Tin bất động sản hôm nay: Giá đất Hớn Quản (Bình Phước) bị “thổi” đến 600 triệu đồng 1m ngang trước “tin đồn” mở rộng sân bay Téc – níc

Hưng Thịnh Incons làm tổng thầu dự án 3.000 tỷ ở Hà Nội; Liên danh Tổng Công ty 36 chắc chân tại dự án hơn 1.800 tỷ đồng tại TP Thanh Hóa; Bắc Giang duyệt quy hoạch phân khu Khu công nghiệp Đức Giang 285 ha; Giá đất tại Hớn Quản bị “hét” tới 600 triệu/m2 với những “tin đồn” mở rộng sân bay Téc – níc; Phê duyệt 12 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2021-2025;…là những thông tin đáng chú ý hôm nay 15/7.

Giá đất Hớn Quản (Bình Phước) nóng trước “tin đồn” mở rộng sân bay Téc – níc

Chiều nay 14/7, tại Hội Nghị phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã có báo cáo đánh giá toàn diện thị trường bất động sản năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022; dự báo tình hình và đề xuất các giải pháp phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững.

Đại diện Bộ Xây dựng cho biết đầu năm 2022 đã xảy ra sốt giá đất nền tại nhiều địa phương như tin đồn mở rộng sân bay Técníc Hớn Quản (Bình Phước) đã thổi giá 1 m ngang mặt tiền đường có nơi lên 350-500 triệu đồng, thậm chí 600 triệu đồng.

Ngoài ra, trong khi nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh, tuy nhiên giá bất động sản, nhà ở, đất nền vẫn liên tục tăng từ đầu năm. Trong đó, giá căn hộ chung cư đã tăng bình quân khoảng 5 – 7%. Tại các các đô thị lớn như TP Hà Nội, TP HCM, hầu như không căn hộ có giá 25 triệu đồng/m2. Căn hộ bình dân có mức giá từ 25 triệu đồng/m2 – 30 triệu đồng/m2; căn hộ chung cư trung cấp có mức giá khoảng 30 triệu đồng/m2 đến dưới 50 triệu đồng/m2. Căn hộ cao cấp có mức giá trên 50 triệu/m2 (tại TP Hà Nội, TP HCM đã xuất hiện những dự án có mức giá rất cao trên 100 triệu/m2 thậm chí vài trăm triệu đồng/m2).

Còn giá nhà ở riêng lẻ trong dự án tăng 15 – 20%. Tại TP Hà Nội, TP HCM, nhà ở riêng lẻ trong dự án có mức giá phổ biến khoảng trên dưới 100 triệu đồng/m2, các dự án khu vực trung tâm lên đến trên 200 triệu đồng/m2, các dự án ở khu vực các huyện, xa trung tâm có mức giá khoảng 30 – 50 triệu đồng/m2. Tại Đà Nẵng một số dự án có mức giá từ 60 – 90 triệu đồng/m2; tại Đồng Nai một số dự án có mức giá từ 50 – 70 triệu đồng/m2; tại Bà Rịa – Vũng tàu một số dự án có mức giá từ 40 – 60 triệu đồng/m2…

Đáng chú ý, giá đất nền cũng tăng 20 – 30% so với thời điểm cuối năm 2020.

Thậm trí, thời điểm cuối quý I đầu quý II/2022 đã xảy ra hiện tượng tăng giá đột biến, thậm chí “sốt” giá đất nền tại nhiều địa phương. Ví dụ, đất nền ở xã Tân Lợi, An Khương (tỉnh Bình Phước) đột ngột sốt nóng trước thông tin sắp có quy hoạch mở rộng sân bay Técníc Hớn Quản, một mét ngang mặt tiền ở các tuyến đường liên xã được “thổi” lên 350-500 triệu đồng, thậm chí 600 triệu đồng.

Hay tại TP Thủ Đức (TP HCM) giá đất nền đều ở ngưỡng trên 200 triệu đồng/m2). Còn tại Quốc Oai (tăng 20%), Ba Vì (45%) thuộc Hà Nội và một số điểm thuộc các tỉnh Hòa Bình (tăng 46%), Bắc Ninh (tăng 20%), Hưng Yên ( tăng 26%) và ngoài ra, có nhiều nơi như Thanh Hóa, TP Thủ Đức, huyện Cần Giờ của TP HCM; TP Biên Hòa, các huyện Nhơn Trạch và Long Thành của tỉnh Đồng Nai… cũng ghi nhận hiện tượng giá đất nền tăng rất nhanh trong thời gian ngắn.

Thị trường bất động sản phát triển vẫn chưa ổn định, chưa lành mạnh

Cũng tại hội nghị phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững diễn ra chiều 14/7, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã báo cáo tóm tắt tổng quan về thực trạng, hạn chế, bất cập của thị trường bất động sản hiện nay và một số giải pháp để đảm bảo thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, hiệu quả, bền vững.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định, thị trường bất động sản là một trong những thị trường quan trọng của nền kinh tế, có vai trò quan trọng trong việc thu hút các nguồn lực, tạo ra tài sản cố định cho nền kinh tế, thúc đẩy nhiều ngành kinh tế, lĩnh vực khác cùng phát triển; đáp ứng nhu cầu về chỗ ở cho người dân, phát triển đô thị, công nghiệp và du lịch.

Trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, thị trường bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh nhưng đã thích ứng và từng bước có nhiều chuyển biến.

Cả nước đã có 172 dự án nhà ở thương mại hoàn thành trong năm 2021 với quy mô 24.027 căn; bằng khoảng 42% số lượng so với năm 2020. Riêng 6 tháng đầu năm 2022, số lượng dự án nhà ở thương mại hoàn thành vẫn hạn chế với khoảng 12.000 căn, tương đương cùng kỳ năm 2021. Điều này cho thấy chưa có sự cải thiện về nguồn cung nhà ở thương mại.

Đến nay, toàn quốc có tổng số 279 dự án nhà ở xã hội đã hoàn thành, quy mô xây dựng khoảng 148.000 căn, với tổng diện tích hơn 7,4 triệu m2. Hiện cả nước đang tiếp tục triển 355 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 377.000 căn, tổng diện tích khoảng 18,84 triệu m2.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, cả nước chỉ hoàn thành 3 dự án nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp, quy mô xây dựng khoảng 6.000 căn với tổng diện tích khoảng 300.000 m2 sàn xây dựng.

Riêng dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp đã hoàn thành đầu tư xây dựng 1 dự án với quy mô 400 căn hộ, có tổng diện tích 21.500 m2.

Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, các địa phương đã khởi công 11 dự án với tổng số khoảng 25.675 căn, tổng diện tích xây dựng khoảng 1.282.850 m2. Tuy nhiên, các kết quả phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 vẫn còn rất hạn chế so với nhu cầu – Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị chia sẻ.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, bên cạnh những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế đất nước và đảm bảo an sinh xã hội thì thị trường bất động sản hiện vẫn bộc lộ hạn chế, bất cập, có dấu hiệu chưa ổn định, chưa lành mạnh.

Hưng Thịnh Incons (HTN) làm tổng thầu dự án 3.000 tỷ ở Hà Nội

Dự án Hanoi Melody Residences tại Tây Nam Linh Đàm là dự án đầu tiên đánh dấu bước phát triển của HTN, mở rộng hoạt động, tiến ra khu vực phía Bắc.

lạc tại Khu đô thị mới Tây Nam Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) do Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Linh Đàm làm chủ đầu tư, HTN làm tổng thầu thi công.

Đây cũng là dự án đầu tiên HTN hiện thực hóa chiến lược đồng hành phát triển có giá trị thầu gần 3.000 tỷ đồng, quy mô 3,28 ha, bao gồm 4 tòa nhà, cung cấp ra thị trường gần 2.000 căn hộ cao cấp và shophouse khối đế, công tác thi công tuân thủ nghiêm ngặt theo quy chuẩn an toàn của HTN và các tiêu chuẩn ISO 9001 và 4500.

Dự án Hanoi Melody Residences được đánh giá là một điểm nhấn quan trọng để HTN “chuyển mình” sang chương mới, sẵn sàng kết hợp với nhiều chủ đầu tư, đáp ứng các yêu cầu và chuẩn mực ngày càng khắt khe của phân khúc bất động sản giá trị cao.

Liên danh Tổng Công ty 36 chắc chân tại dự án hơn 1.800 tỷ đồng tại TP Thanh Hóa

Thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa, sau thời gian mở hồ sơ đấu thầu, liên danh CTCP Đầu tư xây dựng và thương mại Minh Hương – Tổng Công ty 36 – CTCP (Mã: G36) và Công ty TNHH Tập đoàn An Phát Vượng là doanh nghiệp duy nhất đăng ký thực hiện dự án Khu dân cư trung tâm xã Đông Tân (nay là phường Đông Tân), TP Thanh Hóa.

Tin bất động sản hôm nay: Giá đất Hớn Quản (Bình Phước) bị “thổi” đến 600 triệu đồng 1m ngang trước “tin đồn” mở rộng sân bay Téc – níc - Ảnh 1

Liên danh G36 chắc chân tại dự án Khu dân cư trung tâm xã Đông Tân (Thanh Hóa).

Dự án này được tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư vào hồi tháng 3 với quy mô khoảng 22,5 ha, trong đó quỹ đất phát triển nhà ở xã hội hơn 1,8 ha.

Phía đông bắc dự án giáp khu dân cư thôn Tân Lê và Tân Lợi; phía đông nam giáp trường mầm non và cửa hàng doanh nghiệp Ngọc Hiệp; phía tây bắc giáp thị trấn Rừng Thông; phía tây nam giáp quốc lộ 47 (đoạn cải dịch).

Dự án gồm 556 căn nhà ở thương mại (520 căn liền kề, 36 căn biệt thự được xây thô và hoàn thiện mặt trước) và 499 căn nhà ở xã hội được xây dựng hoàn thiện.

Tổng vốn đầu tư của dự án khoảng 1.841 tỷ đồng; trong đó, sơ bộ tổng chi phí thực hiện 1.756,6 tỷ đồng, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án là 84,3 tỷ đồng. Nhà đầu tư được lựa chọn phải huy động 100% nguồn vốn hợp pháp để thực hiện dự án.

Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm, được tính từ ngày nhà đầu tư được quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất, quyết định chuyển mục đích sử dụng đất. Người mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất được sử dụng đất ổn định lâu dài.

Tiến độ thực hiện dự án không quá 5 năm kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực, dự kiến từ quý II/2022 đến quý I/2027.

Bắc Giang duyệt quy hoạch phân khu Khu công nghiệp Đức Giang 285 ha

UBND tỉnh Bắc Giang vừa phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch phân khu Khu công nghiệp (KCN) Đức Giang tại xã Tư Mại, xã Cảnh Thụy, xã Đồng Phúc và xã Đức Giang, huyện Yên Dũng (tỷ lệ 1/2.000).

Ranh giới cụ thể được giới hạn phía bắc giáp đường tỉnh 299 và ruộng canh tác xã Đức Giang. Phía nam giáp đường tỉnh 299D, ruộng canh tác xã Tư Mại. Phía đông giáp ruộng canh tác xã Đồng Phúc. Phía tây giáp ruộng canh tác xã Cảnh Thụy.

Quy mô diện tích lập quy hoạch khu công nghiệp khoảng 285 ha; số lao động khoảng 34.200 người.

KCN Đức Giang có tính chất là khu công nghiệp xanh, có công nghệ hiện đại, tiên tiến, thân thiện với môi trường.

Cụ thể, đây là khu công nghiệp tập trung, đa ngành, có hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước; bao gồm các lĩnh vực ngành nghề sản xuất như: Sản xuất, chế tạo thiết bị điện, điện tử, điện lạnh, các sản phẩm công nghệ, kỹ thuật cao phục vụ các ngành điện tử, công nghệ thông tin…; sản xuất, chế tạo cơ khí, chế tạo máy móc, thiết bị, hàng tiêu dùng…

Các hạng mục cần đầu tư xây dựng bao gồm: Công trình hạ tầng kỹ thuật đường giao thông nội bộ, bãi đỗ xe, cấp nước, thoát nước, cấp điện, chiếu sáng, thông tin liên lạc, ga rác, trạm xử lý nước thải…; công trình văn phòng, thương mại dịch vụ, nhà xưởng sản xuất,…

Phê duyệt 12 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2021-2025

Chiều 14-7, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, vừa có quyết định phê duyệt Dự án đầu tư 12 dự án thành phần thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, đây là mốc nhiệm vụ rất quan trọng, chính thức kết thúc giai đoạn chuẩn bị đầu tư dự án và chuyển sang giai đoạn thực hiện dự án.

Thời gian từ khi Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư cho đến khi Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt dự án đầu tư toàn bộ 12 dự án thành phần là khoảng 6 tháng, rút ngắn được 1/2 thời gian so với các dự án giai đoạn 2017-2020, thực hiện theo những trình tự thủ tục thông thường, đáp ứng được yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ.

Theo quyết định được phê duyệt, 12 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam sẽ được đầu tư với tổng chiều dài 723,7km tuyến chính. Dự án gồm các đoạn: Hà Tĩnh – Quảng Trị (260,9km), Quảng Ngãi – Nha Trang (352,06km) và Cần Thơ – Cà Mau (110,9km). Sơ bộ tổng mức đầu tư toàn bộ dự án khoảng hơn 146.985 tỷ đồng.

Minh Thu (T/H)

Minh Thu (T/H)

Theo Kinh doanh và phát triển