Tổng đầu tư Dự án Vành đai 4 tăng gấp đôi sau 10 năm nằm 'trên giấy'
Theo tính toán của UBND TP Hà Nội, tổng mức đầu tư của dự án nếu xây dựng đường cao tốc đi trên cầu cạn toàn tuyến khoảng 135.000 tỷ đồng, còn theo phương án đầu tư xây dựng cao tốc đi bằng, kinh phí khoảng 105.000 tỉ đồng.
Như vậy, sau 10 năm nằm “trên giấy”, tổng mức đầu tư của tuyến đường vành đai 4 có thể được điều chỉnh tăng gấp đôi, so với mức đầu tư ban đầu là 66.500 tỷ đồng.
Thực trạng tuyến đường vành đai 4
Ngày 6/5, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Giao thông Vận tải, Thường trực các Tỉnh ủy: Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang để thống nhất về định hướng, quy hoạch, phương án đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 4, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng và Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chủ trì hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, ông Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, cần đẩy mạnh triển khai tuyến đường vành đai 4 để khắc phục tình trạng quá tải về giao thông, giúp mở rộng không gian, nguồn lực phát triển, khả năng liên kết, giao thương hàng hóa với các tỉnh lân cận trong vùng Thủ đô cũng như vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; giúp Hà Nội và các tỉnh: Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang... từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông theo quy hoạch.
Về tình hình dự án đường Vành đai 4, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Dương Đức Tuấn thông tin, dự án đường vành đai 4 được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch chi tiết từ năm 2011 với chiều dài toàn tuyến khoảng 98 km, đi qua 14 huyện của 3 tỉnh: Hà Nội (56,5 km), Hưng Yên (20,3 km) và Bắc Ninh (21,2 km).
Theo báo cáo của Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, vào giai đoạn trước, thành phố đã nghiên cứu đầu tư phần tuyến nằm trên địa phận thành phố, kết quả đã có 3 nhà đầu tư đề xuất đối với 4 đoạn tuyến theo hình thức đầu tư PPP, loại hợp đồng BT, BOT.
Tuy nhiên, theo Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư ngày 18/8/2020 thì loại hợp đồng BT không còn được quy định trong Luật.
Bên cạnh đó, trên cơ sở đề xuất của các địa phương và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đang nghiên cứu lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để đầu tư toàn bộ tuyến đường vành đai 4 - vùng Thủ đô theo quy mô mặt cắt của từng đoạn tuyến qua các tỉnh, thành phố.
Tuy nhiên, các phương án đưa ra đều có những ưu điểm, hạn chế riêng; cùng với những khó khăn về nguồn lực đầu tư, cơ chế và hình thức đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư... nên đến nay, dự án vẫn đang tiếp tục trong giai đoạn nghiên cứu.
Ngoài ra, TP Hà Nội cũng đề xuất, ngoài việc nghiên cứu theo quy hoạch chi tiết tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cần nghiên cứu thêm phương án Quy hoạch xây dựng phần đường cao tốc là cầu cạn trên cao thay cho việc đi bằng hiện nay, với quy mô 04-06 làn xe cao tốc.
Tổng mức đầu tư tăng gấp đôi sau 10 năm nằm “trên giấy”
Về vốn đầu tư, theo tính toán của UBND TP Hà Nội, để đầu tư toàn tuyến vành đai 4 phần kinh phí đầu tư xây dựng theo phương án cao tốc đi bằng khoảng 105.000 tỉ đồng, theo phương án cao tốc đi trên cầu cạn toàn tuyến khoảng 135.000 tỉ đồng (đã bao gồm 2 cầu lớn vượt sông Hồng).
Phần kinh phí bồi thường, hỗ trợ, GPMB theo chỉ giới 120m khoảng 25.000 tỉ đồng (trong đó, Hà Nội khoảng 16.000 tỉ đồng, Hưng Yên khoảng 3.500 tỉ đồng, Bắc Ninh khoảng 5.500 tỉ đồng).
Trong các phương án đầu tư được UBND TP Hà Nội đưa ra, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể ủng hộ phương án đầu tư đường cao tốc đi trên cầu cạn toàn tuyến (tổng mức đầu tư 135.000 tỷ đồng), dù cao hơn phương án cao tốc đi bằng 20.000 tỷ đồng, nhưng công năng sử dụng, ý nghĩa lâu dài và hiệu quả đầu tư cao hơn.
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, để dự án triển khai thuận lợi, nên giao cho Hà Nội làm tổng chỉ huy đầu tư xây dựng. Đối với công tác giải phóng mặt bằng, mỗi địa phương chủ động thực hiện phần việc theo địa bàn mình quản lý.
Cuối cùng, hội nghị đã thống nhất tổ chức triển khai đầu tư khép kín toàn bộ tuyến đường vành đai 4 theo hình thức đầu tư hỗn hợp, đề xuất đưa vào danh mục công trình giao thông trọng điểm quốc gia để tập trung chỉ đạo.
Đồng thời, thống nhất báo cáo Thủ tướng xem xét, điều chỉnh bổ sung phương án thành phần đường cao tốc trên cao thay cho việc đi bằng như quy hoạch hiện nay; bên cạnh đó, nghiên cứu đầu tư mới và nâng cấp đoạn đi trùng quốc lộ 18 (phía bắc sân bay Nội Bài) để khép kín tuyến đường vành đai 4.
Về phương án tài chính cho việc đầu tư tuyến đường vành đai 4, hội nghị thống nhất đề xuất báo cáo Thủ tướng đầu tư theo hình thức hỗn hợp, gồm: Đầu tư công và phương thức PPP (đối tác công - tư), loại hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) cho toàn tuyến, bao gồm cả thành phần đường cao tốc trên cao là 100% BOT.
Thời gian hoàn thành dự án dự kiến trong 2 nhiệm kỳ. Nhiệm kỳ này, phấn đấu hoàn thành các thủ tục đầu tư, cơ chế, giải phóng mặt bằng, huy động nguồn lực và khởi công công trình.
Theo tìm hiểu, tại Quyết định số 1278/QĐ-TTg ngày 29/7/2011 phê duyệt quy hoạch chi tiết đường Vành đai 4 của Thủ tướng Chính phủ, dự án quy mô cao tốc 6 làn xe với tổng mức đầu tư khoảng 66.500 tỉ đồng.
Yêu cầu được Thủ tướng đặt ra là dự án hoàn thành đầu tư thông tuyến trước năm 2020. Như vậy, 10 năm đã trôi qua kể từ ngày được phê duyệt, dự án vẫn chưa được triển khai.
Không những vậy, sau 10 năm nằm “trên giấy”, tổng mức đầu tư của tuyến đường vành đai 4 đã tăng gấp đôi, từ 66.500 tỷ đồng lên đến 135.000 tỷ đồng.
Các địa phương đủ nguồn lực để triển khai?
Liên quan đến tiến độ thực hiện dự án này, tại một Báo cáo của Bộ GTVT gửi Thủ tướng Chính Phủ, Bộ GTVT cho biết, qua rà soát tiến độ đầu tư hoàn thành các đoạn tuyến vành đai 4, qua địa bàn thành phố Hà Nội chưa đáp ứng được tiến độ.
Nguyên nhân việc triển khai chậm, theo Bộ GTVT do quy mô quy hoạch các tuyến là khá lớn, trải dài đi qua nhiều địa bàn, trong khi khả năng huy động nguồn lực của các địa phương khó khăn.
Tổng mức đầu tư lớn dẫn đến ngân sách địa phương không đủ khả năng cân đối thực hiện. Việc kêu gọi đầu tư với kinh phí lớn là rất khó khăn, và việc áp dụng hình thức đầu tư PPP vẫn chưa thực sự hấp dẫn nhà đầu tư. Điều kiện thủ tục đầu tư các dự án theo hình thức BT đổi đất lấy hạ tầng phức tạp, không khả thi đối với các địa phương ngoài thủ đô Hà Nội.
Ngoài ra, các tuyến vành đai được quy hoạch với vai trò là tuyến giao thông kết nối Vùng nhưng hiện chưa có cơ chế, chính sách đặc thù trong việc triển khai, huy động, ưu tiên nguồn lực đầu tư.
Riêng đoạn thuộc địa phận thành phố Hà Nội, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện cho rằng, quy mô quy hoạch tuyến đường khá lớn, trải dài qua nhiều địa bàn; tổng mức đầu tư lớn nên ngân sách địa phương không đủ khả năng cân đối thực hiện và việc kêu gọi đầu tư cũng gặp nhiều khó khăn.
Vì vậy, với việc tăng tổng mức đầu tư lên gấp đôi thì vấn đề đặt ra là liệu các địa phương có đủ nguồn lực để triển khai dự án theo kế hoạch? Khi mức đầu tư trước đó chỉ bằng một nửa tổng mức đầu tư hiện tại, các địa phương đã gặp rất nhiều khó khăn trong huy động nguồn lực cho dự án? Cũn chính vì thế, tuyến đường này đã chậm triển khai hàng chục năm.
Trước đó, để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, TP Hà Nội kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành cơ chế, chính sách đặc thù trong huy động vốn, kêu gọi đầu tư và thủ tục đầu tư để Bộ GTVT và UBND các tỉnh, thành phố trong phạm vi dự án tổ chức triển khai đầu tư.