quan; vấn đề nào thị trường làm tốt thì nhà nước không cần can thiệp; cải cách thủ tục hành chính; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc, phát triển thị trường an toàn, lành mạnh, bền vững.
Đồng thời, các đại biểu đề nghị thiết kế các công cụ như quy hoạch, hoạt động giám sát, kiểm tra, khen thưởng, kỷ luật… để tăng cường quản lý nhà nước, hạn chế, giải quyết các vấn đề của thị trường bất động sản như lệch pha cung cầu, giá cả không hợp lý, không phù hợp với thu nhập người dân…
Về một số nhiệm vụ quan trọng thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu hoàn thiện đề nghị của Chính phủ về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh năm 2023, các bộ trưởng khẩn trương chỉ đạo tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các đề nghị xây dựng luật; gửi Bộ Tư pháp để tổng hợp đưa vào chương trình, hoàn thiện hồ sơ đề nghị, bảo đảm tiến độ, chất lượng.
Về chuẩn bị các nội dung cho kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, đối với các bộ, ngành có dự án luật trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình, bảo đảm tiến độ, chất lượng, kiên quyết không chậm, không lùi, không hoãn, không rút ra khỏi chương trình.
Đối với các bộ, ngành có dự án luật trình thông qua tại kỳ họp, Thủ tướng đề nghị các bộ trưởng chỉ đạo phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉnh lý, hoàn thiện; chủ động truyền thông chính sách, tạo sự đồng thuận khi trình cấp có thẩm quyền; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.