Thuế quan chưa ngã ngũ, nhà đầu tư đang lạc quan quá mức?

Chính sách thuế quan của Mỹ – từng là rủi ro tiềm ẩn giờ đây lại đang được thị trường chứng khoán đọc như một tín hiệu tích cực. Việc Tổng thống Donald Trump gia hạn thời điểm áp thuế dường như giúp nhà đầu tư có thêm thời gian để lạc quan và “tận hưởng” đà tăng.

Sau giai đoạn thận trọng, tâm lý nhà đầu tư chứng khoán toàn cầu đang chuyển sang trạng thái lạc quan, khi các yếu tố bất định tạm thời lắng xuống, nhường chỗ cho những tín hiệu tích cực về chính sách tiền tệ, dòng vốn và triển vọng phục hồi mạnh mẽ của thị trường IPO.

Trao đổi với Tạp chí Đầu tư Tài chính – VietnamFinance, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam chỉ ra rằng, chính “sự chưa chắc chắn” của câu chuyện thuế quan đang giúp thị trường “có thêm thời gian”. Cùng với đó, khả năng Fed đảo chiều chính sách lãi suất và sự sôi động trở lại của các đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) cũng góp phần tạo thêm lực đẩy mới cho thị trường chứng khoán.

“Sự chưa chắc chắn” giúp thị trường… lạc quan hơn

“Tuần qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gửi thư tới từng quốc gia rằng mức thuế dự kiến sẽ áp dụng nếu không đạt được thỏa thuận nào trước ngày 01/08/2025. Điều này đồng nghĩa với việc thời hạn áp thuế đã được gia hạn thêm – đúng như những gì chúng tôi dự báo trước đó. Các mức thuế vẫn chưa được chốt, nên quá trình đàm phán sẽ còn tiếp diễn, dù thời gian trì hoãn có thể ngắn và không kéo dài quá lâu”, ông Nguyễn Thế Minh nói về một trong những yếu tố tác động tích cực đến tâm lý thị trường thời gian gần đây.

Số liệu tổng hợp cho thấy, Việt Nam đang nắm lợi thế trong cuộc chơi thuế quan. Điều này khiến thị trường phản ứng tích cực và động thái rõ ràng nhất là việc khối ngoại đã đẩy mạnh mua ròng trở lại ngay sau khi ông Trump hé lộ thỏa thuận khung giữa hai bên.

Việt Nam đang có lợi thế về thuế quan (Nguồn: Yuanta Việt Nam)  
Việt Nam đang có lợi thế về thuế quan (Nguồn: Yuanta Việt Nam)  

Trong khi đó, tại các quốc gia khác, dù các mức thuế quan được công bố vẫn ở ngưỡng gây sốc nhưng thị trường lại tỏ ra không mấy lo ngại.

“Điều này cũng dễ hiểu, bởi thị trường dường như chưa tin rằng các mức thuế hiện tại là con số cuối cùng mà nhìn vào việc ông Trump vẫn đang cố gắng tiếp tục tìm kiếm các đàm phán có lợi”, ông Minh bình luận.

Theo vị chuyên gia, các cuộc đàm phán nhiều khả năng sẽ tiếp tục bị “delay” và có thể mốc thời gian chưa chắc đã là hạn chót nếu Tổng thống Trump chưa có được thỏa thuận ưng ý. Điều đó đồng nghĩa với việc thị trường sẽ có thêm thời gian để lạc quan và “tận hưởng” đà tăng.

Trạng thái hưng phấn của thị trường đang thể hiện rất rõ. Chỉ báo tâm lý của CNN cho thấy tâm lý ngắn hạn trên thị trường chứng khoán Mỹ đã bước vào vùng “lạc quan quá mức”.

Trong khi đó, số liệu từ Bank of America (BofA) cho thấy, nhà đầu tư đang phân bổ mạnh vào cổ phiếu. Cụ thể, tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục đầu tư của khách hàng tại nhà băng này đã lên tới 64%, tiệm cận vùng đỉnh lịch sử 66% ghi nhận trong năm 2021. Ở chiều ngược lại, tỷ lệ tiền mặt giảm xuống còn 10,7% – mức thấp nhất kể từ đầu 2021. Rõ rằng, khẩu vị rủi ro đang trở lại.

Nhà đầu tư đang phân bổ mạnh vào cổ phiếu (Nguồn: BofA)  
Nhà đầu tư đang phân bổ mạnh vào cổ phiếu (Nguồn: BofA)  

Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đang ghi nhận diễn biến tương tự. Ông Nguyễn Thế Minh dẫn dữ liệu từ Yuanta Việt Nam cho thấy, chỉ báo tâm lý ngắn hạn cũng đã tiến vào vùng lạc quan quá mức.

Về độ rộng thị trường, dù bên mua vẫn chiếm ưu thế nhưng giá trị ròng (tăng – giảm) đang dần thu hẹp. Đây là dấu hiệu cho thấy áp lực chốt lời bắt đầu xuất hiện, chủ yếu tại nhóm vốn hóa vừa và nhỏ. Trong khi đó, dòng tiền vẫn đang ưu tiên đổ vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là nhóm tài chính, cho thấy tình trạng phân hoá sẽ diễn ra trong giai đoạn này.

Chỉ báo tâm lý và Phân bổ dòng tiền (Nguồn: Yuanta Việt Nam)
Chỉ báo tâm lý và Phân bổ dòng tiền (Nguồn: Yuanta Việt Nam)
Kỳ vọng về chu kỳ tăng trưởng mới

 

Về trung và dài hạn, thị trường chứng khoán cũng đang ghi nhận nhiều yếu tố củng cố niềm tin về một chu kỳ tăng trưởng mới.

Thông tin về việc Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang chịu sức ép từ chức do duy trì lãi suất trong thời gian dài đang dấy lên kỳ vọng rằng chính sách tiền tệ sẽ sớm đảo chiều. Kịch bản này cũng có thể thay đổi nếu sức ép từ ông Trump đủ lớn vì hiện nay vị Tổng thống đang đối mặt với áp lực từ việc đàm phán thuế quan chưa được như kỳ vọng và nỗi lo lạm phát.

Dẫn số liệu từ CME Group, ông Nguyễn Thế Minh cho biết, xác suất Fed giảm lãi suất trong các tháng 9 và 10 tới đang gia tăng đáng kể. Nhìn lại lịch sử, vị chuyên gia cho rằng những lần cắt giảm lãi suất trong quá khứ đều để lại tác động rõ rệt tới thị trường tài chính.

Diễn biến chỉ số S&P500 sau khi Fed cắt giảm lãi suất (Nguồn: Goldman Sachs)  
Diễn biến chỉ số S&P500 sau khi Fed cắt giảm lãi suất (Nguồn: Goldman Sachs)  

“Trong lịch sử đã có 8 lần Fed giảm lãi suất sau khi giữ nguyên lãi suất trong 6 tháng. Trong đó, có 4 lần chỉ số S&P500 ghi nhận mức tăng trung vị trên 15% sau 12 tháng kinh tế tiếp tục tăng trưởng. Với 4 lần còn lại, chỉ số S&P500 ghi nhận mức giảm trung vị mạnh nhất 10% trong 6 tháng, sau đó hồi phục nhẹ nếu kinh tế suy thoái. Nhìn chung, trung bình của cả 8 lần cắt giảm lãi suất của Fed, chỉ số S&P500 đều tăng 6-7% sau 12 tháng cho dù kinh tế có suy thoái hay tăng trưởng”, ông Minh phân tích.

Không chỉ có kỳ vọng từ chính sách lãi suất, thị trường còn ghi nhận tín hiệu tích cực từ hoạt động IPO.

“Chỉ riêng trong nửa đầu năm nay, số lượng IPO tại Hoa Kỳ cao gần bằng cả năm 2024 (và gấp đôi so với nửa đầu năm 2024). Đây là dấu hiệu của một chu kỳ thị trường tốt đẹp”, ông Minh nói..

Theo vị chuyên gia, sự lên xuống của hoạt động IPO ít nhiều liên quan trực tiếp đến sự lên xuống của chu kỳ thị trường chứng khoán: hoạt động IPO tăng vọt trong thời kỳ đầu cơ, niềm tin và định giá cao và giảm mạnh trong thời kỳ lo sợ, bi quan và định giá thấp (tức là khi chi phí tài trợ vốn cổ phần cao hơn).

Góc nhìn dài hạn về thị trường IPO (Nguồn: SEC)  
Góc nhìn dài hạn về thị trường IPO (Nguồn: SEC)  

Tại Việt Nam, làn sóng IPO cũng đang trở lại. Ước tính, trong giai đoạn 2025-2027, tổng giá trị IPO có thể đạt mức 47,5 tỷ USD.

Cùng với đó, thị trường chứng khoán Việt Nam còn đón nhận thêm một lực đẩy khác: sự trở lại của dòng vốn ngoại. Từ phiên giao dịch 2/7, các nhà đầu tư nước ngoài đã bơm hơn 11.500 tỷ đồng vào thị trường, tập trung chủ yếu ở các cổ phiếu như SSI, FPT, SHB, HPG,…

Theo đại diện Yuanta Việt Nam, giai đoạn 12/2017 – 2018, thị trường Việt Nam cũng từng ghi nhận đà tăng mạnh nhờ dòng tiền ngoại, khi nhà đầu tư kỳ vọng Việt Nam sẽ được nâng hạng thị trường. Riêng trong năm 2018, khối ngoại mua ròng hơn 43.000 tỷ đồng, tập trung mạnh trong quý I trước khi đảo chiều bán ròng vào quý III – thời điểm kết quả đánh giá nâng hạng được công bố. Trường hợp tương tự cũng từng xảy ra ở các thị trường như Pakistan, cho thấy câu chuyện nâng hạng luôn là chất xúc tác mạnh đối với dòng vốn quốc tế.

Diễn biến dòng vốn ngoại từ 2018-2025 (Nguồn: YSradar)  
Diễn biến dòng vốn ngoại từ 2018-2025 (Nguồn: YSradar)  

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thế Minh cho rằng, không chỉ trông chờ vào yếu tố nâng hạng, vẫn còn nhiều lý do khác để dòng vốn ngoại trở lại Việt Nam: “Chênh lệch lợi suất trái phiếu chính phủ USD–VND đã thu hẹp, thuế quan có dấu hiệu hạ nhiệt và định giá thị trường Việt Nam vẫn đang ở mức thấp hơn so với nhiều thị trường khu vực, dòng vốn ngoại quay trở lại có thể không chỉ là vì các yếu tố ngắn hạn mà mang xu hướng trung hạn (trong 3 tháng tới)”.

Thái Hà

Theo VietnamFinance