Tin bất động sản hôm nay 6/7: Giá nhà đất quanh trục đường Lê Văn Lương biến động ra sao sau kết luận thanh tra?
Giá nhà đất đường Lê Văn Lương biến động sau kết quả thanh tra; Bắc Giang chuyển đổi 72 ha đất trồng lúa làm dự án cụm công nghiệp Jutech hơn 700 tỷ đồng; Cập nhật giá chung cư vùng ven; Lâm đồng quy định mới về việc tách, hợp thửa đất sau cơn sốt đất ảo; Đề xuất hơn 24.300 tỷ đồng đầu tư Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh;… là những thông tin đáng chú ý hôm nay 6/7.
Giá nhà đất quanh trục đường Lê Văn Lương biến động ra sao sau kết luận thanh tra?
Vừa qua, Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ ra loạt sai phạm liên quan đến những vi phạm, sai sót về quy hoạch, xây dựng tại tuyến đường Lê Văn Lương (Hà Nội). Tuy nhiên, giường như điều này cũng không ảnh hưởng đến giá nhà đất xung quanh tuyến đường Lê Văn Lương này.
Cụ thể, theo khảo sát trên Batdongsan.com.vn cho thấy, giá các căn hộ tại khu vực đường này vẫn đang neo ở mức cao, bất chấp những thông tin sai phạm của các dự án đã được chỉ ra. Thậm chí, với những dự án đã đi vào vận hành nhiều năm, mức giá vẫn đang duy trì khá cao.
Giá bất động sản quanh khu vực Lê Văn Lương vẫn không có nhiều biến động sau Kết luận Thanh tra của Bộ Xây dựng.
Theo khảo sát, giá bán các căn chung cư tại dự án Golden Palm dao động từ 43 – 53 triệu đồng/m2, giá bán căn hộ Starity dao động từ 36 – 40 triệu đồng/m2, Hà Nội Center Point là 45 – 50 triệu đồng/m2, Handiresco có giá bán dao động 44 – 47 triệu đồng/m2, chung cư Ban cơ yếu chính phủ trong khoảng 37- 43 triệu đồng/m2… Mức giá này đã tăng trung bình khoảng 5%, thậm chí có dự án tăng khoảng 10% so với năm 2021.
Cá biệt, một dự án nhà ở cao cấp mới mở bán trên đường Lê Văn Lương thời gian đầu có mức giá trung bình là hơn 60 triệu đồng/m2. Nhưng sau khi bị Thanh tra Bộ Xây dựng “chỉ mặt”, giá các căn hộ đã hoàn thiện tăng lên khoảng hơn 70 triệu đồng/m2. Còn với căn hộ thô, khách hàng sẽ được giảm khoảng 6 triệu đồng/m2.
Bắc Giang chuyển đổi 72 ha đất trồng lúa làm dự án cụm công nghiệp Jutech hơn 700 tỷ đồng
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành có văn bản chấp thuận UBND tỉnh Bắc Giang quyết định chuyển mục đích sử dụng 72 ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp để thực hiện dự án cụm công nghiệp Jutech tại xã Hương Lâm, huyện Hiệp Hòa.
Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Bắc Giang chỉ đạo thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật về đất đai. UBND tỉnh Bắc Giang chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật, trước Thủ tướng về thực hiện việc giao đất, cho thuê đất theo đúng quy định của pháp luật đất đai.
Ngoài ra, UBND tỉnh Bắc Giang cũng có trách nhiệm về quyết định và tổ chức thực hiện dự án theo quy định của pháp luật, thực hiện dự án phải đảm bảo đúng thẩm quyền, đúng và đầy đủ theo quy định của pháp luật đất đai và quy định của pháp luật khác liên quan và ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Bộ Tài nguyên và Môi trường có nhiệm vụ theo dõi và hướng dẫn thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật.
Theo cổng thông tin huyện Hiệp Hòa tỉnh Bắc Giang, ngày 23/10/2020, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành quyết định số 960 về việc thành lập Cụm công nghiệp Jutech, huyện Hiệp Hòa với diện tích 75 ha, tổng mức đầu tư xây dựng hạ tầng là 714,2 tỷ đồng.
Chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Cụm công nghiệp là CTCP Đầu tư và phát triển công nghệ Jutech, doanh nghiệp có địa chỉ tại số nhà 110, đường Lê Lai, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang.
Cụm công nghiệp khi hoàn thành dự kiến thu hút các ngành nghề như sản xuất, chế biến thực phẩm (trừ giết mổ gia súc, gia cầm), sản xuất đồ uống, sản xuất trang phục, sản xuất vali, túi xách, giày dép… và công nghiệp chế biến, chế tạo khác.
Giá chung cư vùng ven đang “đắt đỏ” hơn khu trung tâm?
Nhiều dự án chung cư tại các quận Hà Đông, Nam Từ Liêm, Long Biên… đang tăng giá nhanh. Một số dự án mới ra mắt và sắp bàn giao có giá ngang thậm chí cao hơn khu trung tâm.
Lấy ví dụ như, Căn hộ chung cư tại dự án The Terra An Hưng (Hà Đông) đang được bán với giá trung bình khoảng 34-36 triệu đồng/m2. Hai năm trước, giá căn hộ tại đây dao động ở mức 23-25 triệu đồng/m2, tức chỉ bằng 70% hiện tại.
Cũng tại Hà Đông, để sở hữu một căn hộ 3 phòng ngủ với diện tích 103 m2 tại dự án Roman Plaza, người mua phải trả khoảng 4,5 tỷ đồng, nhiều hơn 1 tỷ đồng so với 2 năm trước.
Còn tại tkhu vực phía đông, một căn hộ 87 m2 thuộc dự án Berriver Long Biên đang được rao bán giá 3,2 tỷ đồng (37 triệu đồng/m2), tăng khoảng 15% so với mức trung bình năm 2021. Hay một căn hộ 50 m2 thuộc dự án Le Grand Jardin được rao bán giá 38 triệu đồng/m2, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm trước.
Nhiều dự án tại khu vực vùng ven đang được thiết lập mặt bằng giá mới, có chỗ cao hơn cả khu vực trung tâm.
Không chỉ chứng kiến đà tăng giá tại những dự án cũ, giá một số dự án vừa ra mắt, sắp bàn giao tại các khu vực xa trung tâm cũng đang neo cao. Thậm chí, không ít dự án có mức giá ngang hoặc cao hơn khu vực nội đô.
The Matrix One (quận Nam Từ Liêm) của MIK Group cách trung tâm Hà Nội khoảng 10 km nhưng đang bán giá 60-70 triệu đồng/m2. Trong số các dự án mới tại thủ đô, mức giá tại The Matrix One thuộc nhóm cao nhất, ngang với các dự án trung tâm như Lancaster Luminaire đường Láng hay Green Diamond 93 Láng Hạ, quận Đống Đa…
Cùng với The Matrix One, Imperia Smart City cũng đang được giao dịch ở khoảng 52-55 triệu đồng/m2 tùy vị trí và diện tích. Mức giá này cao hơn cả Imperia Garden – một dự án căn hộ cao cấp khác của MIK Group ở quận Thanh Xuân, và tương đương dự án Imperia Sky Garden ở quận Hai Bà Trưng.
Hai dự án của Masteries là Masteries Waterfront tại Gia Lâm và Materise West Heights tại Nam Từ Liêm cùng có giá bán trung bình khoảng 60 triệu đồng/m2. Cả 2 dự án ra mắt vào cuối năm 2020 và cùng đánh dấu hành trình Bắc tiến của thương hiệu Masteries.
Lâm Đồng: Quy định mới về việc tách, hợp thửa đất sau cơn sốt đất ảo
Mới đây, ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, ban hành công văn về việc tiếp nhận, xem xét, giải quyết hồ sơ tách thửa đất, hợp thửa đất trên địa bàn toàn tỉnh.
Đây là văn bản thay thế văn bản tạm dừng việc tiếp nhận, xem xét, giải quyết các thủ tục liên quan đến phân lô, tách thửa, xây dựng nhà ở riêng lẻ tại nông thôn ban hành trước đó.
Theo đó, sẽ tiếp nhận, xem xét giải quyết hồ sơ tách thửa đối với các trường hợp.
Mục đích sử dụng đất của thửa đất, khu đất (gồm nhiều thửa đất) có sự thống nhất, phù hợp giữa quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị mà không thuộc trường hợp kinh doanh bất động sản.
Trường hợp mục đích sử dụng đất của thửa đất, khu đất chưa phù hợp, đồng bộ giữa quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị. Việc hợp thửa đất và trường hợp tách thửa đất để thừa kế hoặc cho tặng mà mỗi người nhận tặng cho được 1 thửa đất sau khi tách thửa.
Các trường hợp còn lại, UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp Sở Xây dựng và các cơ quan liên quan có văn bản hướng dẫn các địa phương, đơn vị hoàn thành việc rà soát, lập, điều chỉnh quy hoạch bảo đảm có sự thống nhất, phù hợp giữa quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị trước khi tiếp nhận hồ xem xét, giải quyết hồ sơ tách thửa, hợp thửa theo quy định.
Đề xuất hơn 24.300 tỷ đồng đầu tư Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh
Cục Hàng không Việt Nam vừa trình Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, trong thời kỳ 2021-2030, Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh là sân bay cấp 4E và sân bay quân sự cấp 1, công suất thông qua đạt 25 triệu hành khách/năm và 55.000 tấn hàng hóa/năm. Tầm nhìn đến năm 2050, cảng hàng không này sẽ có công suất 36 triệu hành khách/năm và 100.000 tấn hàng hóa/năm.
Về nhà ga hàng không, thời kỳ 2021-2030, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất xây dựng nhà ga hành khách T1 theo nhu cầu, công suất quy hoạch 21 triệu hành khách/năm (quốc nội 8,5 triệu hành khách/năm, quốc tế 12,5 triệu hành khách/năm), giữ nguyên nhà ga T2 (quốc tế) công suất 4 triệu hành khách/năm.
Tầm nhìn đến năm 2050, cảng hàng không sẽ cải tạo nhà ga T2 và hợp khối nhà ga T1 thành nhà ga T1 (quốc tế) mới công suất 24 triệu hành khách/năm; xây mới nhà ga T3 (quốc nội) công suất 12 triệu hành khách/năm đảm bảo theo dự báo tầm nhìn đến năm 2050 đạt 36 triệu hành khách/năm.
Từ 15/8, phải trả phí để biết thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký ban hành Nghị định số 44/2022/NĐ-CP về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản.
Nội dung nghị định nêu rõ, cá nhân, tổ chức, cơ quan có nhu cầu sử dụng thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản phải nộp kinh phí khai thác, sử dụng thông tin theo quy định. Số tiền thu từ dịch vụ này được quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước.
Hệ thống thông tin về nhà ở, thị trường bất động sản gồm:
– Cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản;
– Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản;
– Hệ thống phần mềm phục vụ quản lý, vận hành, khai thác thông tin về nhà ở, thị trường bất động sản.
Các hình thức khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản gồm:
– Qua cổng thông tin batdongsan.xaydung.gov.vn, cổng thông tin điện tử của các Sở Xây dựng;
– Thông qua phiếu yêu cầu hoặc văn bản yêu cầu;
– Bằng hợp đồng giữa cơ quan quản lý hệ thống thông tin với bên khai thác, sử dụng dữ liệu theo quy định của pháp luật.
Cũng theo nghị định, khi có nhu cầu đăng ký cấp quyền khai thác, dữ liệu, sử dụng thông tin, cá nhân, tổ chức gửi phiếu yêu cầu cho đơn vị, cơ quan được giao quản lý, cung cấp thông tin, dữ liệu bằng cách nộp trực tiếp theo hình thức văn bản, gửi qua đường công văn, fax, bưu điện hoặc đăng ký trực tuyến trên trang thông tin điện tử của bên cung cấp.
Trong thời hạn không quá 7 ngày làm việc tính từ khi nhận được yêu cầu, bên cung cấp xem xét cấp quyền truy cập quyền khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản hợp lệ. Nếu từ chối cung cấp quyền khai thác, sử dụng thông tin, bên cung cấp phải trả lời và nêu rõ lý do.
Nghị định số 44/2022/NĐ-CP chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/8/2022.