Tin bất động sản hôm nay: FLC xin gia hạn tiến độ dự án Sa Đéc đến cuối năm 2023
FLC xin gia hạn tiến độ dự án Sa Đéc đến cuối năm 2023; Vốn ngoại ồ ạt đổ về các doanh nghiệp địa ốc Việt Nam; Giá bình quân căn hộ tại TP Hồ Chí Minh chạm mốc 65 triệu đồng/m2; Hai doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm vẫn chưa nộp tiền; Tháng 9/2022 sẽ khởi công cầu gần 5.000 tỉ đồng nối Bà Rịa – Vũng Tàu với Đồng Nai; BĐS sân golf đón sóng bùng nổ trong tương lai;…là những thông tin đáng chú ý hôm nay 7/7.
FLC xin gia hạn tiến độ dự án Sa Đéc đến cuối năm 2023
Theo Báo Đồng Tháp, ngày 4/7, lãnh đạo tỉnh cùng lãnh đạo một số sở, ngành tỉnh đã có buổi kiểm tra thực tế và làm việc với UBND TP Sa Đéc về tình hình thực hiện dự án Khu dân cư đô thị ấp Phú Long (FLC La Vista Sadec), xã Tân Phú Đông, TP Sa Đéc.
Theo báo cáo của UBND TP Sa Đéc, tổng diện tích đất của dự án này là hơn 15 ha. Dự án do CTCP Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư, đăng ký thực hiện hoàn thành và đi vào hoạt động từ quý II năm nay.
Tuy nhiên, tính đến ngày 30/6, dự án không đạt tiến độ đề ra.
Phối cảnh dự án FLC La Vista Sadec.
Tính đến cuối tháng 6, công ty đã ký hợp đồng mua bán 160 căn, còn lại 193 căn chưa đăng ký mua. Do tình hình dịch bệnh Covid-19, vật tư xây dựng tăng, nhân sự lãnh đạo của công ty có sự thay đổi, chủ đầu tư chậm lựa chọn nhà thầu xây dựng đã làm cho dự án chậm tiến độ và chủ đầu tư đã xin gia hạn thời gian hoàn thành dự án đến cuối tháng 11/2023.
Lãnh đạo tỉnh đề nghị UBND TP Sa Đéc cần rà soát lại các thủ tục, đề xuất phương án xử lý. UBND tỉnh sẽ có cuộc gặp gỡ và làm việc với nhà đầu tư để tìm phương án tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, không để tình trạng chậm trễ kéo dài.
Vốn ngoại ồ ạt đổ về các doanh nghiệp địa ốc Việt Nam
Trong hai tháng qua, các doanh nghiệp bất động sản nhà ở liên tục đón dòng vốn từ các quỹ đầu tư nước ngoài.
Trong đó, dòng vốn FDI đổ vào các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp, trong vòng hai tháng gần đây, nhiều doanh nghiệp bất động sản nhà ở cũng liên tục đón dòng vốn ngoại thông qua mua cổ phần, trái phiếu.
Cụ thể, Ngày 30/6 vừa qua, các thành viên nhóm quỹ Dragon Capital vừa mua 877.200 cổ phiếu HDG của Hà Đô, tạm tính theo giá đóng cửa ngày giao dịch, nhóm quỹ đã chi gần 50 tỷ đồng cho thương vụ này.
Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của nhóm Dragon Capital đã tăng từ 7,5907% lên 8,0210% vốn điều lệ Hà Đô. Hiện, số cổ phiếu HDG mà nhóm này đang nắm giữ là hơn 16,3 triệu đơn vị, có giá thị trường tại thời điểm hiện tại vào khoảng 835 tỷ đồng.
Trước giao dịch này, ngày 21/6, nhóm Dragon Capital cũng chi khoảng 30 tỷ đồng để mua cổ phiếu DXG, tăng sở hữu tại Đất Xanh từ 20,9528% lên 21,2356%. Sau giao dịch, số cổ phiếu DXG mà nhóm quỹ sở hữu là hơn 129 triệu đơn vị, tương đương giá trị thị trường hiện vào khoảng hơn 2.600 tỷ đồng.
Ngày 20/6, ba thành viên nhóm quỹ này cũng trở thành cổ đông tại Hưng Thịnh Land (thành viên Tập đoàn Hưng Thịnh) với tổng tỷ lệ sở hữu là 3,825% vốn điều lệ, tương đương tổng giá trị cổ phần là 358,8 tỷ đồng.
Bên cạnh Dragon Capital, cùng ngày, một thành viên nhóm quỹ VinaCapital là Vietnam Master Holding 2 Limited cũng trở thành cổ đông tại Hưng Thịnh Land. Tổng giá trị cổ phần của đơn vị này là 115 tỷ đồng, tương đương 1,226% vốn điều lệ.
Trước đó vào tháng 5, một thành viên khác của nhóm quỹ VinaCapital là VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (VOF) cũng đầu tư 25 triệu USD (khoảng 580 tỷ đồng) để mua cổ phần thiểu số không được tiết lộ của Hưng Thịnh Land. VOF cho biết, thương vụ này sẽ củng cố chiến lược trong trung và dài hạn của quỹ ngoại này.
Trong lĩnh vực bất động sản, ngoài Hưng Thịnh Land, VOF cho biết cũng đang đầu tư vào Khang Điền (KDH) và Vinhomes (VHM).
Bên cạnh đó, đối với Vinhomes, ngày 1/6, quỹ đầu tư Government of Singapore (thuộc Quỹ Chính phủ Singapore (GIC)) đã hoàn tất mua 612.000 cổ phiếu VHM, nâng số cổ phiếu đang sở hữu từ hơn 217,6 triệu đơn vị lên hơn 218,2 triệu đơn vị, tương đương tỷ lệ sở hữu tăng từ 4,99% lên 5,01% vốn điều lệ và chính thức trở thành cổ đông lớn tại Vinhomes. Theo thị giá hiện tại của VHM, lô cổ phần này của Government of Singapore có giá trị khoảng 13.310 tỷ đồng.
Giá bình quân căn hộ tại TP HCM chạm mốc 65 triệu đồng/m2
Báo cáo nghiên cứu thị trường từ Đất Xanh Services cho biết trong quý II, giá nhà đất vẫn trong xu hướng tăng, đặc biệt tại Hà Nội và TP HCM do thiếu nguồn cung trầm trọng.
Tại Hà Nội, giá bình quân căn hộ vẫn trong xu hướng tăng, hiện ở ngưỡng 49 triệu đồng/m2, tăng 10% so với quý I. Dự báo, trong quý tiếp theo, con số này có thể tiếp tục tăng thêm khoảng 9-15%.
“Thị trường bất động sản Hà Nội và các tỉnh lân cận vẫn duy trì trạng thái hạn chế nguồn cung trong quý II và 6 tháng đầu năm. Nguồn cung mới chỉ xuất hiện cục bộ tại một số dự án đô thị lớn, trong đó khu Đông chiếm hơn 60%. Hưng Yên là tỉnh dẫn đầu nguồn cung mới chiếm hơn 90%”, báo cáo nêu rõ.
Đặc biệt, giá nhà thấp tầng tại Hưng Yên thiết lập mặt bằng giá mới dao động 120-194 triệu đồng/m2, các khu vực còn lại tăng nhẹ 6-13%. Dự kiến 6 tháng cuối năm nguồn cung mới vẫn hạn chế, chủ yếu các sản phẩm thấp tầng như đất nền, nhà phố.
Tại TP HCM, giá bán căn hộ trung bình trong quý II đã vọt lên ngưỡng 65 triệu đồng/m2, tăng 3% so với quý I. Giá bán phân khúc này được dự báo tăng khoảng 5-10%/năm trong thời gian tới.
Giá bán căn hộ trung bình trong quý II tại TP Hồ Chí Minh đã vọt lên ngưỡng 65 triệu đồng/m2.
Đáng chú ý, giá bán nhà thấp tầng tiếp tục đạt kỷ lục, nhờ nguồn cung mới có vị trí ven sông, kèm nhiều tiện ích nổi bật. Giá bán nhà phố ở dự án mới khoảng 36-42 tỷ/căn, dinh thự 180 tỷ/căn.
Trái ngược với Hà Nội, tại TP HCM, nguồn cung căn hộ mới trong quý II đạt 14.400 sản phẩm, tăng 4 lần so với quý trước. Mặc dù số lượng tăng mạnh nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu thị trường.
“Tuy nhiên, số lượng dự án mới giảm mạnh do các khó khăn như thủ tục pháp lý, quỹ đất và nguồn vốn đầu tư dẫn đến tình trạng hạn chế dự án đủ điều kiện triển khai bán hàng. Cùng với đó, tâm lý khách hàng có nhiều e ngại khi nhiều ngân hàng siết chặt chặt tín dụng, chậm giải ngân”, Đất Xanh Services nhìn nhận.
Đến hạn chót, hai doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm chưa nộp tiền
Ông Lê Duy Minh, Cục trưởng Cục Thuế TP HCM cho biết hiện vẫn chưa nhận được tiền sử dụng đất tổng cộng 7.820 tỷ đồng từ hai doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm là CTCP Dream Republic và CTCP Sheen Mega. Hai đơn vị cũng chưa có văn bản hay thông báo gì liên quan đến vấn đề này, dù ngày 6/7 là hạn chót thực hiện nghĩa vụ.
Hai doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm vẫn chưa nộp tiền sử dụng đất.
Trước đó, ngày 6/5, cơ quan thuế đã có quyết định cưỡng chế tài khoản ngân hàng của hai doanh nghiệp, tuy nhiên các tài khoản này đều không có tiền. Đồng thời, nếu quá 180 ngày, tức đến ngày 6/7, các doanh nghiệp vẫn chưa nộp tiền sử dụng đất thì kết quả đấu giá sẽ bị hủy và các doanh nghiệp sẽ mất tiền đặt cọc tổng cộng 319,2 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các đơn vị này cũng bị tính tiền chậm nộp theo quy định là 0,03% mỗi ngày. Đến nay, tổng số tiền chậm nộp của Dream Republic khoảng gần 138,7 tỷ đồng và Sheen Mega khoảng 145,2 tỷ đồng.
Tháng 9/2022 sẽ khởi công cầu gần 5.000 tỉ đồng nối Bà Rịa – Vũng Tàu với Đồng Nai
Thông tin được đại diện của Ban quản lý dự án giao thông khu vực cảng Cái Mép – Thị Vải cho biết, hiện dự án đã hoàn tất việc lựa chọn nhà thầu, khảo sát lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật, bản vẽ thi công.
Trước đó, ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đã khẳng định, dự án cầu Phước An sẽ được khởi công xây dựng trong tháng 9/2022.
Theo thiết kế, cầu Phước An có tổng chiều dài 4,3km, trong đó phần cầu vượt sông dài 3,5km với 6 làn xe và đường dẫn, đường kết nối xuống cảng Phước An.
Để thực hiện dự án, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu phải thu hồi khoảng 13ha đất. Trong đó, phía Đồng Nai là khoảng hơn 8ha tãi xã Phước An, huyện Nhơn Trạch. Phần diện tích đất thu hồi còn lại phía Bà Rịa – Vũng Tàu nằm ở phường Mỹ Xuân, thị xã Phú Mỹ.
Tổng mức đầu tư dự án gần 5.000 tỉ đồng, trong đó ngân sách hỗ trợ của trung ương là khoảng 2.000 tỉ đồng, phần còn lại là ngân sách tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Cầu Phước An sau khi hoàn thành sẽ kết nối khu vực cảng Cái Mép – Thị Vải với cao tốc Bến Lức – Long Thành và cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây tạo ra một hệ thống giao thông đồng bộ, giúp vận chuyển hàng hóa trong khu vực nhanh và thuận lợi hơn
Không chỉ có ý nghĩ về giao thông, cầu Phước An sau khi hoàn thành cũng sẽ giúp tăng giá trị của bất động sản tại thị trường Phú Mỹ và Nhơn Trạch.
Đầu tư bất động sản sân golf: Đón sóng bùng nổ trong tương lai
BĐS sân golf không chỉ mang lại không gian nghỉ dưỡng cao cấp mà có những đặc thù riêng, thể hiện đẳng cấp, đem đến trải nghiệm sống khác biệt cho các thành viên trong gia đình. Một căn biệt thự gần khu vực sân golf để an dưỡng tuổi già, hoặc làm một ngôi nhà thứ hai để du lịch kết hợp kinh doanh trở thành lựa chọn ưu tiên của nhiều nhà đầu tư bất động sản. Không chỉ giúp gia tăng giá trị tài sản cho nhà đầu tư, bất động sản sân golf còn là nơi kiến tạo một môi trường tốt để thế hệ tương lai phát triển.
Không gian xanh rộng lớn là nơi để con trẻ được trở về với thế giới tuổi thơ trong một môi trường cảnh quan trong lành. Mỗi thành viên có thể cảm nhận trọn vẹn đường cỏ xanh mướt, những bụi cây hoa xinh tươi và nên thơ hay cú swing điệu nghệ của golfer ngay bên thềm nhà.
Bên trong sân golf còn được trang bị hệ thống tiện ích đẳng cấp quốc tế mang đến trải nghiệm sang trọng và phút giây nghỉ ngơi đích thực cho gia đình và bạn bè nhất là những ngày cuối tuần.
Không những vậy, những người đam mê môn thể thao này, hiện có khoảng 70 – 80% là doanh nhân. Họ tìm đến golf để nâng cao sức khỏe, thoả mãn sở thích và phục vụ cho các mối quan hệ làm ăn. Bất động sản gắn liền với sân golf nhanh chóng nằm trong danh mục tài sản của nhóm khách hàng này. Ở đó, họ không chỉ được thoả mãn nhu cầu nghỉ dưỡng sang trọng, giải trí mà còn được trải nghiệm cả tiện ích “cá nhân hóa” trong một không gian sống đẳng cấp. Một cộng đồng thượng lưu dần hiện hữu tại đây, con trẻ trong tương lai sẽ được trưởng thành trong môi trường tri thức, giao lưu cùng những người hàng xóm xứng tầm, từ đó không ngừng nỗ lực để hoàn thiện bản thân để trở thành phiên bản tốt hơn.
Ngoài thỏa mãn niềm đam mê chơi golf, sân golf cũng là nơi hội tụ và duy trì những mối quan hệ, tạo ra cơ hội kinh doanh tốt. Chính vì thế, sở hữu bất động sản sân golf cũng đồng nghĩa với việc có thêm những đối tác, cộng sự trong tương lai.
Lựa chọn bất động sản gắn liền với sân golf là chiến lược đầu tư dài hạn, vừa gia tăng giá trị tài sản, vừa khẳng định thương hiệu cá nhân trên thương trường, đó là lý do ai cũng khát khao sở hữu.
Thanh Hoá có thêm 2 cụm công nghiệp hơn 66ha
Cụ thể, Cụm công nghiệp Khe Hạ tại xã Luận Thành, huyện Thường Xuân với diện tích 49,2ha. Khu đất có phía Đông giáp khu dân cư, giáp Quốc lộ 15A cũ và đất hàng năm khác; phía Tây giáp khu dân cư và hành lang đường Hồ Chí Minh; phía Nam giáp đất rất rừng sản xuất, đất hàng năm khác và đất ở nông thôn; phía Nam giáp đất rừng sản xuất.
Ngành nghề hoạt động tại cụm công nghiệp là may mặc, chế biến thực phẩm, chế biến gỗ, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông sản, lâm sản, chế tác đá mỹ nghệ, chế biến thức ăn gia súc…
Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật là Công ty CP Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Trường Sơn.
Tổng mức đầu tư dự tính là 360 tỉ đồng.
Tiến độ thực hiện dự án chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ quý 3.2022 – đến quý 4.2023 hoàn thành các thủ tục đầu tư; công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và thuê đất với nhà nước. Từ quý 1.2024 đến quý 1.2025 khởi công và thi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật.
Tiếp đó là Cụm công nghiệp Hậu Hiền tại xã Minh Tâm, huyện Thiệu Hoá với diện tích khoảng 17,55ha.
Khu đất có phía Tây Nam giáp hành lang tỉnh lộ 515 và hành lang đường bờ kênh Bắc; phía Đông giáp đất nông nghiệp; phía Đông Bắc giáp đường giao thông liên thôn; phía Tây Bắc giáp đất nông nghiệp kế tiếp hành lang đường điện 500kV.
Ngành nghề hoạt động gồm: tiểu thủ công nghiệp; các ngành nghề, lĩnh vực sử dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, như: sản xuất hàng chăn ga, thảm dệt, may mặc và giầy fa, nội thất, điện tử…
Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật là Công ty TNHH Lắp đặt Bảo ôn Hoa Năng.
Tổng mức đầu tư tạm tính là 125 tỉ đồng.
Tiến độ thực hiện dự án như sau, từ quý 3.2022 – quý 4.2023 hoàn thành các thủ tục đầu tư; công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và thuê đất với nhà nước. Từ quý 1.2024 đến quý 1.2025 khởi công và thi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật.