Quỹ nợ ngày càng ‘phình to’, ‘đại gia bình nước nóng’ Sơn Hà huy động gần 300 tỷ đồng trái phiếu để cơ cấu nguồn vốn

Mới đây CTCP Quốc tế Sơn Hà (Mã CK: SHI) đã phát hành thành công 280 tỉ đồng trái phiếu trong bối cảnh doanh nghiệp đang rơi vào tình trạng ‘cạn vốn’, quỹ nợ thì ngày càng lớn (theo Báo cáo tài chính của Sơn Hà cho thấy khoản nợ phải trả của công ty đã gấp 2,5 lần vốn chủ sở hữu).

Quỹ nợ ngày càng ‘phình to’, ‘đại gia bình nước nóng’ Sơn Hà huy động gần 300 tỷ đồng trái phiếu để cơ cấu nguồn vốn - Ảnh 1

Huy động trăm tỷ để cơ cấu nguồn vốn

Nhắc đến Sơn Hà chắc hẳn nhiều người sẽ liên tưởng đến những sản phẩm quen thuộc như Bồn nước inox Sơn Hà, Bồn nhựa Sơn Hà, Máy nước nóng năng lượng mặt trời Thái Dương Năng, Chậu rửa inox Sơn Hà, Máy lọc nước R.O,…

Tuy nhiên, ít ai biết, tình hình dòng tiền tài chính từ việc kinh doanh của Sơn Hà lại không thực sự ‘phong phú’ như số lượng sản phẩm mang thương hiệu quen thuộc này. Mới đây để có thêm nguồn tiền phục vụ cho hoạt động của doanh nghiệp, Sơn Hà đã huy động gần 300 tỷ đồng từ kênh trái phiếu.

Cụ thể, theo thông tin được công bố ngày 10/9 từ Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), CTCP Quốc tế Sơn Hà đã huy động thành công 280 tỷ đồng từ việc phát hành trái phiếu riêng lẻ. Cụ thể, số lượng trái phiếu phát hành là 2.800 trái phiếu có kỳ hạn 36 tháng kể từ ngày phát hành.

 Đây là loại hình trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền cho một công ty bảo hiểm trong nước. Lô trái phiếu này được bảo đảm bằng 38,5 triệu cổ phiếu SHI và 12 triệu cổ phần của CTCP Tập đoàn Toàn Mỹ (TMY) – thành viên của SHI. Lãi suất áp dụng cho năm đầu tiên của lô trái phiếu là 11%/năm. Thương vụ được thu xếp bởi Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và CTCP Chứng khoán BIDV (BSC).

Sơn Hà công bố thông tin về kết quả đợt phát hành 2.800 trái phiếu riêng lẻ.  
Sơn Hà công bố thông tin về kết quả đợt phát hành 2.800 trái phiếu riêng lẻ.  

Phía Sơn Hà cũng cho biết, mục đích của đợt phát hành nhằm cơ cấu lại nguồn vốn hoạt động và đầu tư các dự án khác của doanh nghiệp.

Về danh sách nhà đầu tư mua lô trái phiếu này của Sơn Hà hoàn toàn do nhà đầu tư trong nước mua lại với tỷ lệ 100%.

Quỹ nợ ngày càng ‘phình to’, ‘đại gia bình nước nóng’ Sơn Hà huy động gần 300 tỷ đồng trái phiếu để cơ cấu nguồn vốn - Ảnh 2

Hiện tại, Sơn Hà đang đẩy mạnh lĩnh vực bất động sản công nghiệp (lĩnh vực cần lượng tài chính đầu tư cực kỳ lớn) với dự án trọng điểm là Khu công nghiệp Tam Dương I – Vĩnh Phúc. Dự án có diện tích 162 ha. tổng mức đầu tư của dự án là hơn 1.576 tỷ đồng. Trong đó, vốn góp của Sơn Hà để thực hiện dự án gần 524 tỷ đồng bằng tiền, chiếm 33,2% tổng vốn và vốn vay ngân hàng và vốn huy động hợp pháp khác để dự hiện dự án hơn 1.050 tỷ đồng, chiếm 66,8% tổng vốn. Tiến độ huy động vốn góp thực hiện từ 2021-2022.

Sơn Hà đang dùng đòn bẩy tài chính quá lớn

Theo thông tin được công bố từ Báo cáo tài chính mới được Sơn Hà công bố cho thấy, Luỹ kế nửa đầu năm 2021, SHI ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.286 tỉ đồng, tăng 38,9% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 81 tỉ đồng, tăng gấp 3,3 lần so với cùng kỳ năm 2020.

Tuy nhiên, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ của SHI âm tới 284,5 tỉ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái dương 5,5 tỉ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do số dư hàng tồn kho và các khoản phải thu tăng mạnh trong kỳ.

Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất soát sét 6 tháng đầu năm 2021 của Sơn Hà.  
Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất soát sét 6 tháng đầu năm 2021 của Sơn Hà.  

Cụ thể, tính đến ngày 30/6/2021, các khoản phải thu ngắn hạn của SHI đạt 2.173,7 tỉ đồng, tăng 15% so với đầu năm, trong đó chủ yếu là các khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng (1.895,5 tỉ đồng). Tương tự, số dư hàng tồn kho của SHI cũng tăng 13,6% so với đầu năm 2021, đạt mức 1.196,5 tỉ đồng. Tổng cộng, hai khoản mục này đã chiếm tới 70,2% quy mô tổng tài sản của SHI tại thời điểm cuối quý 2/2021.

Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất soát sét 6 tháng đầu năm 2021 của Sơn Hà.    
Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất soát sét 6 tháng đầu năm 2021 của Sơn Hà.    

Trong khi đó, SHI cũng đang chịu áp lực lớn từ nguồn vốn vay. Tại ngày 30/6/2021, nợ phải trả của SHI đạt 3.405,5 tỉ đồng, tăng 7% so với đầu năm. Tỉ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu đạt gần 2,5 lần.

Trong đó, riêng số dư nợ vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn của SHI đã lên tới 2.178,5 tỉ đồng, gấp gần 1,6 lần quy mô vốn chủ sở hữu. Ngoài ra, công ty này còn có hơn 213 tỉ đồng vay và nợ thuê tài chính dài hạn.

Thêm vào đó, như đã đề cập ở trên, việc lấn sân sang một lĩnh vực cần dòng tiền tài chính cực dồi dào là bất động sản công nghiệp cũng có thể sẽ khiến tình hình kinh doanh của Sơn Hà ‘lâm nguy’ nếu không thực sự có những bước đi đúng đắn.

Nói về việc chuyển mình sang lĩnh vực mới là bất động sản. Hồi tháng 5/2021, Công ty Cổ phần Quốc tế Sơn Hà cũng đã thông qua nghị quyết về việc góp vốn thành lập Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản Sơn Hà.

Theo đó, Công ty BĐS Sơn Hà có vốn điều lệ là 150 tỷ đồng. Trong đó Sơn Hà đóng góp 45 tỷ đồng (tương đương 30% vốn điều lệ). Người đại diện quản lý phần vốn góp của Sơn Hà tại BĐS Sơn Hà là bà Trần Kim Dung – Phó chủ tịch HĐQT Sơn Hà.

Với việc lấn sân sang Bất động sản , Sơn Hà đang từng bước hiện thực hóa tham vọng trong lĩnh vực mới với việc mở rộng quỹ đất, đầu tư nhiều dự án tại các tỉnh. Ngoài dự án trọng tâm là Khu công nghiệp Tam Dương I – Vĩnh Phúc thì vào cuối tháng 7/2021, UBND tỉnh Lạng Sơn đã chấp thuận chủ trương, đồng ý tiếp nhận kinh phí tài trợ của CTCP Quốc tế Sơn Hà (Mã CK: SHI) để tổ chức lập quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2.000 Khu đô thị dịch vụ, thể dục thể thao Mai Pha – Tân Liên – Gia Cát.

Được biết dự án này có quy mô nghiên cứu lập quy hoạch gần 900 ha, thuộc địa phận xã Mai Pha, TP Lạng Sơn và xã Tân Liên, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc. Quy mô dân số dự kiến của khu đô thị khoảng 50.000 – 60.000 người.

Quang Anh

Theo Kinh doanh & Phát triển