Ngừng Dự án Khu nhà ở thương mại đường sắt Dĩ An (mở rộng): Người dân chịu thiệt thòi

Trước quyết định tạm ngưng Dự án Khu nhà ở thương mại đường sắt Dĩ An để điều tra và xem xét một số sai phạm liên quan đến sử dụng đất đai, bên cạnh chủ đầu tư thì những người dân bỏ tiền ra mua nhà đang thấp thỏm “như ngồi trên đống lửa”.

Trước quyết định tạm ngưng Dự án Khu nhà ở thương mại đường sắt Dĩ An để điều tra và xem xét một số sai phạm liên quan đến sử dụng đất đai, bên cạnh chủ đầu tư thì những người dân bỏ tiền ra mua nhà đang thấp thỏm “như ngồi trên đống lửa”.

Ngừng Dự án Khu nhà ở thương mại đường sắt Dĩ An (mở rộng): Người dân chịu thiệt thòi - Ảnh 1

Xuất hiện dấu hiệu sai phạm

Ngày 29/10/2021, liên quan đến dự án này, ông Mai Hùng Dũng – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương đã ký công văn về việc thu hồi Quyết định số 509 ngày 1/3/2018 của UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành.

Trước đó, vào ngày 01/03/2018, cũng chính ông Mai Hùng Dũng đã ký Quyết định số 509/QĐ-UBND về việc cho phép Công ty TNHH Phát triển Nhà xe lửa Dĩ An chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án Khu nhà ở thương mại đường sắt mở rộng, điều chỉnh mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án Khu nhà ở thương mại đường sắt hiện hữu thuộc phường Dĩ An, thị xã Dĩ An (nay là TP.Dĩ An, tỉnh Bình Dương). Được biết, lý do thu hồi và cho tạm ngưng là để phối hợp cùng các cơ quan chức năng rà soát lại các nội dung liên quan theo ý kiến của bộ, ngành Trung ương và theo quy định pháp luật.

Hàng trăm đơn thư phản ánh từ các hộ dân được gửi đến cơ quan, bộ ngành và mong được xử lý triệt để. Nội dung đều đề cập đến tình trạng nhận thấy sai phạm khi chủ đầu tư dự án “hô biến” trạm vật tư đường sắt để tự tách thửa, phân lô bán nền.

Theo UBND tỉnh Bình Dương, phạm vi ngừng hoạt động là toàn bộ dự án với mục đích thực hiện rà soát việc quản lý, sử dụng đất theo ý kiến của Bộ Giao thông – Vận tải và các bộ, ngành Trung ương. Thời gian ngưng hoạt động kể từ ngày 4/8 đến khi được UBND tỉnh hoặc các cơ quan chức năng có thẩm quyền cho phép.

Theo đại diện chủ đầu tư cho biết, dự án Khu nhà ở thương mại đường sắt mở rộng đã được cơ quan chức năng cho phép chuyển mục đích sử dụng đất và phê duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/500.

Hiện, dự án đang tạm ngưng vì liên quan đến tuyến đường ray của Trạm Vật tư đường sắt Dĩ An. Do đó, Công ty TNHH Phát triển Nhà xe lửa Dĩ An đang làm việc với cơ quan chức năng để làm rõ nhằm tiếp tục hoàn thiện dự án.

Hiện trạng Dự án Khu nhà ở thương mại đường sắt (mở rộng)
Hiện trạng Dự án Khu nhà ở thương mại đường sắt (mở rộng)

Người dân thiệt đủ đường

Nhiều khách hàng cho biết, từ năm 2017, họ đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư để mua đất tại dự án Khu nhà ở thương mại đường sắt (mở rộng) với Công ty TNHH Phát triển Nhà xe lửa Dĩ An. Tuy nhiên, đến tận bây giờ người dân vẫn chưa được bàn giao tài sản sau 5 năm góp vốn.

Hiện dự án Khu nhà ở thương mại đường sắt quy mô 6,4ha đã được chủ đầu tư thực hiện xong công tác xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hoàn thiện được hơn 90 căn nhà liền kề (tổng số quy hoạch 386 căn liền kề), trong số đó nhiều người dân đã vào ở. Riêng dự án Khu nhà ở thương mại đường sắt mở rộng, quy mô 4,7ha hiện đang bị tạm ngưng triển khai do “trục trặc” vấn đề liên quan đến việc tháo dỡ Trạm vật tư đường sắt Dĩ An để phân lô bán nền khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Bất ngờ trước thông tin dự án bị tạm ngưng, nhiều khách hàng đang rất lo lắng và như “ngồi trên đống lửa”. Theo ông Huỳnh Thanh Minh, khách hàng mua đất tại đây cho biết, năm 2018, sau khi tìm hiểu kỹ pháp lý dự án, ông và nhiều người mua đất nền tại dự án Khu nhà ở thương mại đường sắt (mở rộng; phường Dĩ An, thị xã Dĩ An, nay là TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương) của Công ty TNHH Phát triển nhà xe lửa Dĩ An (Công ty Dĩ An) với giá từ 16-33 triệu đồng/m2 thế nhưng dòng tiền gần như “chết đứng” khi dự án bị buộc tạm ngừng suốt nhiều năm nay.

Còn theo khách hàng Trương Ngọc Hưng, do thấy tính pháp lý của dự án được bảo đảm, cùng với giá đất hợp lý nên nhiều người đã vay mượn người thân, cầm cố tài sản vay ngân hàng để nhận chuyển nhượng nền đất dự án, các khách hàng mua dự án này đều vay ngân hàng từ 30% - 70% giá trị đất.

Theo tìm hiểu, từ đầu năm 2018 đến nay, Công ty Dĩ An đã bán ra tổng cộng 310 nền đất, người mua đã thanh toán khoảng 60% số tiền chuyển nhượng ngay khi ký hợp đồng. Tổng số tiền mà Công ty Dĩ An thu về khoảng 300 tỷ đồng.

Khi được đặt câu hỏi về quyền lợi của khách hàng đã mua đất tại dự án, ông Vũ Hoàng Hà, Giám đốc Công ty Dĩ An cho biết, vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ nên chờ đến khi có kết quả thì sẽ thông tin.

Theo Chất lượng và Cuộc sống