Tin ngân hàng nổi bật trong tuần: Eximbank lần đầu trả cổ tức sau 8 năm không chia, tăng trưởng tín dụng ngành đạt 7,75%

Tuần qua, hàng loạt tin ngân hàng như: Tăng trưởng tín dụng đã đạt 7,75%, gấp đôi so với cùng kỳ; ngân hàng Eximbank lần đầu trả cổ tức sau 8 năm không chia;...

Tăng trưởng tín dụng đã đạt 7,75%, gấp đôi so với cùng kỳ

Số liệu được Phó Thống đốc Đào Minh Tú công bố tại "Hội nghị trực tuyến toàn ngành triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2%" cho biết, tính đến 20/5, tốc độ tăng trưởng tín dụng đến 20/5 đạt 7,66% và đến 27/5 có thể ở mức 7,75% so với cuối năm 2021, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.

Đồng thời, Phó Thống đốc nhấn mạnh, tăng trưởng tín dụng được dàn trải, đồng đều ở nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, những mảng có khó khăn nhiều (du lịch, khách sạn,…) ghi nhận tăng trưởng mạnh trên 8%, cao hơn mức tăng trưởng chung như: vận tải, du lịch, dịch vụ, vận tải tăng 8,25%; công nghiệp phụ trợ tăng trên 7,6%...

Cùng với đó, ngay từ đầu năm Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo, định hướng tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt tín dụng đối với lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán...

Theo kết quả khai thác tại hệ thống báo cáo tập trung của NHNN, đến cuối tháng 4/2022, lũy kế giá trị nợ đã cơ cấu từ khi ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN là hơn 695 nghìn tỷ đồng cho trên 1,1 triệu khách hàng. Dư nợ cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ hiện còn hơn 198 nghìn tỷ đồng của gần 680 nghìn khách hàng; lũy kế giá trị nợ đã được miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ là gần 91 nghìn tỷ đồng cho gần 490 nghìn khách hàng. Dư nợ miễn giảm lãi giữ nguyên nhóm nợ hiện còn gần 18 nghìn tỷ đồng của hơn 166 nghìn khách hàng

Ngân hàng Eximbank lần đầu trả cổ tức sau 8 năm không chia

Tin ngân hàng gây chú ý tuần qua là sự kiện Eximbank trả cổ tức sau 8 năm không chia.

Theo đó, ngày 27/05 Ngân hàng TMCP Xuất nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank) đã tổ chức đại hội cổ đông thường niên lần thứ 2. Trong năm 2022, ngân hàng đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế là 2.500 tỷ, tăng trưởng 107,5% so với năm trước; quy mô tổng tài sản dự kiến là 179.000 tỷ, tăng trưởng 7,9%; Huy động vốn từ các tổ chức kinh tế và dân cư là 147.600, tăng 7,4%; dư nợ tín dụng 127.149 tỷ, tăng trưởng 10% so với cùng kỳ năm trước; Nợ xấu khống chế dưới 1,7%.

Đại hội cổ đông đã thông qua phương án tăng vốn bằng phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận để lại của 5 năm từ năm 2017 đến năm 2021.

Theo đó, ngân hàng dự kiến phát hành hơn 245 triệu cổ phiếu để chi trả cổ tức tỷ lệ 20%, cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu EIB sẽ nhận thêm 2 cổ phiếu mới. Việc chi trả cổ tức bằng cổ phiếu dự kiến thực hiện trong năm 2022 sau khi các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.

Số vốn tăng thêm sẽ được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của ngân hàng với dự kiến đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ, trụ sở làm việc, đầu tư công nghệ,... và mở rộng hoạt động kinh doanh của Eximbank.

Tin ngân hàng nổi bật trong tuần: Eximbank lần đầu trả cổ tức sau 8 năm không chia, tăng trưởng tín dụng ngành đạt 7,75% - Ảnh 1
Ngân hàng Eximbank lần đầu trả cổ tức sau 8 năm không chia

Như vậy, đây sẽ là lần đầu tiên Eximbank thực hiện chia cổ tức cho cổ đông kể từ năm 2014. Trước đó, tại ĐHCĐ thường niên 2021, Nguyên Chủ tịch ngân hàng là ông Yasuhiro Saitohcho cho biết, năm 2022, Eximbank đã thỏa mãn điều kiện cuối cùng để chia cổ tức. Lần chia cổ tức gần đây nhất là 4% cho năm 2013. Ngân hàng không thể chia cổ tức trong những năm qua do chưa thể tổ chức ĐHCĐ.

Ông lớn ngân hàng rao bán loạt khoản nợ trị giá hàng nghìn tỷ đồng

Trong tháng 5, Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV - Mã: BID) đã tiến hành rao bán loạt khoản nợ với tổng trị giá lên tới hơn 1.300 tỷ đồng.

Mới đây nhất, BIDV rao bán khoản nợ của Công ty TNHH GAC Việt Nam phát sinh tại Chi nhánh Trường Sơn với giá khởi điểm tạm tính đến ngày 11/1 là 123 tỷ đồng. Trong đó dư nợ gốc là 104 tỷ đồng và dư nợ lãi là 18 tỷ đồng.

Tài sản đảm bảo cho khoản nợ bao gồm quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở tại số nhà 8A1, đường 379, khu phố 1, phường Tăng Nhơn Phú, quận 9, TP HCM và tại số 38 đường Dương Đúc Hiền, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TP.HCM.

Khoản nợ này trước đó đã từng được BIDV rao bán vào tháng 6/2020 với giá khởi điểm 112,2 tỷ đồng.

Công ty TNHH GAC Việt Nam được thành lập ngày 10/11/2012 với ngành nghề chính là bán buôn nông, lâm sản nguyên liệu (trừ gỗ, tre, nứa) và động vật sống, bán buôn máy móc, thiết bị điện tử, viễn thông. Người đại diện pháp luật là bà Trần Thị Ngọc Bích.

Ngoài ra, ngân hàng Vietinbank cũng thông báo bán đấu giá khoản nợ thương mại lần thứ 4 của công ty TNHH Lợi Nguyên. Tính đến 27/3, toàn bộ số tiền gốc, lãi, lãi quá hạn là hơn 66 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc ngoại bảng gần 21 tỷ đồng, lãi vay trong hạn là 32 tỷ đồng, lãi phạt quá hạn gốc là 13 tỷ đồng.

Giá khởi điểm rao bán VietinBank đưa ra là 48 tỷ đồng. Người tham gia đấu giá phải nộp khoản tiền đặt trước tương đương với 15% giá khởi điểm của tài sản là 7,2 tỷ đồng. Tài sản này vừa được rao bán tuần trước (ngày 19/5) với giá khởi điểm là 53,3 tỷ đồng, như vậy sau một tuần, giá đấu giá đã giảm hơn 5 tỷ đồng.

Tài sản đảm bảo cho khoản nợ là loạt bất động sản tại Bà Rịa - Vũng Tàu, quyền khai thác mỏ đá và một số máy móc, dây chuyền nghiền đá... Cụ thể, tài sản gồm hai quyền sử dụng đất trồng cây lâu năm tại ấp Tân Lễ B, Châu Pha, huyện Tân Thành, rộng 2.528 m2 (thời hạn sử dụng đến năm 2055) và thửa đất 46.343 m2 (thời hạn sử dụng đến 2025). Ngoài ra, tài sản đảm bảo còn có quyền khai thác mỏ đá Lợi Nguyên, hai dây chuyền máy nghiền đá Hàn Quốc công suất 350 tấn/giờ và 250 tấn/giờ, dây chuyền máy nghiền đá Nhật công suất 250 tấn/ giờ và một số loại máy móc khác.

Ngân hàng ACB vượt mặt các ‘ông lớn’ về mức độ chịu chi cho nhân viên trong quý I/2022

Tin ngân hàng nổi bật trong tuần: Eximbank lần đầu trả cổ tức sau 8 năm không chia, tăng trưởng tín dụng ngành đạt 7,75% - Ảnh 2

Ngoài các tin ngân hàng trên, tuần qua Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng công bố quyết định về việc triển khai phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2021.

Cụ thể, ngân hàng sẽ phát hành hơn 675 triệu cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ thực hiện quyền là 25% (phụ thuộc vào sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước). Theo đó, cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu hiện tại sẽ được nhận thêm 25 cổ phiếu mới. 

Sau khi hoàn tất phát hành, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng từ 27.019 tỷ đồng lên hơn 33.774 tỷ đồng. Thời gian dự kiến hoàn thành trong quý III/2022.

Nguồn sử dụng để tăng vốn điều lệ là lợi nhuận có thể sử dụng chia cổ tức sau khi đã trích lập đầy đủ các quỹ và lợi nhuận năm trước còn lại chưa chia là hơn 10.295 tỷ đồng, trong đó số tiền để sử dụng chia cổ tức bằng cổ phiếu là hơn 6.754 tỷ đồng.

Đáng chú ý, tính đến 31/3/2022, ngân hàng ACB vượt mặt cả các ‘ông lớn’ trở thành ngân hàng chịu chi nhất cho nhân viên với mức chi phí bình quân đạt 47,1 triệu đồng/tháng, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước. 

Xếp thứ 2 trong bảng xếp hạng là Techcombank. Ngân hàng này vẫn luôn có vị trí cao về độ chịu chi cho nhân viên với mức là 44,3 triệu đồng/tháng. Đứng thứ ba là Vietcombank với mức chi cho nhân viên là 35,6 triệu đồng/tháng, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước. 

Các ngân hàng đồng loạt xin nới room tín dụng để triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2%

Sáng 27/5, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội nghị triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn Ngân sách nhà nước 40.000 tỷ đồng theo Nghị định 31 của Chính phủ và Thông tư 03 của NHNN với sự tham gia của nhiều ngân hàng.

Tại hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú đã quán triệt các nhiệm vụ, nội dung của Nghị định 31 và Thông tư 03, đồng thời hướng dẫn toàn hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) các vấn đề cụ thể liên quan nhằm sớm triển khai ngay gói tín dụng ưu đãi.

Phó Thống đốc kỳ vọng gói tín dụng ưu đãi 2% có thể được triển khai ngay, góp phần hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã khôi phục sản xuất.

Cùng với tư thế sẵn sàng, các ngân hàng đều có chung băn khoăn về khả năng được nới hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng trong năm.

Đại diện VietinBank nhận định với chương trình hỗ trợ lãi suất này, dự kiến nhu cầu tín dụng của khách hàng sẽ tăng mạnh trong khi room tăng trưởng hiện tại của VietinBank thì khá eo hẹp. Do đó, VietinBank đề xuất NHNN nghiên cứu xin ý kiến Chính phủ có thể có chính sách để hỗ trợ các ngân hàng, có thể loại trừ các khoản cho vay ưu đãi này ra khỏi cách tính room tín dụng.

Đại diện BIDV cho biết trong quý IV vừa qua, nhu cầu tăng trưởng tín dụng tăng cao trong khi room tín dụng chỉ ở mức hơn 10% cũng là khó khăn cho ngân hàng. Do đó, ngân hàng rất mong được sớm nới room tín dụng để có thể triển khai được Nghị quyết 31.

Đồng quan điểm với đại diện các ngân hàng, ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng đánh giá: "Nhu cầu vốn hiện nay là rất lớn, nhu cầu tăng trưởng room tín dụng của các ngân hàng là rất lớn. Do đó, cần cân đối với mức lạm phát để đưa ra ngưỡng tăng trưởng tín dụng hợp lý, nếu không sẽ rất khó cho các ngân hàng khi điều kiện đủ nhưng lại không thể giải ngân do hết room".

VDSC dự báo lợi nhuận trước thuế của Techcombank vượt 29.000 tỷ đồng trong năm 2022

Tin ngân hàng cuối cùng gây chú ý tới thị trường tài chính tuần qua chính là thông tin lợi nhuận trước thuế của Techcombank vượt 29.000 tỷ đồng trong năm 2022.

Cụ thể, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo lợi nhuận trước thuế của ngân hàng Techcombank sẽ đạt 29.088 đồng, tăng 25% so với cùng kỳ vào năm 2022 và 36.245 tỷ đồng vào năm 2023.

Theo VDSC, tăng trưởng tín dụng và chi phí tín dụng biên là động lực tăng trưởng chính của Techcombank trong quý I năm nay. Những yếu tố này đã trực tiếp khiến lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 34% so với cùng kỳ năm trước.

Thu nhập phí tăng trưởng mạnh cũng khiến lợi nhuận trước thuế tăng 5% so với cùng kỳ. NIM không còn là yếu tố đóng góp tăng trưởng lớn kể từ quý III/2021.

Bên cạnh đó, tác động của việc lợi suất trái phiếu cao hơn đối với danh mục đầu tư của Techcombank là khá đáng kể. Thu nhập ngoài lãi khác khiến lợi nhuận trước thuế giảm 14% so với cùng kỳ. Số dư ghi giảm giá ước tính là hơn 500 tỷ đồng.

Chuyên gia kỳ vọng số dự phòng này sẽ được hoàn nhập trong quý tới khi Nghị định 24/2022/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 25/5. Tăng trưởng tín dụng sẽ là 22% so với cùng kỳ trong quý II/2022 dựa trên hạn mức tăng trưởng tín dụng đã cấp.

Tin ngân hàng nổi bật trong tuần: Eximbank lần đầu trả cổ tức sau 8 năm không chia, tăng trưởng tín dụng ngành đạt 7,75% - Ảnh 3

Ngoài ra, bất chấp các điều kiện thắt chặt gần đây trên thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp, nhóm phân tích cho rằng những sự kiện này là một động thái để cải thiện sức khỏe thị trường, hơn là một rủi ro tiềm ẩn có thể ảnh hưởng đến hoạt động hàng năm của ngân hàng.

Theo ước tính của VDSC, thị phần cho vay kinh doanh bất động sản của Techcombank giảm xuống 12-13% trong quý I/2022 từ mức khoảng 15% một năm trước.

Trong khi đó, thị phần cho vay cá nhân mua nhà của ngân hàng tăng từ mức gần 8% trong quý I/2021 lên hơn 9% trong quý I/2022. Con số này vẫn thấp hơn rất nhiều so với 14% thị phần của Vietcombank - một trong những ngân hàng cho vay thế chấp lớn nhất.

Hoàng Long

Theo Sở hữu trí tuệ