Thua kiện, chủ dự án Cocobay phải trả cho Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình gần 367 tỷ
Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HoSE: HBC) vừa công bố thông tin về việc nhận được phán quyết từ hội đồng trọng tài trong vụ kiện Công ty Cổ phần đầu tư Phát triển và Xây dựng Thành Đô (chủ dự án Cocobay Đà Nẵng).
Theo đó, Thành Đô buộc phải thanh toán cho Hòa Bình tổng số tiền gần 367 tỷ đồng của 12 hợp đồng thi công xây dựng công trình thuộc dự án khu nghỉ dưỡng và nhà ở cao cấp The Empire (tên thương mại là Cocobay) tại Đà Nẵng.
Cụ thể, số tiền phải thanh toán trên bao gồm tiền nợ gốc, còn lại là tiền lãi, phí luật sư và phí trọng tài.
Trong trường hợp quá 30 ngày từ ngày phán quyết có hiệu lực (6/1/2023), nếu Thành Đô không thanh toán số tiền này thì sẽ phải thanh toán tiền lãi do chậm thanh toán. Mức lãi suất là 11,5% - 14,6%/năm theo quy định tại các hợp đồng với số nợ gốc hơn 242 tỷ đồng, và 10%/năm với các số tiền còn lại.
Ngoài ra, Công ty luật ALB & Partners, đại diện cho Hòa Bình trong vụ kiện này, cho biết sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp pháp lý cần thiết nhằm thu hồi toàn bộ công nợ từ Thành Đô.
Liên quan đến Công ty Thành Đô, trước đó, ông Mai Huy Tân, Chủ tịch Công ty TNHH Nhịp Cầu Việt Đức, nhà đầu tư đang kẹt 700 tỷ đồng trong dự án Cocobay Đà Nẵng, cho biết ngày 22/1/2022, ông Nguyễn Đức Thành, Chủ tịch Công ty Thành Đô, đã ký và đóng dấu vào biên bản xác nhận công nợ với Công ty TNHH Nhịp Cầu Việt Đức là nhà đầu tư đã mua căn hộ condotel tại dự án Cocobay Đà Nẵng.
Tại đây, chủ đầu tư Thành Đô cam kết sẽ trả lại toàn bộ số tiền mà Thành Đô còn nợ Nhịp Cầu Việt Đức. Tuy nhiên, đến nay mọi thứ vẫn đứng yên tại chỗ. Tổng số tiền mà Công ty Thành Đô nợ ông Mai Huy Tân là hơn 700 tỷ đồng và các chủ sở hữu khác hơn 234,5 tỷ đồng. Tổng cộng, Công ty Thành Đô đang nợ các nhà đầu tư thứ cấp gần 1.000 tỷ đồng.
Theo ông Tân, trong hợp đồng mua bán đã ghi rõ cam kết Thành Đô phải giao sổ đỏ cho người mua trong vòng 50 ngày sau khi bàn giao bất động sản. Tuy nhiên, đến nay đã trên 1.800 ngày nhưng Thành Đô chưa bàn giao một sổ đỏ nào cho Nhịp Cầu Việt Đức và hàng nghìn chủ sở hữu khác. Đến nay, Thành Đô vẫn đổ lỗi cho cơ chế cấp sổ đỏ của UBND TP. Đà Nẵng vì họ đã hoàn thành nghĩa vụ quyền sử dụng đất.
Ông Mai Huy Tân cho biết, đến nay, ông vẫn chưa thấy phản hồi nào từ phía Công ty Thành Đô. Chính vì vậy, ông đã quyết định đưa đơn ra tòa để nhờ pháp luật vào cuộc để xử lý vụ việc, bởi ông cho rằng, Công ty Thành Đô không có thành ý hòa giải trong vụ việc này, do đó tòa án cần lên tiếng bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư thứ cấp.