Thua lỗ lớn, TCT Thép Việt Nam thâm hụt vốn chủ sở hữu hơn 1.000 tỷ đồng
Theo báo cáo tài chính Quý IV/2022 của Tổng Công ty Thép Việt Nam – Công ty Cổ phần (TVN), doanh thu đạt 8.099 tỷ đồng, giảm 27,19% so với cùng kỳ năm 2021.
Ngược với doanh thu, lợi nhuận gộp lại tăng lên 70,71% so với Quý IV/2021 đạt 309 tỷ đồng. Sau khi trừ các chi phí, TVN lỗ 410 tỷ đồng, trong khi đó năm 2021 chỉ lỗ 211 tỷ đồng.
Lũy kế năm 2022, doanh thu của TVN đạt 38.732 tỷ đồng, so với năm 2021 là 40.857 tỷ đồng. Sau khi trừ các chi phí, TVN lỗ 831 tỷ đồng, trong khi đó năm 2021 lại lãi 709 tỷ đồng.
Tính tới 31/12/2022, tổng tài sản của Vnsteel giảm 15,4% so với đầu năm, từ 27.394 tỷ đồng xuống còn 23.178 tỷ đồng. Trong đó, tài sản ngắn hạn chiếm 10.125 tỷ đồng và tài sản dài hạn đạt 13. 377 tỷ đồng.
Đáng chú ý trong cơ cấu tài sản dở dang dài hạn, Công ty thuyết minh chủ yếu 6.267,98 tỷ đồng liên quan dự án cải tạo và mở rộng sản xuất Công ty Gang thép Thái Nguyên – Giai đoạn 2.
Ngoài ra, tính tới cuối năm 2022, nợ phải trả của của TVN giảm mạnh từ 16.525 tỷ đồng xuống còn 13.362 tỷ đồng. Do làm ăn thua lỗ, vốn chủ sở hữu bị tụt giảm từ 10.869 tỷ đồng xuống còn 9.816 tỷ đồng (tức hụt 1.053 tỷ đồng).
Liên quan đến dự án cải tạo và mở rộng sản xuất Công ty Gang thép Thái Nguyên – Giai đoạn 2, vào giữa tháng 12/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) cho biết, đang tiến hành điều tra vụ án Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng và Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại dự án mở rộng sản xuất giai đoạn II - Công ty gang thép Thái Nguyên (TISCO).
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét và áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với 14 bị can về các tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" theo Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015 và tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" theo Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Cụ thể, có 9 bị can bị khởi tố về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" theo Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Các đối tượng này bao gồm: Đặng Văn Tập, nguyên Phó giám đốc Thường trực Ban Quản lý dự án TISCO; Đồng Quang Dương, nguyên Phó Giám đốc, kiêm Thư ký dự án TISCO; Nguyễn Trọng Khôi, nguyên Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam (VNS);
Trịnh Khôi Nguyên, nguyên Trưởng phòng Đầu tư phát triển VNS; Đỗ Xuân Hòa, nguyên Kế toán trưởng TISCO; Lê Thị Tuyết Lan, nguyên Phó phòng Kế toán - Thống kê - Tài chính TISCO; Uông Sỹ Bính, nguyên Phó phòng Kế toán - Thống kê - Tài chính TISCO; Nguyễn Văn Tráng, nguyên Ủy viên Ban kiểm soát VNS và Đặng Thúc Kháng, nguyên Ủy viên HĐQT kiêm Trưởng Ban kiểm soát VNS.
Có 5 bị can bị khởi tố về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" theo Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Các đối tượng này bao gồm: Lê Phú Hưng, nguyên Ủy viên HĐQT VNS; Nguyễn Minh Xuân, nguyên Ủy viên HĐQT VNS; Nguyễn Chí Dũng, nguyên Ủy viên HĐQT TISCO; Hoàng Ngọc Diệp, nguyên Ủy viên HĐQT TISCO và Đoàn Thu Trang, nguyên Ủy viên HĐQT TISCO.
Liên quan đến vụ xảy ra tại dự án cải tạo và mở rộng sản xuất giai đoạn II - Công ty Gang thép Thái Nguyên, Bộ Chính trị đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, nguyên Ủy viên Ban Cán sự Đảng, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ do những vi phạm, khuyết điểm liên quan tới dự án.
Trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, ông Hoàng Trung Hải đã có vi phạm, khuyết điểm khi cho một số ý kiến chỉ đạo đối với dự án Tisco II.