Tỉnh duy nhất ở Việt Nam có 3 mặt giáp sông sẽ hình thành 1 sân bay chuyên dụng, 3 tuyến cao tốc, 14 tuyến đường tỉnh mới

Đến năm 2030, địa phương sẽ trở thành địa phương thuộc nhóm phát triển khá và là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của Vùng Đồng bằng sông Hồng.

Theo Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thái Bình mục tiêu đến năm 2030, trở thành địa phương thuộc nhóm phát triển khá và là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của Vùng đồng bằng sông Hồng với tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 13,4 %/năm; GRDP bình quân đầu người tương đương với bình quân chung của cả nước; khách du lịch năm 2030 đạt khoảng 2,4 triệu lượt khách.

Đến năm 2050, Thái Bình là tỉnh phát triển của Vùng đồng bằng sông Hồng; có nền kinh tế phát triển thịnh vượng, xã hội tiến bộ và môi trường sinh thái được đảm bảo.

Vậy quy hoạch của tỉnh Thái Bình có gì đặc biệt?

Tỉnh Thái Bình
Tỉnh Thái Bình

Đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh Thái Bình đạt 35% trở lên với hệ thống 25 đô thị gồm: Một đô thị loại I; một đô thị loại III; 5 đô thị loại IV; 18 đô thị loại V.

Cụ thể, đô thị An Bài đến năm 2030 sẽ nằm trong ranh giới của thị trấn Quỳnh Côi; đô thị Hưng Nhân nằm trong ranh giới của thị trấn Hưng Hà; đô thị Thái Ninh trong thị xã Thái Thụy; đô thị mới Thái Phương trong thị trấn Hưng Hà; đô thị mới Thụy Trường trong thị xã Thái Thụy; đô thị mới Đông Minh trong thị trấn Tiền Hải; đô thị mới Trà Giang trong TP. Thái Bình; đô thị mới Tân Phong trong ranh giới TP. Thái Bình.

Các đô thị: TP. Thái Bình, Quỳnh Côi, Hưng Hà, Đông Hưng, Thái Thụy, Tiền Hải, Kiến Xương, Vũ Thư, Vũ Quý, đô thị mới An Đồng, đô thị mới Quỳnh Ngọc dự kiến được mở rộng phạm vi phân loại đô thị.

Về phương án phát triển một số khu chức năng, tỉnh sẽ xây dựng và phát triển Khu kinh tế Thái Bình thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh; ưu tiên phát triển các khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ, khu công nghiệp phía Bắc và các khu công nghiệp khác trong Khu kinh tế này...

Tỉnh cũng sẽ đầu tư xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Dược - Sinh học đồng bộ, hiện đại, là địa điểm hấp dẫn để thu hút các dự án đầu tư lĩnh vực dược, sinh học.

Hệ thống cụm công nghiệp, toàn tỉnh có 67 cụm công nghiệp được phát triển (trong đó có 24 cụm công nghiệp thành lập mới) với tổng diện tích khoảng 4.198ha. Bên cạnh đó, Quy hoạch cũng đưa ra phương án phát triển khu du lịch.

Cụ thể, Thái Bình sẽ tập trung thu hút đầu tư phát triển các khu du lịch: Khu du lịch nghỉ dưỡng sân gôn Cồn Vành - Cồn Thủ (huyện Tiền Hải); khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái biển Cồn Đen (huyện Thái Thụy); khu du lịch phố biển Đồng Châu xã Đông Minh, xã Đông Hoàng (huyện Tiền Hải).

Ngoài ra trên địa bàn tỉnh có nhiều địa điểm tiềm năng đầu tư, phát triển thành khu du lịch cấp tỉnh như: Làng vườn Bách Thuận (huyện Vũ Thư); vườn hoa cải Hồng Lý (huyện Vũ Thư); cụm di tích Đình - Đền - Bến Tượng, A Sào (huyện Quỳnh Phụ); khu du lịch nghỉ dưỡng khoáng nóng (huyện Hưng Hà)...

Bên cạnh đó, phương án phát triển khu nghiên cứu đào tạo, một khu nghiên cứu đào tạo tại huyện Quỳnh Phụ (có quy mô khoảng 1.000ha) sẽ được hình thành theo hướng trở thành một trung tâm đào tạo nghiên cứu khoa học của vùng và cả nước.

Về phương án phát triển mạng lưới giao thông, trong tương lai, tỉnh Thái Bình sẽ hình thành ba tuyến cao tốc gồm: Cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; đường Vành đai 5 - Hà Nội và tuyến CT16 phục vụ kết nối khu kinh tế với TP. Thái Bình và vùng kinh tế phía Tây Bắc Thủ đô. Các tuyến quốc lộ bao gồm 10, 37, 37B, 39 và 39B thực hiện theo Quy hoạch đã phê duyệt.

Với hệ thống đường tỉnh, Thái Bình sẽ nâng cấp, cải tạo 15 tuyến đường tỉnh hiện có; đầu tư xây dựng mới 14 tuyến, trong đó có 5 tuyến đường tỉnh xác định là trục động lực phát triển kết nối TP. Thái Bình, khu vực cảng biển Thái Bình với các cửa ngõ quan trọng của tỉnh gồm: ĐT467 (Thái Bình - cầu Nghìn); ĐT468 (Diêm Điền - Hưng Hà); ĐT454 (Thái Bình - Đồng Tu); ĐT469 (Thái Bình - Cồn Vành); ĐT464 (Thái Bình - Đông Long) và 9 tuyến quy hoạch mới phục vụ kết nối nội tỉnh.

Một số dự án giao thông được ưu tiên đầu tư gồm: Cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng (CT08); Cao tốc Hưng Yên - Thái Bình (CT16); đường Vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội, đoạn trên địa phận tỉnh Thái Bình; đường và cầu qua sông Luộc thuộc tuyến Vành đai 5 vùng Thủ đô (từ xã Văn Cẩm đến xã Quỳnh Giao)...

Về hệ thống đường sắt, đường sắt đi qua tỉnh Thái Bình thuộc mạng lưới đường sắt quốc gia sẽ thực hiện theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đối với đường hàng không, sau năm 2030, tỉnh nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền bổ sung một sân bay chuyên dụng ven biển Thái Bình vào quy hoạch hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc phục vụ du lịch, công tác cứu hộ, cứu nạn, an ninh quốc phòng khu vực biên giới biển.

Ngoài ra, Tỉnh Thái Bình quy hoạch xây dựng mới ít nhất 42 siêu thị, 35 trung tâm thương mại, trong đó có một trung tâm thương mại hạng I, 23 trung tâm thương mại hạng II - III tại các xã, phường trên địa bàn thành phố, khu vực thị trấn và 11 trung tâm thương mại tại các xã trên địa bàn huyện; quy hoạch xây dựng một Trung tâm Hội chợ Triển lãm tại khu vực TP. Thái Bình.

Thái Bình là một tỉnh ven biển thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng và là tỉnh duy nhất của Việt Nam có 3 mặt giáp sông, 1 mặt giáp biển.

Tỉnh Thái Bình nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Sở hữu đường bờ biển dài 54km với vùng bãi triều rộng lớn và bằng phẳng, Thái Bình có đủ tiềm năng "vàng" để phát triển du lịch cũng như nuôi trồng thủy hải sản.

Quốc Chiến

Theo Chất lượng và cuộc sống