Tiến tới quản lý thuế dựa trên dòng tiền
Theo Phó tổng cục trưởng Vũ Chí Hùng, quy định quản lý thuế phải được rà soát, sửa đổi tạo cơ sở pháp lý cho việc ứng dụng các công nghệ kỹ thuật mới như AI, Bigdata... trong quản lý thuế, sử dụng cơ sở dữ liệu bên thứ ba, khấu trừ thuế tại nguồn... tiến tới quản lý thuế dựa trên dòng tiền.
Ngày 22 - 23/4, Tổng cục Thuế tổ chức Hội nghị triển khai công tác Cải cách Hiện đại hoá và Chuyển đổi số ngành thuế năm 2024.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Vũ Chí Hùng cho biết, trong bối cảnh Chính phủ chỉ đạo quyết liệt thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử/Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số, tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ trong nền kinh tế - xã hội nước ta trong thời gian tới. Điều đó đặt ra cho cơ quan thuế rất nhiều thách thức trong công tác quản lý.
Một mặt, ngành Thuế tiến hành các chương trình cải cách hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ mới để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong nội bộ cơ quan Thuế, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý thuế, vừa cung cấp các dịch vụ hỗ trợ người nộp thuế trong môi trường số hóa.
Mặt khác, toàn ngành cũng phải nghiên cứu, tìm kiếm các biện pháp/giải pháp quản lý thuế đối với các hoạt động kinh tế mới phát sinh, phi truyền thống trong bối cảnh nền kinh tế số, với những hoạt động thương mại điện tử, giao dịch xuyên biên giới, dịch vụ kỹ thuật số, hay các mô hình hoạt động gọi là kinh tế chia sẻ, kinh tế nền tảng kết nối các hoạt động (platform economy)...
“Đây là những thách thức rất lớn với cơ quan thuế để theo kịp sự phát triển của nền kinh tế và đáp ứng các mục tiêu, yêu cầu của Chiến lược cải cách Thuế trong điều kiện Chuyển đổi số, các quy định về chính sách Thuế, thể chế về quản lý thuế cũng phải được cơ quan Thuế rà soát, đề xuất Bộ Tài chính/Chính phủ/Quốc hội sửa đổi, bổ sung”, Phó tổng cục trưởng Vũ Chí Hùng nhấn mạnh.
Theo ông Vũ Chí Hùng, hiện các văn bản hướng dẫn chính sách thuế (Thuế VAT, TNDN, TTĐB) và các quy định về quản lý thuế (Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành), pháp luật quản lý thuế phải được rà soát, sửa đổi để quản lý thuế có hiệu quả đối với các hoạt động thương mại điện tử, cung cấp dịch vụ kỹ thuật số... và tạo cơ sở pháp lý cho việc ứng dụng các công nghệ kỹ thuật mới như AI, Bigdata... trong quản lý thuế, sử dụng cơ sở dữ liệu bên thứ ba, khấu trừ thuế tại nguồn... tiến tới quản lý thuế dựa trên dòng tiền.
4 nội dung trọng tâm trong công tác cải cách và hiện đại hóa ngành Thuế năm 2024
1. Hiện đại hóa quản lý thuế gắn với Chương trình, kế hoạch Chuyển đổi số ngành thuế.
2. Định hướng sửa đổi Chính sách thuế, quản lý thuế đáp ứng yêu cầu Chiến lược cải cách và Chuyển đổi số ngành Thuế.
3. Cải cách về công tác quản lý cán bộ thực thi công vụ, tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong cơ quan thuế.
4. Công tác Quản trị Chiến lược: Áp dụng bộ Chỉ số đánh giá hiệu quả quản lý thuế và giám sát thực hiện Chiến lược cải cách thuế.