TISCO 2 hơn 8.100 tỷ: 'Đắp chiếu' 17 năm, vẫn loay hoay tìm cách xử lý
Sau nhiều năm đàm phán với nhà thầu không đem lại kết quả về xử ý vướng mắc, tồn đọng tại dự án TISCO2 vốn đầu tư hơn 8.100 tỷ, mới đây Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã chỉ đạo việc chấm dứt, thanh lý hợp đồng EPC với nhà thầu MCC (Trung Quốc)
Chấm dứt hợp đồng, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho nhà nước
Đó là chỉ đạo tại buổi làm việc của ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp (CMSC) với các đơn vị về phương án xử lý Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên ngày 12/11 tại Hà Nội.
Ông Nguyễn Hoàng Anh đánh giá công tác xử lý vướng mắc, tồn đọng tại Dự án TISCO 2 là nhiệm vụ hết sức quan trọng đã được Bộ Chính trị, Ban cán sự đảng Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Lãnh đạo Chính phủ Kết luận và chỉ đạo quyết liệt để triển khai trong nhiều năm qua.
Do đó, Chủ tịch CMSC yêu cầu SCIC, VNS và TISCO (trực tiếp là Chủ tịch Hội đồng thành viên/ Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc) chỉ đạo thực hiện theo đúng yêu cầu của cấp có thẩm quyền và hoàn thành nhiệm vụ đã được Bộ Chính trị họp và Kết luận ngày 08/11/2024.
Về phương án, người đứng đầu CMSC giao nhiệm vụ cho Chủ tịch Hội đồng thành viên phối hợp với Hội đồng thành viên SCIC, chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện việc chấm dứt, thanh lý hợp đồng EPC với nhà thầu MCC (Trung Quốc), hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại tài sản của nhà Nhà nước; khẩn trương chỉ đạo các doanh nghiệp (SCIC, VNS, TISCO) nghiên cứu, lựa chọn phương án xử lý tiếp theo đối với dự án, bảo đảm hiệu quả tối ưu, đúng quy định; bảo đảm lợi ích cao nhất của Nhà nước, quyền lợi của người lao động, góp phần phát triển ngành Công nghiệp thép Việt Nam trong thời gian tới.
Đồng thời, điều động và bổ sung nhân sự có trình độ, năng lực chất lượng cao của SCIC, VNS để chuyên trách thực hiện và trực tiếp tham gia cùng TISCO hoàn thành các nhiệm vụ theo các nội dung chỉ đạo của Ủy ban.
Cùng với đó, cũng yêu cầu Ban Kiểm soát SCIC chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện của Chủ tịch Hội đồng thành viên, Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc SCIC và các doanh nghiệp (SCIC, VNS, TISCO).
Trước đó vào tháng 7/2024, Tổng Công ty Thép Việt Nam cũng đã trình Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Chính phủ phương án giải quyết cuối cùng với dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên (TISCO 2). Phương án đề xuất sẽ là chấm dứt hợp đồng EPC với nhà thầu là Tập đoàn Khoa học Công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC).
Tổng Công ty Thép Việt Nam cho biết, để có được tờ trình này, từ tháng 3/2024, hai bên đã cùng thực hiện kiểm đếm hàng nghìn trang thiết bị, vật tư đang được lưu giữ trong khi với sự chứng kiến và tham gia của tư vấn độc lập.
TISCO 2: Hơn 10 năm loay hoay phương án xử lý hơn 8.100 tỷ
Theo Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, TISCO 2 được coi là một trong những dự án khó xử lý nhất trong số 12 dự án, doanh nghiệp thua lỗ của Bộ Công thương.
Uỷ ban Quản lý vốn cho biết, cũng đã có nhiều buổi làm việc cùng với các cơ quan, đơn vị liên quan, tích cực chỉ đạo các doanh nghiệp khẩn trương có phương án xử lý dứt điểm các tồn tại, vướng mắc theo quy định của pháp luật và các ý kiến chỉ đạo của Chính phủ.
Cụ thể, vướng mắc chính của dự án TISCO 2 liên quan đến tranh chấp giữa chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO) và nhà thầu là Tập đoàn Khoa học Công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC) về hợp đồng nhà thầu trọn gói (hợp đồng EPC).
Để giải quyết dứt điểm vướng mắc, mới đây nhất trong khuôn khổ chuyến công tác tại Trung Quốc của CMSC vào tháng 3/2023, các bên liên quan của dự án Tisco 2 tiến hành nhiều buổi đàm phán. Kết thúc đàm phán, hai bên ký kết biên bản làm việc, trong đó đưa ra các nguyên tắc xử lý cơ bản như đề xuất của MCC về phương hướng giải quyết và đặc biệt là kế hoạch kiểm tra, đánh giá thiết bị với các mốc thời gian biểu cụ thể để làm cơ sở để triển khai các bước đi tiếp theo.
“7 năm đàm phán trước đó giữa TISCO và MCC bế tắc, không ký kết được bất kỳ văn bản nào thì đây là một bước tiến quan trọng”, Uỷ ban Quản lý vốn đánh giá.
Ngay sau đó, dựa trên kết quả đàm phán, cuối tháng 3/2023, đoàn chuyên gia của MCC sang Việt Nam để kiểm tra, đánh giá thiết bị, công trình tại hiện trường, làm cơ sở để đề xuất phương án khôi phục dự án Tisco 2.
Đến cuối ngày 25/4/2023, đoàn chuyên gia MCC gửi TISCO bản báo cáo kết quả đánh giá và đề xuất sơ bộ đối với phương án xử lý tiếp theo đối với dự án Tisco 2.
Trước đó, vào năm 2021, Công ty Cổ phần Gang Thép Thái Nguyên (TISCO) cũng đã có văn bản gửi các cơ quan chức năng đề xuất cho triển khai tiếp giai đoạn 2 mở rộng đang bị đình trệ với cam kết sẽ làm cho dự án hoạt động có hiệu quả sau vài năm.
Theo đề xuất của lãnh đạo TISCO thời điểm đó, để khôi phục dự án giai đoạn 2, công ty có thể sẽ đứng ra tự làm và thuê người để đưa nhà máy luyện cốc vào vận hành trước. Phương án được TISCO đề xuất mỗi năm sẽ giúp nhà máy giai đoạn hai giảm giá thành khoảng 300 tỷ đồng.
Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên (TISCO 2) được khởi công tháng 9/2007 với tổng mức đầu tư 3.843 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự án là đến hết năm 2014.
Tháng 5/2013, Chủ tịch HĐQT TISCO quyết định phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án lên hơn 8.104 tỷ đồng (tăng thêm 4.261 tỷ đồng) và dừng triển khai từ đó cho đến nay.
Đây là một trong 12 đại dự án thua lỗ ngàn tỷ của Bộ Công thương. Được biết, hiện nhiều dự án trong số này đã có tiến triển trong hoạt động sản xuất kinh doanh và đạt được những kết quả bước đầu khả quan như: Nhà máy sản xuất phân bón DAP 1 của Công ty cổ phần DAP – Vinachem, Dự án sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ (DTY), Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình, Dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc…
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều dự án nằm đắp chiếu, chưa có phương án xử lý dứt điểm như Nhà máy Sản xuất bột giấy Phương Nam, Nhà máy Ethanol Dung Quất - Quảng Ngãi, Nhà máy Ethanol Phú Thọ …gây lãng phí hàng ngàn tỷ đồng.