Tiền mặt dự trữ của doanh nghiệp địa ốc: CEO Group, Long Giang Land đang 'bốc hơi' nhanh

Lượng tiền mặt dự trữ là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp địa ốc có thể trang trải các khoản chi phí, duy trì hoạt động. Tuy nhiên, nguồn tiền này đang cạn kiệt sau gần 2 năm chống chọi với dịch bệnh

Lượng tiền mặt dự trữ luôn đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hoạt động liên tục của mỗi doanh nghiệp. Đặc biệt, trong tình hình dịch bệnh diễn phiến phức tạp như hiện nay, việc sở hữu lượng tiền dự trữ (tiền và các khoản tiền gửi ngắn hạn) sẽ đảm bảo doanh nghiệp có thể trang trải các khoản chi phí, duy trì hoạt động đến khi các hoạt động mở bán trở lại bình thường.

Với các doanh nghiệp địa ốc, luôn cần nguồn vốn lớn, đặc biệt là tiền mặt, là một đặc tính bất di bất dịch cho dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, thế nhưng nguồn tiền này đang cạn kiệt sau gần 2 năm chống chọi với dịch bệnh.

Tiền mặt dự trữ của doanh nghiệp địa ốc: CEO Group, Long Giang Land đang 'bốc hơi' nhanh - Ảnh 1

Chẳng hạn tại Công ty CP Tập đoàn CEO (CEO Group - mã: CEO), tại ngày 30/6/2021 ghi nhận tiền và các khoản tương đương tiền giảm mạnh 63% so với đầu năm, chỉ còn 84 tỷ đồng. Thêm vào đó là khoản tiền gửi ngắn hạn còn hơn 550 tỷ đồng.

Như vậy, tổng lượng tiền dự trữ tại CEO đang nắm giữ ghi nhận hơn 634 tỷ đồng, trong khi hồi đầu năm con số này hơn 708 tỷ đồng, tương đương giảm 10%.

Nguồn: BCTC hợp nhất bán niên 2021 đã soát xét tại CEO  
Nguồn: BCTC hợp nhất bán niên 2021 đã soát xét tại CEO  
Được biết, 6 tháng đầu năm 2021, do kinh doanh dưới giá vốn, CEO báo lỗ sau thuế gần 165 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2020 lỗ hơn 110 tỷ đồng.

Thậm chí tại Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị Long Giang (mã: LGL) còn ghi nhận tiền và các khoản tương đương tiền bất ngờ giảm 93% so với đầu năm, chỉ còn vỏn vẹn hơn 4 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi ngân hàng giảm từ hơn 10 tỷ xuống còn hơn 3 tỷ đồng. Đặc biệt, các khoản tương đương tiền (tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn gốc không quá 3 tháng) không ghi nhận đồng nào.

Nguồn: BCTC hợp nhất quý 2/2021 tại LGL.    
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 2/2021 tại LGL.    
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2021, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của LGL âm hơn 128 tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm trong khi cùng kỳ dương hơn 446 tỷ đồng chủ yếu là do Công ty lỗ gần 120 tỷ đồng từ hoạt động đầu tư. Tuy nhiên, nhờ có hoạt động tài chính cầm cự nên LGL chuyển từ lỗ sang lãi  gần 5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ gần 6 tỷ đồng.

Tương tự tại Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú - Invest (mã: VPI) cũng ghi nhận tiền và các khoản tương đương tiền giảm 36% so với đầu năm, xuống còn hơn 625 tỷ đồng.

Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), không chỉ các doanh nghiệp địa ốc niêm yết trên sàn chứng khoán, tình trạng cạn tiền mặt cũng đang là vấn đề nan giải chung đối với tất cả các doanh nghiệp bất động sản ở thời điểm này.

Tại nhiều doanh nghiệp, nguồn tiền tích lũy từ nhiều năm kinh doanh trước đây đã được sử dụng hết để bù lỗ cho gần 2 năm qua, các cổ đông và nhà sáng lập phải huy động thêm vốn, thậm chí phải “vay nóng” để duy trì hoạt động của doanh nghiệp.

Một phần dự án Sonasea Vân Đồn Harbour City tại Quảng Ninh.  
Một phần dự án Sonasea Vân Đồn Harbour City tại Quảng Ninh.  
Đáng chú ý, trong bối cảnh sản phẩm tiêu thụ chậm, một số doanh nghiệp địa ốc đã chọn cách huy động vốn thông qua vay thêm nợ. 

Chẳng hạn, tổng nợ vay tại CEO chiếm 51% nợ phải trả, ghi nhận hơn 1.954 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Trong đó, vay nợ ngắn hạn gần 722 tỷ đồng và vay nợ dài hạn gần 1.233 tỷ đồng. Riêng ngân hàng BIDV hiện đang cho CEO Group vay gần 1.163 tỷ đồng.

Tương tự, tổng nợ vay tại VPI tính đến 30/6/2021 cũng tăng nhẹ 5% lên hơn 3.188 tỷ đồng, chiếm 46% nợ phải trả. Trong đó, vay nợ ngắn hạn hơn 1.363 tỷ đồng và vay nợ dài hạn gần hơn 1.825 tỷ đồng. 

Hà Phương (t/h)

Theo Sở hữu trí tuệ