Tỉnh sẽ lên thành phố trực thuộc Trung ương, sắp đón dự án khu công nghiệp gần 3.000 tỷ đồng
Theo đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự án khu công nghiệp này có tổng diện tích hơn 230ha và có thời gian hoạt động là 50 năm.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa ký báo cáo thẩm định số 1468/BC – BKHĐT gửi Thủ tướng Chính phủ về kết quả thẩm định Hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Đồng Văn V giai đoạn 1, tỉnh Hà Nam.
Trên cơ sở các nội dung thẩm định, căn cứ hồ sơ dự án, ý kiến thẩm định của 8 bộ và UBND tỉnh Hà Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng xem xét việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Đồng Văn V giai đoạn 1, tỉnh Hà Nam do CTCP Hạ tầng Hà Nam là nhà đầu tư thực hiện dự án.
Dự án này được triển khai tại phường Tiên Nội, các xã: Tiên Ngoại và Yên Nam, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam với quy mô diện tích sử dụng đất là 237,3ha, trong đó bao gồm diện tích đất hành lang an toàn lưới điện 110kV quy hoạch phân khu xây dựng khu công nghiệp Đồng Văn V đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Tổng vốn đầu tư của dự án khu công nghiệp Đồng Văn V giai đoạn 1, tỉnh Hà Nam là 2.911,3 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 436,7 tỷ đồng.
Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư; tiến độ thực hiện dự án là không quá 36 tháng kể từ ngày được Nhà nước giao đất.
CTCP Hạ tầng Hà Nam có trách nhiệm bố trí đủ số vốn cam kết và thực hiện ký quỹ hoặc có bảo lãnh ngân hàng về nghĩa vụ ký quỹ để bảo đảm thực hiện dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Nhà đầu tư chỉ được thực hiện dự án sau khi việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt và nộp một khoản tiền để bảo vệ, phát triển đất trồng lúa theo quy định.
UBND tỉnh Hà Nam có trách nhiệm chỉ đạo Ban quản lý các khu công nghiệp Hà Nam theo dõi, giám sát quá trình triển khai Dự án, trong đó có việc bố trí đủ số vốn chủ sở hữu theo cam kết; cụ thể hóa phương án huy động vốn vay bằng các hợp đồng tín dụng…
Được biết, trong quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, địa phương sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đô thị thông minh, hiện đại; là trung tâm hậu cần về công nghiệp, công nghệ cao, y tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục đào tạo, dịch vụ du lịch, thương mại của Vùng đồng bằng sông Hồng.