Tp.HCM thống nhất chấm dứt hợp đồng BOT dự án 1.500 tỷ đồng đình trệ 6 năm

Văn phòng UBND Tp.HCM vừa có Văn bản số 3626/UBND-DA gửi các Sở, ban, ngành và Thanh tra Thành phố liên quan đến hợp đồng BOT dự án xây dựng đoạn tuyến nối từ đường Võ Văn Kiệt đến đường cao tốc Tp.HCM - Trung Lương.

Theo đó, xét đề nghị của nhóm công tác liên ngành về việc chấm dứt trước thời hạn hợp đồng BOT dự án xây dựng đoạn tuyến nối từ đường Võ Văn Kiệt đến đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh thống nhất về chủ trương thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng BOT dự án này.

UBND Tp.HCM giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (Ban Giao thông - cơ quan thực hiện giám sát Nhà nước) khẩn trương phối hợp với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án và các đơn vị liên quan rà soát hợp đồng BOT dự án đã ký kết, nghiên cứu quy định pháp luật liên quan và tình hình thực tế triển khai dự án.

Cùng đó, tham mưu, đề xuất về việc thanh toán các chi phí liên quan, đảm bảo hợp lý, hợp pháp khi thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng BOT dự án đã ký kết. Yêu cầu Ban Giao thông báo cáo kết quả cho UBND Thành phố và nhóm công tác liên ngành trước ngày 15/7.

UBND Thành phố cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp và các Sở, ngành liên quan tham mưu, đề xuất và dự thảo công văn của UBND Thành phố gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để được hướng dẫn thủ tục thực hiện đơn phương chấm dứt trước thời hạn hợp đồng BOT dự án đã ký kết, hoàn thành trước ngày 10/7.

Dự án gần như được "trùm mền" suốt 6 năm qua (ảnh: Internet).  
Dự án gần như được "trùm mền" suốt 6 năm qua (ảnh: Internet).  

Thanh tra Thành phố khẩn trương chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan rà soát, xem xét, có ý kiến đối với báo cáo tình hình chấm dứt trước thời hạn hợp đồng BOT dự án đã ký kết của nhóm công tác liên ngành nhằm đảm bảo chặt chẽ, hạn chế thiếu sót các thủ tục, trách nhiệm (nếu có).

Trên cơ sở kết quả thực hiện các nội dung nêu trên, giao nhóm công tác liên ngành tham mưu, đề xuất UBND Thành phố về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng BOT dự án đã ký kết.

Theo báo cáo của nhóm công tác liên ngành, trước đây, Sở Giao thông vận tải đã chủ trì, phối hợp các Sở, ngành liên quan chủ động làm việc với nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án để hướng dẫn thực hiện việc khắc phục các nội dung vi phạm theo đúng thỏa thuận tại hợp đồng BOT đã ký kết.

Ban Giao thông cũng nhiều lần làm việc và có nhiều văn bản đề nghị việc báo cáo tình hình thực hiện, pháp lý, hồ sơ đối với các khối lượng đã thực hiện. Tuy nhiên, nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án nhiều lần xin gia hạn, kéo dài thời gian với cùng lý do chủ yếu là hồ sơ tài liệu bị thất lạc, các nhà thầu không đáp ứng đầy đủ thông tin để lập hồ sơ quyết toán theo quy định.

Nhóm công tác cũng đánh giá, nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án đã có những vi phạm nghiêm trọng như: ngưng thực hiện dự án từ tháng 6/2018; không thể cung cấp được hồ sơ tài liệu làm rõ, chứng minh về khả năng thu xếp vốn để thực hiện tiếp hợp đồng BOT đã ký kết và bảo lãnh thực hiện hợp đồng, hồ sơ tài liệu liên quan đến công tác thanh toán và các nội dung liên quan khác.

Dự án đầu tư xây dựng đoạn tuyến nối từ đường Võ Văn Kiệt đến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương (giai đoạn 1) được thực hiện theo hình thức hợp đồng BOT với chiều dài tuyến khoảng 2,7 km, tổng mức đầu tư 1.557 tỷ đồng (không bao gồm chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng do tách thành dự án riêng). 

Dự án này trước đây do Công ty Cổ phần Tập đoàn Yên Khánh (nhà đầu tư) và doanh nghiệp dự án là Công ty TNHH MTV BOT Tp.HCM - Trung Lương thực hiện. Ban đầu, kế hoạch triển khai dự án là từ năm 2015-2017.

Tháng 10/2015, dự án chính thức được khởi công xây dựng nhưng đến giữa năm 2018 thì nhà đầu tư dừng thi công, tổng sản lượng xây lắp chỉ đạt 140 tỷ đồng, tương đương với 12% giá trị.

Đến nay, dự án này gần như được “trùm mền” suốt 6 năm qua. Trên công trình là những trụ cầu trơ cốt thép, hoen gỉ.

Liên quan đến Công ty Cổ phần Tập đoàn Yên Khánh, ngày 24/10/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ban hành quyết định khởi tố, lệnh tạm giam Đinh Ngọc Hệ, Vũ Thị Hoan và Phạm Văn Diệt (Tổng Giám đốc, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh) về tội Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng theo khoản 3 Điều 221 Bộ luật Hình sự 2015.

Trước đó, ngày 26/12/2018, C03 cũng đã bắt tạm giam 5 cán bộ tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Yên Khánh với cáo buộc sử dụng phần mềm điện tử để giấu tiền thu phí tuyến cao tốc Tp.HCM - Trung Lương, trốn thuế, gây thất thu cho ngân sách nhà nước.

Ngày 7/11/2023, Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư (Cục Hải quan Tp.HCM) ban hành quyết định cưỡng chế bằng biện pháp dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của Công ty Cổ phần Tập đoàn Yên Khánh. Doanh nghị này bị cưỡng chế do nợ thuế quá hạn 90 ngày tại Chi cục Thuế Quận 1 - Cục Thuế Tp.HCM, với số tiền trên 172 tỷ đồng.

Thời hạn cưỡng chế thuế có hiệu lực đến ngày 6/11/2024. Quyết định chấm dứt hiệu lực kể từ khi tiền thuế nợ được nộp đủ vào ngân sách Nhà nước.

Huy Hùng

Theo Tài chính doanh nghiệp