Tổng Công ty Xi măng lỗ nặng 1.600 tỷ với đầu tư dài hạn
Năm 2023, 14/31 khoản đầu tư dài hạn của Tổng công ty Xi măng lỗ với tổng số tiền 1.610 tỷ đồng, còn lại 17/31 công ty lãi chỉ 186 tỷ đồng.
Thanh tra Bộ Tài chính mới ban hành KLTT đối với Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem).
Theo KLTT, tại 31/12/2023, Công ty mẹ - Tổng công ty đã đầu tư vào 31 công ty với tổng số tiền là 13.973 tỷ đồng, chiếm 93% vốn góp chủ sở hữu.
Trong đó, Công ty mẹ - Tổng công ty đã đầu tư vào 3 công ty con do công ty mẹ nắm giữ 100% vốn điều lệ số tiền 3.927 tỷ đồng, đầu tư vào 14 công ty con cổ phần số tiền 7.698 tỷ đồng, đầu tư 10 công ty liên doanh, liên kết số tiền 2.005 tỷ đồng và đầu tư vào 4 công ty khác số tiền 342 tỷ đồng.
Về hiệu quả hoạt động đầu tư dài hạn, năm 2023, có 17 công ty có kết quả kinh doanh lãi là 186 tỷ đồng, có 14 công ty có kết quả kinh doanh lỗ số tiền 1.610 tỷ đồng (trong đó, Xi măng Hạ Long có số lỗ lớn nhất là 647,8 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, có 15 Công ty lỗ luỹ kế đến 31/12/2023 với số tiền là 7.923 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ góp vốn Công ty mẹ - Tổng công ty tại từng công ty là 5.895 tỷ đồng, bằng 85,3% vốn công ty mẹ đã đầu tư tại các công ty này.
Đáng chú ý, trong số doanh nghiệp lỗ có đến 8/10 công ty con sản xuất xi măng thuộc Tổng công ty xi măng Việt Nam, số tiền lỗ luỹ kế đến 31/12/2023 là 6.702 tỷ đồng.
Các nguyên nhân 10 công ty con sản xuất xi măng có hiệu quả thấp, nhiều công ty lô lớn trong năm 2023 và lỗ luỹ kế 6.702,6 tỷ đồng chủ yếu là do:
Lỗ lũy kế của 03 đơn vị Tổng công ty nhận bàn giao phần vốn nhà nước từ địa phương hoặc các doanh nghiệp khác thuộc Bộ Xây dựng (tính đến thời điểm 31/12/2023 là 6.341 tỷ đồng, tại thời điểm bàn giao đã lỗ 4.070,4 tỷ đồng).
Sản lượng sản xuất thấp hơn nhiều công suất thiết kế tối đa dẫn đến định phí tính trên 1 đơn vị sản phẩm tăng và các chi phí duy trì bảo dưỡng tăng theo. Giá bán clinker, xi măng không tăng và một số sản phẩm thấp hơn giá thành toàn bộ. Chi phí lãi vay lớn do một số công ty đầu tư chủ yếu bằng vốn vay.
Do tỷ giá biến động dẫn đến phát sinh chi phí tài chính do lỗ chênh lệch tỷ giá lớn. Chi phí khấu hao tính trên 1 đơn vị sản phẩm tăng do sản lượng sản xuất thấp hơn công suất tối đa. Giá nguyên vật liệu đầu vào tăng làm tăng chi phí dẫn đến hiệu quả kinh doanh thấp...
Do các dự án vốn đầu tư lớn, triển khai chậm tiến độ ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Ngày 31/12/2023, Công ty mẹ - Tổng công ty trích lập dự phòng tổn thất các khoản đầu tư với số tiền là 3.017.880.952.432 đồng đối với 07 khoản đầu tư.