Tìm hiểu ba ông chủ bỏ 900 tỷ làm 3 cụm công nghiệp ở Hà Nội.

Vừa qua, tại huyện Quốc Oai (Hà Nội) 3 cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề trên địa bàn xã Ngọc Mỹ - Thạch Thán, xã Nghĩa Hương và Ngọc Liệp đã được khởi công xây dựng.

Cụm công nghiệp làng nghề Ngọc Mỹ - Thạch Thán có quy mô 210.000m2, tổng mức đầu tư 438 tỷ đồng, do Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng DSG làm chủ đầu tư.

Cụm công nghiệp Nghĩa Hương có quy mô 120.000m2, tổng mức đầu tư 277 tỷ đồng, do Công ty TNHH Đầu tư Minh Hà làm chủ đầu tư.

Cụm công nghiệp Ngọc Liệp (phần mở rộng) có diện tích 95.000m2, tổng mức đầu tư 193 tỷ đồng, do Công ty cổ phần Xây dựng Giao thông Long Thành làm chủ đầu tư.

Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng DSG được thành lập ngày 21/7/2017, có địa chỉ tại số 18/44 phố Đỗ Quang, phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy, Hà Nội, do ông Ngô Đăng Tùng Sơn làm Chủ tịch HĐQT, đồng thời là người đại diện pháp luật.

Công ty có vốn điều lệ ban đầu khoảng 60 tỷ đồng, với 5 cổ đồng gồm: Công ty cổ phần Địa kỹ thuật Việt Nam (5%), Nguyễn Minh Đông (25%), Nguyễn Trường Giang (30%) và Ngô Đăng Tùng Sơn (35%)...

Tuy nhiên, chỉ sau 4 tháng thành lập, DSG đã tăng vốn từ 60 tỷ lên thành 286 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tỷ lệ vốn góp của các cổ đông cũng thay đổi. Theo đó, vốn góp của ông Nguyễn Trường Giang là 32%, ông Ngô Đăng Tùng Sơn là 31,5%, ông Nguyễn Minh Đông là 26,5%. Còn tỷ lệ vốn góp của 2 doanh nghiệp còn lại vẫn là 5% mỗi đơn vị.

Về chủ đầu tư Cụm công nghiệp Nghĩa Hương, Công ty TNHH Đầu tư Minh Hà được thành lập năm 2012, do ông Ngô Hữu Hiệp (sinh năm 1973) làm giám đốc, đồng thời là người đại diện pháp luật.

Lần gần đây nhất Đầu tư Minh Hà thực hiện tăng vốn vào tháng 5/2022. Cụ thể, đơn vị này đã tăng vốn điều lệ từ 20 tỷ đồng lên thành 65 tỷ đồng. Trong đó, bà Trần Thu Huyền là cổ đông góp vốn nhiều nhất với 55,25 tỷ đồng (tương đương 85%), ông Ngô Hữu Hiệp góp 6,5 tỷ đồng (tương đương 10%) và ông Ngô Hữu Hà góp 3,25 tỷ đồng.

Tuy nhiên, vào cuối năm 2023, mặc dù số vốn không thay đổi nhưng có sự thay đổi trong cơ cấu cổ đông. Theo đó, bà Trần Thu Huyền vẫn là cổ đông lớn nhất với vốn góp 45,5 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 70%). Trong khi ông Ngô Hữu Hiệp vẫn giữ nguyên số vốn góp thì bà Nguyễn Thị Thu Hiền đã thay thế cổ đông Ngô Hữu Hà. Số tiền bà Hiền góp vốn là 13 tỷ đồng (tương đương 20%).

Theo dự liệu trên trang DauThau.info, Đầu tư Minh Hà đã tham gia 18 gói thầu và trúng thầu cả 18 gói này. Trong đó, có 13 gói thầu mà đơn vị này đấu thầu độc lập, còn lại 5 gói trúng thầu khi liên danh.

Còn với chủ đầu tư Cụm công nghiệp Ngọc Liệp, Công ty cổ phần Xây dựng Giao thông Long Thành được thành lập vào năm 2004, do ông Dương Hoàng Việt (sinh năm 1979) làm giám đốc đồng thời là người đại diện pháp luật. Vào tháng 8/2023, Xây dựng Giao thông Long Thành đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 120 tỷ đồng lên thành 150 tỷ đồng.

Dữ liệu của DauThau.info cho thấy Xây dựng Giao thông Long Thành đã tham gia 66 gói thầu, trong đó trúng 63 gói, trượt 3 gói. Tính riêng trong năm 2024, công ty này đã trúng 2 gói thầu với tổng giá trị khoảng 468 tỷ đồng. Cụ thể, gói thầu số 12 thi công xây dựng (không bao gồm hạng mục trạm xử lý nước thải và hệ thống cấp điện) tại huyện Chương Mỹ trị giá hơn 374 tỷ đồng và gói thầu số 12 thi công xây dựng (từ K23 đến K28+828) trên địa bàn huyện Sóc Sơn trị giá hơn 93 tỷ đồng.

Hoàng Hùng

Theo VietnamFinance