Tỉnh thuộc vùng Trung du miền núi Đông Bắc sắp lên TP trực thuộc Trung ương: Sẽ trở thành 'mỏ vàng' thu hút FDI cao nhất cả nước
Tỉnh này là một trong những trung tâm chính trị, kinh tế của khu vùng Trung du miền núi Đông Bắc, đồng thời còn là cửa ngõ giao lưu kinh tế, xã hội giữa vùng Trung du miền núi với vùng Đồng bằng Bắc Bộ.
Vừa qua, Thủ tướng Chính Phủ đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, đến năm 2030, tỉnh Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm sản xuất điện, điện tử, cơ khí chế tạo trình độ cao và phấn đấu đến năm 2050 xây dựng tỉnh Thái Nguyên đạt tiêu chuẩn để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Để đạt những mục tiêu đề ra, tỉnh Thái Nguyên đã có những bước chuyển mình, bằng chứng là những chỉ số đạt mức mức khá trở lên.
Cụ thể, năm 2023, thu ngân sách của tỉnh đạt hơn 20.000 tỷ đồng (tăng 2.000 tỷ so với 2022); tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt trên 67.000 tỷ; thu nhập bình quân đầu người đạt 113 triệu đồng/người/năm và mức tăng trưởng kinh tế trên 5%, dẫn đầu về chỉ số tăng trưởng so với các tỉnh trong vùng Trung du miền núi phía Bắc.
Năm 2023, thu hút vốn đăng ký đầu tư FDI tăng thêm vào các khu công nghiệp của tỉnh đạt 417,605 triệu USD, vượt 39,2% kế hoạch năm. Thái Nguyên tiếp tục thuộc top các tỉnh, thành phố thu hút vốn FDI cao nhất cả nước. Lũy kế đến nay, riêng trong các khu công nghiệp của tỉnh có 302 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trong đó có 167 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký trên 10,83 tỷ USD.
Điển hình nhất là dự án xây dựng nhà máy sản xuất điện thoại của Samsung tại khu công nghiệp Yên Bình. Tính đến 2023, tổng mức đầu tư của Samsung tại Thái Nguyên lên gần 7,5 tỷ USD (chiếm gần 73% tổng số vốn đầu tư FDI toàn tỉnh) cho các dự án tại Thái Nguyên.
Điều đó đã góp phần thúc đẩy cơ cấu kinh tế tỉnh Thái Nguyên được chuyển dịch hợp lý, trong đó: Nông - lâm nghiệp - thủy sản chiếm 10%; dịch vụ - thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 32%; đặc biệt là công nghiệp - xây dựng chiếm 58% cơ cấu.
Tỉnh Thái Nguyên phát triển nhanh chóng một phần nhờ có hệ thống giao thông được đầu tư bài bản như: Quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên - Chợ mới Bắc Kạn; Quốc lộ 37; Quốc lộ 1B…
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh đang đầu tư một số tuyến đường trọng điểm khác như đường liên kết với tỉnh Bắc Giang, Vĩnh Phúc và đường Vành đai 5. Điều này tạo thuận lợi để Thái Nguyên kết nối với các địa phương và cửa khẩu quốc tế.
Thái Nguyên là tỉnh với nhiều làng nghề truyền thống, tính đến tháng 12/2022, toàn tỉnh có 272 làng nghề được công nhận, trong đó có 184 làng nghề truyền thống và 88 làng nghề. Nổi tiếng nhất là nghề trồng và chế biến chè với sản lượng và chất lượng đứng hàng đầu cả nước.
Năm 2024, tỉnh Thái Nguyên đặt mục tiêu đạt mức tăng trưởng 7,5%, thu ngân sách tỉnh đạt 19.500 tỷ. Đây sẽ là nền tảng vững chắc để tỉnh Thái Nguyên đạt được những mục tiêu đề ra và hướng đến mục tiêu xa hơn trở thành thành phố trực thuộc trung ương.
Thái Nguyên là tỉnh tiếp giáp với Hà Nội có diện tích tự nhiên khoảng 3.550km2, dân số khoảng 1,3 triệu người (tính đến năm 2022).
Tỉnh Thái Nguyên được xem là một trong những trung tâm chính trị, kinh tế của khu vùng Trung du miền núi Đông Bắc, đồng thời còn là cửa ngõ giao lưu kinh tế, xã hội giữa vùng Trung du miền núi với vùng Đồng bằng Bắc bộ.
Tỉnh Thái Nguyên có 9 đơn vị hành chính gồm 6 huyện và 3 thành phố là TP. Thái Nguyên, ThP. Sông Công và TP. Phổ Yên, trong đó, TP. Phổ Yên là thành phố mới được thành lập năm 2022, phấn đấu từ một thị xã phát triển nhanh và bền vững.