Cho phép kéo dài thời gian cơ cấu nợ thêm 6 tháng
Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng kéo dài thời gian cơ cấu nợ thêm 6 tháng so với quy định cũ, tới 30/6/2022.
Ngày 7/9, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 14/2021, sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Theo đó, Thông tư 14 sửa đổi phạm vi khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí theo hướng bao gồm cả khoản nợ phát sinh từ 10/6/2029 đến trước ngày 1/8/2021 (thay vì chỉ bao gồm các khoản nợ phát đến trước ngày 10/6/2020 như quy định tại Thông tư 01).
Thông tư 14 cũng sửa đổi phạm vi thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi phí đối với nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến ngày 30/6/2022, thay vì đến ngày 31/12/2021 như Thông tư 01.
Cũng tại Thông tư này, NHNN sửa đổi giới hạn thời gian việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí đến ngày 30/6/2022, tức gia hạn thêm 6 tháng so với quy định tại Thông tư 01.
Báo cáo Điểm lại cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam ấn bản tháng 8/2021 do Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam công bố mới đây đã đưa ra cảnh báo ngành ngân hàng cần thận trọng vì tác động của Covid-19 chưa được phản ánh hết trên sổ sách do chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Bên cạnh đó, con số bình quân có thể che đi các vấn đề mà mỗi ngân hàng đang phải đối mặt.
Báo cáo của WB nhận định, tỷ lệ dư nợ tín dụng trên GDP đạt mức 136% năm 2019, tăng mạnh lên 146% tính đến cuối năm 2020 làm gia tăng nguy cơ cho các ngân hàng, do quan hệ với những ngành kinh tế bị ảnh hưởng như du lịch, hàng không, và có thể cả bất động sản. Điều này được minh chứng là chất lượng khoản vay bắt đầu có dấu hiệu xấu đi ở một số ngân hàng.
WB khuyến cáo cần xây dựng một hệ thống cảnh báo sớm để xác định những nguy cơ tiềm năng ở từng ngân hàng và cả hệ thống. Các cấp có thẩm quyền cần xây dựng chiến lược chấm dứt các biện pháp cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ rõ ràng. Việc triển khai thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ có thể che lấp một phần mức độ dễ bị tổn thương của bên vay và các ngân hàng, vì vậy cần được theo dõi chặt chẽ.
Điều cần làm nữa là sớm ban hành kế hoạch xử lý nợ xấu, không cho phép gánh nặng nợ xấu kéo dài trong hệ thống ngân hàng vì nó có thể hạn chế vai trò hỗ trợ tăng trưởng bao trùm của hệ thống ngân hàng.
Thêm vào đó, cũng cần có cơ chế rõ ràng để xử lý những ngân hàng yếu kém và đang gặp khó khăn, đồng thời tiếp tục tái cơ cấu vốn các ngân hàng để đáp ứng các yêu cầu của chuẩn Basel II.