Tiếp cận gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng: Doanh nghiệp cần chính sách giãn nợ từ phía ngân hàng

Ông Hoàng Quốc Phong - Giám đốc Việt Team Group Đà Nẵng cho rằng điều kiện doanh nghiệp chỉ được vay vốn lãi suất 0% từ Ngân hàng chính sách xã hội để trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất khi không có nợ xấu tại thời điểm đề nghị vay vốn là

Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg về gói hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với tổng kinh phí 26.000 tỷ đồng. Trong đó có gói vay 7.500 dành cho hộ kinh doanh và doanh nghiệp. Tuy nhiên, tiếp tục có doanh nghiệp cho rằng đây là chính sách tốt, nhưng quy định khó, khiến doanh nghiệp khó tiếp cận gói vay.

Theo quy định, doanh nghiệp vay vốn lãi suất 0% từ Ngân hàng Chính sách xã hội để trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất; phải không có nợ xấu tại thời điểm đề nghị vay vốn. Mức vay tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng của người lao động, thời gian hưởng chính sách hỗ trợ tối đa 3 tháng, thời hạn vay vốn dưới 12 tháng.

Hồ sơ gồm giấy đề nghị vay vốn, danh sách lao động ngừng việc, bản sao công chứng hoặc bản sao kèm bản chính (để đối chiếu) một trong các loại giấy tờ sau: chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy phép kinh doanh, giấy phép đầu tư; danh sách lao động ngừng việc. Doanh nghiệp gửi hồ sơ đến BHXH xác nhận trong vòng 2 ngày, rồi chuyển Ngân hàng Chính sách xã hội để cơ quan này phê duyệt và giải ngân trong vòng một tuần tiếp theo.

Theo ông Hoàng Quốc Phong - Giám đốc Việt Team Group Đà Nẵng: “Khi nhận thông tin có gói cứu trợ cho doanh nghiệp chúng tôi rất vui mừng, nhưng khi đọc lại điều khoản quy định thì thấy khó vô cùng. Ví như, doanh nghiệp chỉ được vay vốn lãi suất 0% từ Ngân hàng chính sách xã hội để trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất khi không có nợ xấu tại thời điểm đề nghị vay vốn. Dường như điều kiện này không khả thi”.

Tiếp cận gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng: Doanh nghiệp cần chính sách giãn nợ từ phía ngân hàng - Ảnh 1

Ông Phong bày tỏ quan điểm: “Không nợ xấu mới được vay thì quá khó, tiêu chí này liệu có nhiều doanh nghiệp đáp ứng được không? Những doanh nghiệp không thể trả nợ, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ nguồn vốn mỏng. Đây cũng là những đối tượng cần nhận được hỗ trợ nhiều nhất, tuy nhiên vấn đề thủ tục đang là vật cản lớn ảnh hưởng đến tính hiệu quả của gói cứu trợ lần này”.

Bà Đinh Loan giám đốc Công ty Khôi Nguyên - Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Bình nhận xét: “Hiện tại, khối doanh nghiệp đang cần nhất gói hỗ trợ về lãi suất để tăng cường vốn, tăng dòng tiền trợ giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn. Theo tôi, trong thời điểm này là khoanh, giãn nợ cũ từ phía ngân hàng là điều chúng tôi cần nhất. Tôi được biết, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ tàu biển du lịch ở Quảng Ninh đã phải "than" rằng, vì những chính sách thu hồi nợ "không khoan nhượng" từ các tổ chức tín dụng đang dần đẩy họ vào cảnh bần cùng, bởi từ lúc dịch bệnh bùng phát ngành du lịch gần như "đóng băng", không tìm kiếm được nguồn thu”.

Tiếp cận gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng: Doanh nghiệp cần chính sách giãn nợ từ phía ngân hàng - Ảnh 2

“Dịch bệnh bùng phát bất ngờ, dòng tiền để trả nợ cũ tại thời điểm này chưa đảm bảo, nếu hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách khoanh nợ sẽ giúp doanh nghiệp trụ lại được trên thị trường. Chúng tôi, nhiều người đã bán nhà, cầm cố tài sản để trả cho ngân hàng. Với gói vay này chỉ là động viên tạm thời, để cứu doanh nghiệp, Chính phủ cần có bài toàn cùng ngân hàng, như giãn nợ, hay khoanh vùng nợ”, bà Loan nói.

Ông Đoàn Ngọc Tùng - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành Unesco Hà Nội chia sẻ: Dưới góc độ doanh nghiệp lữ hành tôi cảm nhận chính sách hỗ trợ của Chính phủ là rất thiết thực và đúng thời điểm đối với các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp du lịch nói riêng. Tuy nhiên, thực tế trong 2 năm nay, nhiều doanh nghiệp có làm ăn được gì, sản xuất đình trệ, khách hàng không có, thì lấy đâu ra tiền để không vướng vào nợ xấu với ngân hàng. Đến giờ phút này, để nói những doanh nghiệp còn“ thoi thóp” thở và cầm cự là không thể không nói đến chuyện không vướng nợ xấu với ngân hàng, hoặc tín dụng.

Cùng quan điểm ông Vũ Tuyên- CEO Travellogy Hà Nội nhận xét: “Gói hỗ trợ doanh nghiệp vay với lãi suất 0%. Theo quy định, doanh nghiệp phải không vướng nợ xấu. Tình hình dịch bệnh COVID-19 kéo dài gần 2 năm qua đã khiến phần lớn doanh nghiệp kiệt quệ, nhiều khoản vay khó trả, nợ cũ chồng nợ mới, thì còn có bao nhiêu doanh nghiệp không vướng nợ xấu. Tôi nghĩ, chắc hiếm vô cùng.”

Cũng theo ông Tuyên, chính sách lần này doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận với vốn vay, những điều kiện vay cũng được NHCSXH chỉnh sửa phù hợp hơn so với quy định cũ.

Theo đó, nếu doanh nghiệp muốn vay được gói tín dụng lãi suất 0% cần đảm bảo người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải là người ngừng việc từ 1 tháng liên tục trở lên, trong khoảng thời gian từ ngày 1/4/2020 đến hết ngày 31/12/2020; doanh thu quý I/2020 giảm 20% trở lên so với quý IV/2019 hoặc doanh thu quý liền kề trước thời điểm xét hưởng giảm 20% trở lên so với cùng kỳ năm 2019; không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm ngày 31/12/2019. Vốn vay phải được dùng để trả lương ngừng việc cho người lao động bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Với điều khoản: doanh nghiệp vay vốn lãi suất 0% từ Ngân hàng chính sách xã hội để trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất phải không có nợ xấu tại thời điểm đề nghị vay vốn. Doanh nghiệp sau đó gửi hồ sơ để BHXH xác nhận trong vòng 2 ngày, rồi chuyển Ngân hàng chính sách xã hội để cơ quan này phê duyệt và giải ngân trong vòng một tuần tiếp theo. So với gói 62.000 tỷ, chính sách mới bỏ điều kiện chứng minh doanh thu hoặc tài chính doanh nghiệp.

Với gói hỗ trợ 26.000 nghìn tỷ của Chính phủ hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng COVID- 19, trong đó có 7.500 tỷ dành cho doanh nghiệp đang gây ra sự tranh cãi. Theo nhiều chuyên gia, số lượng doanh nghiệp nhiều như hiện nay, gói vay đó không đáp ứng đủ. Bên cạnh đó, gói hỗ trợ còn nhiều điều phải bàn như quy định không nợ xấu, rồi nhân công phải cắt giảm… Với nhiều ý kến đưa ra, cái cần trong giai đoạn hiện nay là chính sách giãn nợ, hay khoanh vùng nợ từ phía ngân hàng, có như vậy doanh nghiệp mới tồn tại.

Thanh Loan

Theo Doanh nghiệp Việt Nam