Thủ tướng Phạm Minh Chính: 'Không để xảy ra vụ việc tương tự SCB'

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu cần tiếp tục xử lý các ngân hàng yếu kém, kiểm soát nợ xấu hiệu quả, tránh không để xảy ra vụ việc tương tự ngân hàng SCB.

Đầu năm mới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi gặp gỡ và giao nhiệm vụ cho Ngân hàng Nhà nước và ngành ngân hàng trong năm 2025 và thời gian tới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt, với nhiều nhiệm vụ quan trọng như: tăng tốc, bứt phá hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 8%, phấn đấu để thời gian tới tăng trưởng 2 con số; tổ chức đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng; sắp xếp tổ chức bộ máy; tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước. Do đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành Ngân hàng phải bám sát các nhiệm vụ này, thực hiện hiệu quả Nghị quyết 01, Nghị quyết 02 năm 2025 của Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi gặp gỡ.  
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi gặp gỡ.  

Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng phải góp phần quan trọng giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo các cân đối lớn; giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay; tập trung tín dụng cho các ngành nghề, chương trình ưu tiên như Chương trình phát triển nhà ở xã hội, Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát; hướng tín dụng vào làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống là đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng, trong đó có tín dụng cho phát triển hạ tầng; thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng còn đề nghị ngành ngân hàng tích cực tiên phong thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nữa, kiểu mẫu hơn nữa, chú trọng xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành, tạo động lực, truyền cảm hứng cho các ngành khác trong chuyển đổi số, hướng tín dụng vào chuyển đổi số.

Lưu ý một số nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu cần tiếp tục xử lý các ngân hàng yếu kém, kiểm soát nợ xấu hiệu quả, tránh không để xảy ra vụ việc tương tự ngân hàng SCB.

Tính đến nay, NHNN đã hoàn tất chuyển giao bắt buộc đối với 4 ngân hàng yếu kém là Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Dầu Khí Toàn Cầu (GPBank), Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank), Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương (OceanBank, nay là MBV) và Ngân hàng thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (CB, nay là VCBNeo). Sau chuyển giao bắt buộc, CB, MBV, GPBank và DongA Bank là những ngân hàng TNHH MTV do các ngân hàng nhận chuyển giao sở hữu 100% vốn điều lệ.

Riêng đối với SCB, tại cuộc họp báo đầu tháng 1/2025 của NHNN, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết phương án tái cơ cấu SCB đang được xây dựng một cách tích cực. Đến nay, tình hình SCB đang được duy trì ổn định, đảm bảo được tiền gửi của người dân, cùng với đó tiến hành xử lý các sai phạm, yếu kém của ngân hàng và cá nhân gây ra, ông Tú nói.

Kể từ sau khi bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt từ cuối năm 2022, SCB liên tục thu hẹp quy mô hoạt động khi đóng cửa hàng loạt phòng giao dịch. Có những thời điểm, SCB đóng cửa tới 16 phòng giao dịch chỉ trong một tháng. Ngoài ra, SCB còn tạm dừng cung cấp một số dịch vụ như chính sách xếp hạng hội viên SCB Premier mới từ ngày 10/11 và dừng các ưu đãi đặc quyền dành cho hội viên dịch vụ ngân hàng cao cấp - SCB Premier từ ngày 10/12. SCB cũng thường xuyên thay đổi hạn mức rút tiền và chuyển tiền nhanh qua Napas 247.

Khánh Tú

Theo VietnamFinance