Tỉnh có mỏ vàng lớn nhất Việt Nam sẽ lên thành phố trực thuộc Trung ương, hình thành 4 đô thị mới
Đây là một tỉnh ven biển, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với nhiều địa chỉ du lịch thu hút đông đảo du khách thập phương.
Đến năm 2025 sẽ lên thành phố trực thuộc Trung ương
Quảng Nam là tỉnh nằm ngay giữa miền Trung Việt Nam, trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung gồm Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Ngoài ra, tỉnh này còn nằm trên trục giao thông chính từ Bắc vào Nam, có vai trò, vị trí quan trọng và nhiều tiềm năng, thế mạnh, "dư địa" để phát triển nhanh và bền vững.
Vùng Đông Quảng Nam có lợi thế tiếp giáp với TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Ngãi, đặc biệt khu kinh tế Dung Quất, vì vậy với sự liên kết vùng phía Đông thể hiện sự rõ nét, trong khi đó vùng phía Tây có lợi thế có rừng, hệ sinh thái động, đa dạng văn hoá của đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi, tài nguyên khoáng sản, thuỷ điện và có các tiềm năng phát triển các loại dược liệu, chính vì thế xác định phía Tây ưu tiên bảo vệ rừng gắn với phát triển rừng, kinh tế dược liệu và các lâm sản khác ngoài rừng, phát triển kinh tế thuỷ điện bền vững, phát triển các loại khoáng sản, duy trì bảo vệ văn hoá của đồng bào, đồng thời khai thác đưa vào phát triển các loại du lịch cộng đồng.
Với những kết quả đạt được trong thời gian qua, theo phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tỉnh sẽ phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, là trung tâm du lịch quốc tế quan trọng.
Bên cạnh đó, theo Quy hoạch, đến năm 2025, tỉnh Quảng Nam cũng sẽ nâng cấp 2 đô thị Nam Phước và Hà Lam lên đô thị loại IV. 4 đô thị mới được hình thành là là Duy Nghĩa - Duy Hải, Bình Minh, Đại Hiệp, Tam Dân với tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 37%.
Tại Việt Nam, có khoảng 500 điểm khai thác vàng trên cả nước nhưng lại có không nhiều các mỏ quặng vàng lớn. Trong khi đó, theo kết quả thăm dò khoáng sản được phê duyệt bởi Hội đồng Đánh giá trữ lượng khoáng sản Quốc gia, Việt Nam có khoảng 25.084 kg vàng gốc.
Mỏ Bồng Miêu và Phước Sơn (Quảng Nam) được đánh giá là hai trong số những mỏ có trữ lượng vàng lớn (tổng khoảng 20 tấn). Trong đó, theo kết quả thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỏ vàng Bồng Miêu là mỏ vàng có trữ lượng lớn nhất cả nước.
Mỏ vàng Bồng Miêu được mệnh danh là “lãnh địa vàng”, có trữ lượng lớn nhất trên cả nước với sản lượng 12,4 tấn. Mỏ vàng này do Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu được cấp phép khai thác từ năm 1992, thời hạn giấy phép đến 5/3/2016.
Tuy nhiên, cuối năm 2018, Công ty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu bị phá sản. Năm 2019, tại kỳ họp thứ 13 - HĐND tỉnh khóa IX đã thông qua mức kinh phí để thực hiện Đề án đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu (xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh).
Tỉnh thành sở hữu nhiều điểm du lịch nổi tiếng
Là vùng đất sở hữu nhiều danh thắng cổ kính mang vẻ đẹp của tạo hóa, được thiên nhiên ban tặng hệ thống cảnh quan tuyệt đẹp, Quảng Nam đã và đang đẩy mạnh phát triển du lịch. Hiện nay, Quảng Nam luôn nằm top đầu những tỉnh thành có lượng khách ghé thăm cao nhất cả nước.
Phố cổ Hội An
Hội An chắc chắn là nơi không thể bỏ qua khi đến Quảng Nam. Đây là một trong hai Di sản văn hoá thế giới của tỉnh với giá trị văn hoá và kiến trúc cổ còn gần như nguyên vẹn. Hội An còn là điểm đến cho người yêu ẩm thực, thời trang và nhiếp ảnh. Ở Hội An có nhiều món ăn ngon và đặc trưng như cao lầu, mì Quảng, bánh đập, bánh bao - bánh vạc. Hội An còn có những góc phố đẹp, những bức tường vàng cổ kính, mái ngói rêu phong. Phố cổ Hội An được du khách nước ngoài đánh giá là "thành phố đẹp nhất" Việt Nam.
Thánh địa Mỹ Sơn
Thánh địa Mỹ Sơn thuộc huyện Duy Xuyên, cách Hội An 40km. Đây là thánh địa Ấn Độ giáo của Vương quốc Chăm Pa xưa.
Thánh địa Mỹ Sơn nằm trong thung lũng có đường kính khoảng 2km, xung quanh là đồi núi, gồm 70 công trình đền tháp được chia thành nhiều cụm. Kết cấu mỗi cụm gồm đền thờ chính, bao quanh là những ngôi tháp nhỏ. Đền chính tượng trưng cho núi Meru, trung tâm của vũ trụ, là nơi hội tụ của thần linh và thờ thần Siva. Phong cách kiến trúc ở đây được chia làm 6 loại, phong cách cổ, Hòa Lai, Đông Dương, Mỹ Sơn, Po Nagar và phong cách Bình Định. Các họa tiết thường gặp là hoa lá, động vật như voi hoặc sư tử, hình tượng Kala - Makara (biểu tượng của người Chăm Pa), hoạt cảnh vũ nữ Apsara, nhạc công, chư thiên đứng hộ trì hay thủy quái Makara.
Cù Lao Chàm
Cù Lao Chàm cách trung tâm thành phố Hội An gần 20km, có tổng diện tích khoảng 15,5km2 với 3.000 dân sinh sống. Nơi đây bảo tồn gần như nguyên vẹn hệ sinh thái biển gồm 950 loài thủy sinh, trong đó có nhiều loài cá, san hô quý hiếm. Hòn đảo cũng là điểm đến thích hợp để du khách có thể khám phá trong ngày. Chùa Hải Tạng, bến tàu tránh bão, giếng cổ Chăm, di tích Bãi Ông là các điểm đến trên đảo. Du khách cũng có thể đi câu cá, mực, lặn ngắm san hô, thưởng thức hải sản tươi sống.
Các bãi biển
Cửa Đại, Hà My, An Bàng, Thăng Bình là những bãi biển nổi tiếng ở Quảng Nam. Đây đều là những bãi biển đẹp với nước xanh trong, cát trắng, thoai thoải, thích hợp để tắm. Ngoài ra, còn có một số bãi tắm nhỏ hơn như bãi Rạng, biển Tam Thanh cho du khách thoải mái lựa chọn.