TP.HCM: Nguồn cung mới tăng – Phân khúc hạng A dẫn dắt thị trường

Theo số liệu của DKRA Việt Nam, nguồn cung và sức cầu chung toàn thị trường trong 6 tháng năm 2022 tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2021 nhưng tập trung ở một số dự án khu đô thị quy mô lớn tại khu Đông. Trong đó, TP.HCM dẫn đầu về nguồn cung và lượng tiêu thụ toàn thị trường.

Nguồn cung mới tăng

Theo Báo báo diễn biến thị trường 6 tháng đầu năm 2022 của DKRA, thị trường căn hộ TP.HCM ghi nhận có 24 dự án mở bán với khoảng 12.699 căn, gấp 2,3 lần so với 6 tháng đầu năm 2021. Tỷ lệ tiêu thụ đật xấp xỉ 88% trên nguồn cung mở bán mới với khoảng 11.212 căn, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Nguồn: Báo cáo diễn biến thị trường 6 tháng đầu năm DKRA Việt Nam
Nguồn: Báo cáo diễn biến thị trường 6 tháng đầu năm DKRA Việt Nam

Nguồn cung mới tăng gấp 2,3 lần so với cùng kỳ 2021 nhưng chỉ tập trung cung cấp từ một dự án đại đô thị Quận 9 cũ (TP. Thủ Đức). Ngoài ra hầu hết các dự án còn lại đều có số lượng mở giỏ hàng hạn chế, phổ biến dao động dưới 200 căn.

Khu Đông duy trì vị trí dẫn đầu với 82% nguồn cung và 82.8% lượng tiêu thụ mới toàn thị trường. Đứng thứ 2 là khu Tây với 11.3% nguồn cung mới.

Phân khúc hạng A tiếp tục dẫn dắt thị trường chiếm 77.7% nguồn cung và 77.5% lượng tiêu thụ mới toàn thị trường.

Nguồn: Báo cáo diễn biến thị trường 6 tháng đầu năm DKRA Việt Nam
Nguồn: Báo cáo diễn biến thị trường 6 tháng đầu năm DKRA Việt Nam

Mặt bằng giá bán sơ cấp bình quân từ 8-15% so với giai đoạn trước đó (cách nhau 3-5 tháng).

Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc chi phí nguyên vật liệu leo thang, siết trái phiếu, tín dụng bất động sản cũng như các chính sách bán hàng, hỗ trợ ân hạn nợ gốc, lãi vay của chủ đầu tư được cộng dồn vào giá bán.

Giá bán thứ cấp phổ biến tăng từ 3-5% so với cùng kỳ năm trước, tập trung ở những dự án đã bàn giao nhà, hạ tầng giao thông kết nối thuận tiện về trung tâm thành phố.

Dự kiến dùng 12.410 tỷ đồng ngân sách xây 93.000 nhà ở xã hội

Ngày 8/7/2022, tại kỳ họp thứ 6 HĐND TP.HCM khóa X đã thông qua nhiều Nghị quyết quan trọng, trong đó, thông qua Nghị quyết về chương trình phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2021-2030.

Dự kiến, tổng quỹ đất để phát triển nhà ở tại TP.HCM giai đoạn 2021-2030 khoảng 5.239 ha, trong đó, nhu cầu nhà ở xã hội 451 ha, nhà ở thương mại khoảng 4.788 ha.

HĐND TP.HCM cho hay, phát triển nhà ở là một trong những nội dung quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, từng bước giải quyết căn cơ về nhu cầu nhà ở cho người dân.

Cùng với đó, thành phố sẽ chuyển mô hình nhà ở từ thấp sang cao tầng, tăng tỷ lệ nhà ở chung cư; ưu tiên phát triển dự án nhà ở thuộc các khu đô thị mới, hạn chế phát triển dự án mới trong nội thành để quản lý, sử dụng đất đai hiệu quả, tạo quỹ đất phát triển giao thông, công viên, chỗ đậu xe.

Khu vực trung tâm và nội thành tập trung xây dựng nhà ở chung cư cao tầng, đồng thời phát triển hạ tầng phù hợp với quy mô. Đẩy mạnh phát triển nhà tại khu vực các quận nội thành phát triển như quận 7, quận 12, quận Bình Tân và TP. Thủ Đức để hình thành các hạt nhân trung tâm đô thị trên địa bàn.

TP.HCM sẽ dùng 12.410 tỷ đồng ngân sách xây 93.000 nhà ở xã hội.
TP.HCM sẽ dùng 12.410 tỷ đồng ngân sách xây 93.000 nhà ở xã hội.

Thành phố khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng nhà ở, đặc biệt đối với nhà ở xã hội, cũng như bố trí vốn ngân sách phát triển loại hình này để cho thuê, thuê mua; tăng tỷ trọng nhà ở cho thuê đối với phân khúc nhà ở giá rẻ.

Mục tiêu đến năm 2025, diện tích nhà ở bình quân là 23,5 m2/người (tối thiểu là 10m2/người), dự kiến giai đoạn 2021-2025 tăng 50 triệu m2 sàn; đến năm 2030 là 26,5 m2/người (tối thiểu là 12m2/người), giai đoạn 2026-2030 tăng 57,5 triệu m2 sàn.

Đối với nhà ở thương mại, giai đoạn 2021-2025, thành phố tăng thêm khoảng 15,5 triệu m2 sàn; giai đoạn 2026-2030 khoảng 21,4 triệu m2 sàn, trong đó, tỷ lệ nhà ở chung cư trong các dự án nhà ở thương mại đạt 92%. Đối với nhà ở riêng lẻ tương ứng từng giai đoạn là 31,9 triệu m2 và 31,9 triệu m2.

Đối với nhà ở xã hội, tổng nhu cầu về nhà ở loại hình này giai đoạn 2021-2030 khoảng 37 triệu m2 sàn (khoảng 93.000 căn). Trong đó, chủ yếu là nhu cầu của người thu nhập thấp, công nhân làm việc tại các khu, cụm công nghiệp.

Cụ thể, giai đoạn 2021-2025, thành phố sẽ phát triển 2,5 triệu m2 sàn (khoảng 35.000 căn nhà). Trong đó, nhà cho thuê phấn đấu đạt khoảng 500.000 m2 sàn (7.000 căn); nhà ở lưu trú công nhân là 220.000 m2 sàn (4.500 căn).

Ở giai đoạn 2026-2030, phát triển khoảng 4,08 triệu m2 sàn nhà ở xã hội (58.000 căn). Trong đó, nhà ở cho thuê phấn đấu đạt khoảng 816.000 m2 sàn (11.600 căn); nhà ở lưu trú công là trên 480.000 m2 sản (8.000 căn).

Về nhà ở công vụ, TP.HCM dự kiến phát triển khoảng 1.400 m2 sàn nhà ở công vụ, tương ứng khoảng 14 căn nhà ở công vụ tại huyện Củ Chi.

Nguồn vốn cho phát triển nhà ở xã hội, theo nghị quyết của HĐND TP.HCM, ngân sách thành phố sẽ giải ngân 12.410 tỷ đồng (chiếm khoảng 10% tổng nguồn vốn), được chia làm 2 giai đoạn, khoảng 3.770 tỷ đồng giai đoạn 2021-2025 và khoảng 8.640 tỷ đồng giai đoạn 2026-2030. Mục tiêu nhằm đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước để cho thuê, cho thuê mua, bao gồm cả nhà ở xã hội cho công nhân.

Riêng đối với các chương trình mục tiêu như cải tạo chung cư cũ, di dời nhà ở trên ven kênh rạch thì triển khai thực hiện trên cơ sở nguồn vốn ngân sách được phê duyệt riêng cho từng chương trình.

Thanh Xuân

Theo Chất lượng và cuộc sống