Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cần luật hóa định nghĩa “công trình hạ tầng”

Đề xuất tại “Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi”, chiều 20/2, đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đề nghị luật hóa định nghĩa “công trình hạ tầng".

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tác động trực tiếp đến mọi mặt của đời sống và của từng bộ, ngành, địa phương nói riêng, đặc biệt là đối với ngành Công Thương bởi đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt, tham gia vào tất cả các lĩnh vực hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; có thời gian sử dụng dài, hệ số sinh lời cao.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả, ông Diên đề nghị các đại biểu làm sâu sắc hơn những nội dung trọng tâm liên quan đến toàn bộ dự thảo Luật Đất đại (sửa đổi) nói chung và nhất là các nội dung liên quan đến phạm vi quản lý của Bộ Công Thương.

Đó là các vấn đề liên quan đến đất sử dụng trong hoạt động khoáng sản (dầu khí, than, khai thác mỏ và chế biến khoán sản); đất cụm công nghiệp; đất thương mại dịch vụ; đất phát triển hạ tầng chợ; đất sử dụng vào mục đích xây dựng công trình công cộng và đất sử dụng trong phạm vi bảo vệ và phạm vi phụ cận đập, hồ chứa nước thuộc công trình thủy điện...

Bộ Công Thương tổ chức “Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi”, với các nội dung trọng tâm theo từng nhóm đối tượng. Ảnh: Hà Anh.
Bộ Công Thương tổ chức “Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi”, với các nội dung trọng tâm theo từng nhóm đối tượng. Ảnh: Hà Anh.

Bộ Công Thương tổ chức “Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi”, với các nội dung trọng tâm theo từng nhóm đối tượng. Ảnh: Hà Anh.

Cùng với đó là vấn đề thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; người sử dụng đất, hộ gia đình sử dụng đất; căn cứ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Đồng thời, bàn về chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và nguyên tắc xác định giá đất, bảng giá đất, giá đất cụ thể; thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai…

Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị các nội dung trọng tâm cần được bàn thảo theo từng nhóm đối tượng là các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.

Đóng góp tại hội nghị, đại diện cho Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho rằng, Khoản 30 Điều 3, quy định: “Khu vực quản lý nghiêm ngặt chuyển mục đích sử dụng đất là khu vực không được thay đổi mục đích sử dụng đất, gồm: Đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên, khu bảo tồn thiên nhiên, khu di sản thiên nhiên, đất trồng lúa 2 vụ trở lên, đất quốc phòng, đất an ninh cần bảo vệ trừ những trường hợp đặc biệt quan trọng cần thu hồi đất để sử dụng vào mục đích công trình quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định và các công trình hạ tầng phục vụ quản lý chặt chẽ các khu vực này”.

Thực tế nhiều dự án trạm biến áp tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long được làm trong diện tích đất trồng lúa 2 vụ, nhiều vị trí hướng tuyến đường dây điện qua đất lúa 2 vụ do không thỏa thuận được các vị trí khác. Bên cạnh đó định nghĩa “công trình hạ tầng” chưa được quy định cụ thể, chưa được luật hóa, do đó rất khó khăn trong quá trình thực hiện.

Đề nghị luật hóa định nghĩa “công trình hạ tầng”, bao gồm "công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội”, trong đó có hạ tầng kỹ thuật gồm điện lực.

Tại hội nghị, Vụ Thị trường trong nước cho biết, theo quy định tại khoản 1, Điều 126Luật Đất đai hiện hành, có thể hiểu đất chợ không nằm trong các trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất.

Tuy nhiên, theo quy định của Luật Quản lý tài sản công các chợ do nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư đều là tài sản công: “Khoản 3. Điều 83: Việc cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng được thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản”.

Do đó, khi bán tài sản công gắn liền với đất thì thực hiện theo quy định của Luật Quản lý Tài sản công. Theo Điều 24 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý sử dụng tài sản công, việc bán tài sản công thực hiện theo hình thức đấu giá.

"Cần rà soát vấn đề này để bảo đảm sự thống nhất giữa Luật Quản lý sử dụng tài sản công và dự thảo Luật Đất đai. Những vướng mắc cần được quy định cụ thể luôn trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các địa phương", đại diệnVụ Thị trường trong nước kiến nghị.

Bộ Công Thương dự kiến sẽ hoàn thiện dự thảo Báo cáo kết quả lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 15/3/2023.

Hà Anh

Theo Doanh nghiệp Việt Nam