Tỉnh nào đang có tiềm năng thiết lập mặt bằng giá mới, thu hút đầu tư?
(CL&CS) - Việc ngày càng nhiều người đầu tư cộng thêm sự phát triển của cơ sở hạ tầng cho thấy tiềm năng tăng trưởng của thị trường bất động sản tại Lâm Đồng rất lớn.
Theo khảo sát của Batdongsan.com.vn, các dự án 1/500 đầy đủ pháp lý, quy hoạch đồng bộ, có tiện ích cộng hưởng nội - ngoại khu tại Đà Lạt đều có bước tăng giá tốt so với các khu vực khác.
Với các bất động sản đã dần được lấp đầy và hạ tầng ngày càng hoàn thiện, Bảo Lộc (Lâm Đồng) được giới đầu tư bất động sản nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây.
Tại Bảo Lộc, giá đất tại các đường nhánh chính như Hà Giang, Nguyễn Công Trứ, Lý Tự Trọng, Phan Bội Châu… dao động 80-100 triệu đồng/m2. Giá đất tại các khu vực gần trung tâm thành phố là 40-50 triệu đồng/m2. Tại một số khu vực giáp huyện Bảo Lâm, cách trung tâm thành phố 10-15 km, giá đất có thổ cư dao động 15-20 triệu đồng/m2.
Tuy nhiên, hiện các dự án bất động sản tại đây xa trung tâm, chưa có quy hoạch bài bản, thiếu tiện ích và hạ tầng đồng bộ. Do đó, giá trị các dự án này tăng không cao so với các dự án được quy hoạch bài bản, cơ sở vật chất đồng bộ, đặc biệt là liền kề với các tuyến đường trung tâm và cao tốc kết nối giao thương kinh tế của tỉnh.
Từ cuối năm 2021, hoạt động mua bán bất động sản tại Bảo Lộc ngày càng được cơ quan chức năng siết chặt, kéo theo các sản phẩm có pháp lý đầy đủ, quy hoạch bài bản trở nên ngày càng khan hiếm.
Những động thái trên phần nào khiến bất động sản Bảo Lộc có bước chững lại theo thị trường chung. Song, giới chuyên gia đánh giá đây đồng thời là bước chuyển tích cực. Sau khi sàng lọc, đào thải các doanh nghiệp yếu kém, thị trường còn lại những chủ đầu tư mạnh với các dự án minh bạch, tạo động lực cho phát triển bền vững.
Nhìn lại sự phát triển của các khu vực như Quảng Ngãi, Vân Đồn, Bến Lức, Long Thành, việc đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là cao tốc, giúp mở rộng phát triển mọi mặt về kinh tế. Đi kèm đó là các khu đô thị hình thành tại các điểm nối, là nền tảng quan trọng giúp nâng cao giá trị bất động sản của địa phương.
Hiện có khoảng 30 dự án bất động sản nằm dọc cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, trong đó bao gồm loại hình thấp tầng như nhà phố, biệt thự và căn hộ cao tầng. Ở phía Bắc, dù mới đưa vào khai thác được gần 3 tháng, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đã cho thấy rõ hiệu quả thu hút nguồn vốn đầu tư cho Quảng Ninh.
Theo xu hướng, thị trường bất động sản Bảo Lộc hứa hẹn được các nhà đầu tư hướng đến trong thời gian tới. Bảo Lộc sở hữu cơ sở hạ tầng, giao thông được quy hoạch bài bản và đạt chuẩn, kết nối đa hướng, đa chiều, giúp rút ngắn thời gian di chuyển, phát triển tam giác giao thương khu vực.
Ngoài ra, theo phương án phát triển thành phố Bảo Lộc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được tổ chức lấy ý kiến, Bảo Lộc được định hướng trở thành đô thị sinh thái, thông minh, đa chức năng và là đô thị trung tâm phát triển các chức năng của đô thị tỉnh.
Cùng với đó, quỹ đất ở các thành phố lớn ngày càng ít, nguồn vốn đầu tư dần chuyển sang vùng ven, đô thị vệ tinh. Điều này khiến Bảo Lộc càng gia tăng sức hút.
Có thể thấy ở hiện tại, giá bất động sản Bảo Lộc đang ở mặt bằng chung, lý tưởng cho các nhà đầu tư. Định hướng phát triển về cơ sở hạ tầng và hoàn thiện để đạt chuẩn đô thị loại 2 của thành phố Bảo Lộc trong thời gian tới, cộng với việc nới room tín dụng sau thời gian dài thắt chặt sẽ là đòn bẩy giúp giá bất động sản nơi đây tăng. Đặc biệt sau năm 2025, bất động sản Bảo Lộc được giới chuyên gia dự đoán có bước nhảy vọt về giá trị nhờ sự thúc đẩy từ hạ tầng cao tốc Dầu Giây - Liên Khương.
Tập đoàn, doanh nghiệp lớn xuất hiện tại Lâm Đồng
Mới đây, Lâm Đồng ban hành Quyết định số 2023/QĐ-UBND về việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án khu đô thị mới Nam sông Đa Nhim quy mô gần 12.000 tỷ đồng. Theo đó, dự án khu đô thị mới Nam sông Đa Nhim tại thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, có diện tích 153,65 ha. Trong đó có 442.945 m2 đất ở, 63.971 m2 đất công trình công cộng dịch vụ đô thị, 45.199 m2 đất công cộng đơn vị ở,…
Dự án có quy mô đầu tư xây dựng và cơ cấu sản phẩm kinh doanh gồm 3.565 căn nhà ở thương mại với tổng diện tích sàn khoảng 1,6 triệu m2; đầu tư xây dựng công trình thương mại dịch vụ có chiều cao 3 tầng và 15 tầng; đầu tư xây dựng công trình công cộng đơn vị ở với chiều cao 3 tầng;…
Tổng vốn đầu tư dự án là 11.843 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng, trang thiết bị, chi phí khác khoảng 9.623 tỷ đồng và chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng khoảng 2.211 tỷ đồng. Trong quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư vừa được ban hành, đơn vị đề nghị thực hiện dự án đầu tư là Công ty CP Tập đoàn Ecopark.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng mới quyết định giao đất, cho thuê đất (đợt 3) đối với liên danh HUD gồm Tổng công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD), Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Hợp Phú và Công ty Cổ phần đầu tư bất động sản Tara - Land để thực hiện dự án Khu dân cư số 5 giai đoạn 2 tại TP. Đà Lạt. Tổng diện tích đất giao, cho liên danh HUD thuê theo quy hoạch là 108.011 m2.
Trong đó, diện tích đất giao, cho chủ đầu tư thuê là 57.553m2 gồm 14.617m2 đất ở phục vụ kinh doanh và 42.936m2 đất cho thuê trả tiền hằng năm (gồm đất giáo dục, đất mặt nước chuyên dùng và đất công trình công cộng), thời hạn thuê, giao đất đến hết ngày 30/3/2060.
Cùng với đó, diện tích đất sau khi liên danh HUD hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng, nghiệm thu đưa vào sử dụng bàn giao lại cho địa phương quản lý là 50.458m2, gồm 26.727m2 đất ở tái định cư và 23.731m2 đất giao thông, giao thông đối ngoại, hạ tầng kỹ thuật,…
Dự án Khu dân cư số 5 có tên thương mại là Đà Lạt Paradise Garden. Dự án Đà Lạt Paradise Garden được duyệt quy hoạch lần đầu vào năm 2015, có quy mô khoảng 37,5ha, bao gồm 250 lô đất biệt thự, 278 lô nhà ở nhà ở thấp tầng, biệt thự phục vụ tái định cư và các công trình hỗn hợp…