TP. HCM: Gần 20.000 tỷ đồng nối dài tuyến kết nối với Long An
TP.HCM dự kiến đầu tư đường Võ Văn Kiệt nối dài từ Quốc lộ 1 đến tỉnh Long An, với tổng vốn đầu tư khoảng 19.400 tỷ đồng
TP. HCM dự kiến đầu tư đường Võ Văn Kiệt nối dài từ Quốc lộ 1 đến tỉnh Long An, với điểm đầu tại nút giao với cầu vượt Quốc lộ 1 trên đường Võ Văn Kiệt hiện hữu, điểm cuối tại ranh giới giữa TP. HCM và tỉnh Long An, nằm trên địa bàn xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh. Tuyến đường được thiết kế với vận tốc tối đa 80km/h cho làn xe cơ giới và 60km/h cho làn xe hỗn hợp.
Toàn tuyến được chia làm ba đoạn. Đoạn 1 dài 2,7km, từ điểm giao với cầu vượt Quốc lộ 1 đến đường Tân Tạo - Chợ Đệm (đường Võ Trần Chí). Đoạn này đã được duyệt dự án đầu tư từ năm 2015 theo hình thức BOT, nhưng UBND TP. HCM đã chấm dứt hợp đồng với nhà đầu tư vào tháng 11/2024. Quy mô hoàn thiện theo thiết kế là 60m, trong giai đoạn 1 sẽ xây dựng hai đường song hành rộng từ 11 đến 14,5m, mỗi đường 2 làn xe.

Đoạn 2 dài 6,6km, kéo dài từ điểm giao đường Tân Tạo - Chợ Đệm đến đường Vành đai 3 TP. HCM, bao gồm cả nút giao khác mức tại điểm giao với đường Vành đai 3 TP. HCM. Nút giao này được thiết kế gồm cầu vượt, hầm chui và các nhánh rẽ với quy mô phù hợp trục chính.
Đoạn 3 dài 5,3km từ Vành đai 3 đến ranh giới tỉnh Long An. Trong đó có đoạn dài khoảng 1,68km đi qua khu đô thị Sing Viet gần cuối tuyến.
Trên tuyến sẽ xây dựng tổng cộng 6 cây cầu vượt sông gồm: cầu Cái Trung và cầu Hưng Nhơn thuộc đoạn 1; cầu Láng Le Bàu Cò và cầu Kênh A thuộc đoạn 2; cầu qua kênh An Hạ - Xáng An Hạ và một cầu khác qua Kênh A thuộc đoạn 3.
Tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 19.400 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 12.875 tỷ đồng, chi phí xây dựng khoảng 3.769 tỷ đồng, phần còn lại là chi phí dự phòng, tư vấn và quản lý dự án.
Dự án dự kiến trình cấp thẩm quyền phê duyệt và triển khai thực hiện trong giai đoạn 2026 - 2030.
Hiện nay, tuyến đại lộ Võ Văn Kiệt có mặt cắt ngang 60m, dài khoảng 13km từ cầu Calmette (Quận 1) đến nút giao Quốc lộ 1 (huyện Bình Chánh), là trục huyết mạch trong hệ thống giao thông Đông - Tây của TP. HCM.
Tuyến được đưa vào khai thác từ năm 2009, đóng vai trò kết nối TP. HCM với các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đây cũng là tuyến hành lang quan trọng giúp nâng cao hiệu quả vận chuyển hàng hóa từ các khu công nghiệp đến các cảng lớn tại TP. HCM và Long An, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế vùng.
Cùng với đó, TP.HCM có kế hoạch mở mới tuyến đường phía Tây Bắc sẽ được TP. HCM ưu tiên đầu tư trước năm 2030 nhằm tăng cường kết nối với tỉnh Long An. Dự kiến tổng vốn đầu tư dự án khoảng 5.200 tỷ đồng, thực hiện theo hình thức PPP trước năm 2030. Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng chiếm khoảng 3.900 tỷ đồng.
Tuyến đường này khi hoàn thành sẽ giúp giải quyết tình trạng kẹt xe thường xuyên xảy ra tại huyện Bình Chánh, Hóc Môn (TP. HCM), huyện Đức Hòa (Long An) - những nơi có mật độ khu công nghiệp cao.
Đồng thời, tuyến này sẽ hình thành trục xuyên tâm kết nối từ Vành đai 2 đến Vành đai 4, trục động lực Đức Hòa, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp, vận chuyển hàng hóa thuận lợi từ các khu công nghiệp đến các cảng quan trọng tại TP. HCM, Long An.
Tuyến đường này được quy hoạch nối từ đường Vành đai 2 TP. HCM qua khu công nghiệp Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh), kết nối vào đường tỉnh 823D thuộc tỉnh Long An, với chiều dài khoảng 9,9 km và quy mô 6 - 8 làn xe.