Tỉnh miền Bắc 45 dân tộc sinh sống trở thành 'cứ điểm' cho ngành công nghiệp mới mẻ tại Việt Nam với 3 ‘đại bàng’ ngoại đầu tư 18.000 tỷ đồng
Tỉnh này là một trong những địa phương đi đầu trong ngành công nghiệp bán dẫn với đầu tư của 3 doanh nghiệp nước ngoài có tổng số vốn lên tới 18.000 tỷ đồng.
Hiện nay, công nghiệp bán dẫn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của kinh tế toàn cầu, đặc biệt là trong thời đại số. Do đó, các địa phương đang tập trung chỉ đạo đảm bảo các điều kiện tốt nhất để sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư thuộc ngành công nghiệp bán dẫn...
Một trong những địa phương đi đầu trong bất động sản cho ngành công nghiệp bán dẫn là Bắc Giang. Thống kê của UBND tỉnh Bắc Giang 2 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ở địa phương này tăng 28,71%. Đây là mức tăng cao nhất trong vài năm trở lại đây (năm 2022 tăng 27,6%, năm 2023 tăng 11,2%).
Theo thành phần kinh tế, loại hình doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sản xuất các sản phẩm điện tử vẫn là những nhân tố chính đóng góp vào quy mô giá trị sản xuất cũng như mức tăng trưởng cao trong 2 tháng đầu năm của tỉnh này.
Tổng số lao động làm việc trong các doanh nghiệp ngành công nghiệp bán dẫn hiện nay là 8.074 lao động; trong đó 175 chuyên gia là người lao động nước ngoài, số lao động có trình độ đại học 707 lao động, trình độ cao đẳng là 775 lao động, trình độ trung cấp, sơ cấp là 74 lao động và 6.343 lao động phổ thông.
Đến nay, tại các khu công nghiệp của tỉnh Bắc Giang có 3 doanh nghiệp có ngành nghề sản xuất bán dẫn gồm: Công ty TNHH Hana Micron Vina vốn đầu tư của Hàn Quốc; Công ty TNHH Si Flex Việt Nam vốn đầu tư của Hàn Quốc; Công ty TNHH Synergie Cad Việt Nam vốn đầu tư của Pháp. Doanh thu của 3 doanh nghiệp này khoảng 18.000 tỷ đồng.
Tỉnh Bắc Giang cũng đã tạo điều kiện thuận lợi để thu hút và giữ chân các chuyên gia, nhà nghiên cứu có kinh nghiệm từ trung ương và các doanh nghiệp quốc tế. Sự đa dạng về kiến thức, kinh nghiệm và quốc gia sẽ là nguồn lực quý báu giúp cho ngành công nghiệp bán dẫn ở Bắc Giang phát triển mạnh mẽ và bền vững.
Để thúc đẩy tăng trưởng lĩnh vực công nghiệp trong những tháng tới, phía UBND Bắc Giang cho biết sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp. Đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp, tiến độ giải phóng mặt bằng diện tích còn lại của các khu công nghiệp: Việt Hàn, Quang Châu, Hòa Phú, Song Khê - Nội Hoàng (phía Nam) và các khu công nghiệp mới Yên Lư, khu công nghiệp Hòa Phú mở rộng nhằm tạo quỹ đất sạch sẵn sàng thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển công nghiệp.
Đòn bẩy hạ tầng và các khu công nghiệp khiến cho giá đất tại tỉnh Bắc Giang biến chuyển rõ rệt. Chỉ từ đầu năm 2021 đến nay, giá đất Bắc Giang "nhảy múa" đến chóng mặt, có nơi giá được đẩy lên gấp đôi, gấp 3 lần. Đặc biệt, giá đất hiện đang sốt nhất là tại các huyện có những dự án bất động sản được phê duyệt như Việt Yên, Yên Dũng, Lục Nam...
Theo Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Bắc Giang, giá đất trung bình tại các huyện như Việt Yên, Yên Dũng ở mức cao ngất, hiện dao động từ 30-40 triệu đồng/m2, có nơi lên hơn 50 triệu đồng/m2. Hay một mảnh đất khác cũng có diện tích 77m2 nằm ở xã Hoàng Ninh, huyện Việt Yên được rao với giá 2,92 tỷ đồng.
Trên trang batdongsan.com, đất tại Khu công nghiệp Quang Châu, Việt Yên có diện tích 72m2 được rao với giá 2,5 tỷ đồng, tương đương với giá 34,7 triệu đồng/m2. Mảnh đất được quảng cáo là có khả năng sinh lời bền vững, đất kinh doanh phục vụ công nhân khu công nghiệp...
Trên địa bàn Bắc Giang có 45 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đông nhất là người Kinh, chiếm 88,1% dân số toàn tỉnh, tiếp đến là người Nùng chiếm 4,5%; người Tày 2,6%; người Sán Chay và người Sán Dìu, mỗi dân tộc 1,6%; người Hoa 1,2%; người Dao 0,5%.
Cơ cấu lao động trong tỉnh đang có sự chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng lao động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng lao động trong lĩnh vực sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp. Sự chuyển dịch này phù hợp với xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn tỉnh.